Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, công chúng nhớ ngay những ca khúc nổi tiếng “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Mẹ yêu con”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Cô nuôi dạy trẻ”… và đặc biệt là ca khúc “Dư âm” ra đời từ năm 1950 đến nay vẫn được khán giả khắp nơi yêu thích. Thế nhưng, mới đây những người mến mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại xôn xao khi nghe thông tin ông sống cô đơn và túng thiếu ở tuổi 93! Thực hư chuyện này cần hiểu ra sao?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống với người giúp việc trong căn nhà nhỏ, không phải là điều vừa xảy ra. Vẫn cư ngụ ở khu vực Tân Định - Sài Gòn, nhưng gần 30 năm trước, khi vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quyết định bán căn nhà mặt tiền trên đường Đặng Tất (do Nhà nước cấp cho nghệ sĩ kháng chiến) để mua căn nhà trong hẻm Trần Khắc Chân cho ông ở riêng, thì cuộc sống của tác giả “Dư âm” đã an bài như vậy. Người cháu gái tên Thương nhận chăm sóc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã được mua cho một căn nhà gần đó, để thuận tiện đi lại. Vậy thì, nguyên cớ gì dư luận lại ầm ĩ lên vì nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý than thở “con tôi nó bỏ tôi đi”?
Không ai phủ nhận, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một tài năng lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ông vốn quê gốc ở Sóc Sơn - Hà Nội, nhưng bố mẹ của ông chuyển vào làm công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi - Nghệ An, nên ông được sinh ra tại thành phố Vinh. Chính mảnh đất bên bờ sông Lam đã hun đúc tâm hồn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, giúp ông có sở trường khai thác và phát triển chất liệu dân ca Bắc Trung bộ trong các sáng tác lừng lẫy.
Sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nên không có chuyện ông chạy ăn từng bữa. Từ năm 1947, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã làm Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền huyện Thanh Chương - Nghệ An và nghỉ hưu với chế độ dành cho một cán bộ của Viện Nghiên cứu âm nhạc. Khoản lương hưu của một người có công cách mạng, cộng với khoản tác quyền được chi trả thường xuyên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có thu nhập của một người già thong dong. Thế nhưng, ông có cái khổ của bậc lão trượng nhạy cảm và tủi thân, nên mỗi khi ai hỏi đến mình thì nấc lên thống thiết.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không sống gần con cái là sự thật, và ông thường kể với giọng điệu lâm ly. Người đã hiểu chuyện thì gạn lọc để an ủi ông, nhưng người ít biết thì nghe qua đã thấy rối bời ruột gan.
Bài báo “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Con tôi nó bỏ tôi đi” nằm trong trường hợp ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thổ lộ “tôi nhiều bệnh lắm, thần kinh tôi bây giờ yếu, trí nhớ giảm, lúc nhớ lúc quên…” thì người đối diện phải biết đắn đo những gì ông trình bày. Người già nào mà không đau bệnh, người già nào mà không nhớ quên thất thường. Do đó, tâm sự đẫm nước mắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không hoàn toàn chính xác. Hoàn cảnh của ông đáng thông cảm, nhưng không thể kết tội hai người con gái của ông. Ngay cả lời chia sẻ “hai con tôi hiện tại cũng sắp đến tuổi về hưu rồi” cũng không đúng. Người con gái đầu Như Mỹ năm nay đã 70 tuổi, còn người con gái sau Thái Linh năm nay đã 63 tuổi, họ đều về hưu từ lâu rồi!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thổ lộ “tôi nhiều bệnh lắm, thần kinh tôi bây giờ yếu, trí nhớ giảm, lúc nhớ lúc quên…” |
Cuộc sống với người giúp việc, là do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chọn lựa từ khi ông còn minh mẫn. Bây giờ người vợ Bạch Lê cũng đã qua đời và hai người con cũng có cuộc sống riêng. Con gái nào không thương bố, nhưng bản tính nghệ sĩ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không dễ hầu hạ. Cách đây không lâu, con gái sau Thái Linh dọn về ở chung để phụng dưỡng bố, nhưng chính ông đã kêu công an đuổi ra khỏi nhà. Đành rằng, tuổi già neo đơn thì đáng xúc động và đáng cưu mang, nhưng cái gì cũng có biên độ chịu đựng. Hai người con gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng có chất chứa khó thổ lộ về những kiểu cách bay bổng và phóng túng từ phía thân phụ! Người ngoài hờ hững nếu chỉ nghe than vắn thở dài của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì rất dễ trách móc hai người con gái. Xin lưu ý, trước khi trở thành nhạc sĩ thì Nguyễn Văn Tý đã là ca sĩ kiêm kịch sĩ. Ông có cái đỏm dáng của nghệ sĩ đầu thế kỷ 20, nên hay cường điệu mọi nỗi bi đát. Một phóng viên lơ ngơ cứ ghi chép nguyên xi nỗi lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì cả nhân loại đều có lỗi với ông, chứ không riêng hai người con gái của ông!
Hai người con gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là hai số phận. Người con gái đầu Như Mỹ là kết quả hôn nhân giữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với người vợ Mai Thị Cúc. Là một người phụ nữ bán muối ở bến cảng Hộ Độ - Hà Tĩnh, bà Mai Thị Cúc đám cưới với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào năm 1946. Bà Mai Thị Cúc bị bệnh tim, đã qua đời khi cùng cả nhà sơ tán lên Chợ Vực thuộc huyện Hưng Nguyên- Nghệ An vào năm 1947. Người con gái đầu Như Mỹ mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng được 3 tháng. Những năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi sáng tác phục vụ cách mạng với những ca khúc như “Tiếng hát bản Mèo”, “Em đi làm tín dụng” hoặc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, thì Như Mỹ được gửi đi học bên Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, Như Mỹ dạy Hóa ở trường Trần Phú - Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Người con gái sau Thái Linh là kết quả hôn nhân giữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với người vợ Bạch Lê - em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Cả hai cùng công tác trong Đoàn văn công Liên khu 4. Khi đến với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì bà Bạch Lê đã trải qua một đời chồng và có bốn đứa con. Đám cưới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và bà Bạch Lê tổ chức năm 1953 ở Nam Đàn - Nghệ An, do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ hôn. Năm 1954, Thái Linh chào đời, và là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết ca khúc “Mẹ yêu con”. Người con gái Thái Linh từng học nhạc 11 năm ở Liên Xô, rồi theo chồng sang định cư ở Đức nhiều năm, trước khi trở về Việt Nam giảng dạy piano tại Nhạc viện TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu.
Hai người con gái đều có học thức, lẽ nào “không đứa nào lo cho tôi” như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ca thán? Thực tế, họ vẫn lo cho ông, nhưng không thể ở gần ông vì cá tính của ông tạo ra khoảng cách với họ. Chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thú nhận sự chênh vênh ấy ngay trong cuốn hồi ký “Tự họa” của ông: “Năm 1988, trong đời sống gia đình tôi có sự rạn nứt nghiêm trọng” và giãi bày rõ ràng hơn vì sao người vợ Bạch Lê cũng phải xa ông: “Nhà tôi về với động cơ để mà gần gũi tôi. Nhưng lại có chuyện: không gần được! Vì biết: trong những ngày khó khăn ấy, tôi lại đã có một chỗ dựa vào một người đàn bà khác, để mà sống qua ngày. Thông cảm, nhà tôi không trách. Nhưng ý định sống gần kia thì không còn nữa…”.
Cá tính của nhạc sỹ đã tạo ra khoảng cách với con gái mình |
Trở lại băn khoăn: vì sao nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bày tỏ sự thống thiết và sự lâm ly khiến dư luận xôn xao? Vì ông đã quen được chiều chuộng và quen rong ruổi lãng tử. Là một nhạc sĩ nổi tiếng, Nguyễn Văn Tý đi đâu cũng có trà dâng rượu rót. Vì tài năng của ông, các đoàn thể luôn cung phụng ông từng ly từng chén. Thế nhưng, khi chân chùng gối mỏi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ quẩn quanh ở nhà thì xung quanh ông chỉ còn vài bạn bè tốt bụng mà thôi. Mỗi thời mỗi khác, níu kéo và hoài niệm chỉ thêm xót xa!