| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt mốc 4 tỷ USD

Thứ Bảy 14/01/2023 , 08:25 (GMT+7)

Sau nhiều năm ở trong nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu trên dưới 3 tỷ USD, năm 2022, xuất khẩu cà phê đã có bước đột phá và chạm mốc 4 tỷ USD.

Vượt mốc 4 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê đạt 197 nghìn tấn, trị giá 425 triệu USD. Với kết quả này, cả năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị. Như vậy, 2022 là năm đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD.

cà phê 2022

Thu hoạch cà phê ở Lâm Đồng. Ảnh: Sơn Trang.

Việc cà phê Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD về xuất khẩu, trước hết là nhờ giá cà phê tăng cao trên toàn cầu trong năm 2022. Bất chấp những tác động từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát kinh tế…, nhu cầu nhập khẩu cà phê của các thị trường lớn vẫn tăng, có những thị trường tăng rất mạnh.

Theo Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ, 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê vào Mỹ đạt 8,07 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 285 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Thông tin từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho hay, cũng trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Đức đạt 4,72 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 494,9 triệu USD, tăng 58,2%; Pháp nhập khẩu 2,7 tỷ USD, tăng 4,7% (nhập từ Việt Nam là 57 triệu USD, tăng 78,7%); Canada nhập khẩu 1,6 tỷ USD, tăng 37,7% (nhập từ Việt Nam là 28 triệu USD, tăng 91%)…

Trong khi đó, nguồn cung cà phê toàn cầu thiếu hụt so với nhu cầu. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), tổng sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/2022 vào khoảng 167,2 triệu bao (60kg/bao), trong khi nhu cầu vào khoảng 170,83 triệu bao. Sự chênh lệch cán cân cung – cầu cùng những yếu tố khác đã làm tăng đáng kể giá cà phê trên toàn cầu cũng như giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua bình quân đạt 2.282 USD/tấn, tăng 11,6% so với năm 2021.

Dấu ấn cà phê chế biến

Việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến cũng đã góp phần không nhỏ giúp cho xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2022. Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê chế biến đạt 610 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2021.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến đang gia tăng trên toàn cầu cũng như nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu cà phê chế biến.

Empty

Xuất khẩu cà phê chế biến có những bước tiến lớn trong thời gian qua.

Ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc của Nestlé Việt Nam cho biết, công ty đang tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao.

Năm 2022, Nestlé Việt Nam bắt đầu sản xuất và xuất khẩu những lô đầu tiên sản phẩm cà phê hòa tan siêu thượng hạng sử dụng công nghệ sấy đông sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ. Trước đây, sản phẩm này chỉ được sản xuất quy mô nhỏ tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn Nestlé tại Mỹ. Nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai) là nhà máy đầu tiên sản xuất dòng sản phẩm này ở quy mô thương mại trong toàn bộ Tập đoàn Nestlé.

Nestlé Việt Nam cũng đang liên tục mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê cao cấp mang thương hiệu Starbucks chuyên biệt cho xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc.

Việc mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê giá trị cao là một phần trong khoản cam kết đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ được Nestlé Việt Nam công bố vào những tháng cuối năm 2021, góp phần đưa sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” chất lượng cao ra khu vực và thế giới. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la Mỹ.

Empty

Chế biến sâu là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam.

"Mục tiêu đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê, mà phải đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê. Vì vậy, Nestlé đang tập trung đi theo hướng phát triển nông nghiệp tái sinh thông qua hợp tác với Chính phủ, các viện nghiên cứu, các tổ chức và nông dân để tìm ra cách thức cải thiện chất lượng của cà phê Robusta tại Việt Nam, tạo nên những hạt cà phê Robusta năng suất hơn, sinh lời hơn so với những hạt cà phê Robusta thông thường. Điều cần làm là tạo giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến thay vì chỉ xuất khẩu cà phê xanh, vốn có giá trị hạn chế".

(Ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé).

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Masan: Lãi quý IV/2024 gấp gần 14 lần so với cùng kỳ

Lợi nhuận quý 4/2024 của Masan gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 691 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm 2024 đạt 200% kế hoạch kịch bản cơ sở.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất