Sáng 7/6, sau khi kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ với 7 nhóm nội dung chính. Trong đó có vấn đề, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương... cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết các giải pháp giúp ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao năng suất lao động và đời sống cho bà con nông dân.
Bộ trưởng Đạt chia sẻ, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ Khoa học Công nghệ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để triển khai ứng dụng đổi mới sáng tạo, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Theo vị tư lệnh ngành, nhiều doanh nghiệp đã tham gia, ứng dụng công nghệ mới vào phát triển nông nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời ngành hàng lúa gạo, Tập đoàn TH ngành hàng sữa, Tập đoàn Dabaco ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, 290 doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ, 690 vùng sản xuất với 70% đạt tiêu chí vùng ứng dụng công nghệ cao và gần 2.000 HTX đã ứng dụng chuyển đổi số, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Nhấn mạnh vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt hơn 52 tỉ USD, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt xem đây là "thành tựu chung của ngành nông nghiệp có phần đóng góp của khoa học công nghệ".
Dù vậy, ông thừa nhận việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn nhiều rào cản. Bộ trưởng nhận xét, để hoạt động hiệu quả cần nguồn vốn lớn, đi kèm với cơ sở hạ tầng, sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.
"Đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm, quỹ đầu tư", Bộ trưởng Đạt bày tỏ.
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách; đồng thời phối hợp địa phương đảm bảo khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển đúng mục tiêu, định hướng; nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi, đoàn Bắc Giang, cho biết, yêu cầu chiếu xạ là bắt buộc khi xuất khẩu nông sản, cụ thể là vải thiều, vào thị trường một số nước, trong đó có Hoa Kỳ. Những năm qua, quả vải Bắc Giang luôn phải đưa vào TP.HCM để làm điều này khiến chi phí, thời gian bị đội lên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cung cấp giải pháp cho việc thành lập trung tâm chiếu xạ tại khu vực phía Bắc thời gian tới.
Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói trong chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Hoa Kỳ vừa qua, ông nhận thấy phía Bạn yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình chiếu xạ với quả vải. Hoa Kỳ đề nghị phải có chuyên gia sang Việt Nam giám sát quá trình chiếu xạ. Trang thiết bị, điều kiện xử lý cũng cần tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đàm phán với phía Hoa Kỳ, bước đầu đạt một số kết quả để tiến tới thành lập trung tâm chiếu xạ đạt đủ tiêu chuẩn tại miền Bắc.
"Các bước đàm phán đang ở khâu cuối. Từ nay đến cuối năm, chúng ta có thể chiếu xạ quả vải theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ để xuất khẩu sang nước bạn", Bộ trưởng Đạt bày tỏ kỳ vọng.
Tính cả 2 câu hỏi trên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có hơn 2 giờ giải đáp đại biểu. Tính tổng cộng, khoảng 120 đại biểu đã đăng ký chất vấn ông - số lượng kỷ lục tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Với tinh thần "cố gắng nắm bắt đề xuất, nguyện vọng của cử tri thông qua câu hỏi của đại biểu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Đạt đã trả lời thẳng thắn nhiều vấn đề gai góc.
Một trong số đó là cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý được đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - nêu ra. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, 5 thông tư mới đã được Bộ ban hành để tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Nhiều quy định được bãi bỏ như nhà khoa học là chủ nhiệm có các đề tài nghiên cứu khoa học mà nghiệm thu không đạt thì không được tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong hai năm tiếp theo. "Chúng tôi rất quan tâm đến tính đặc thù, rủi ro, độ trễ của khoa học công nghệ", ông Đạt nói.
Nhắc lại câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính, rằng "Khoa học là con đường ngắn nhất đi tới thịnh vượng", Bộ trưởng Đạt kêu gọi các cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, tạo ra cơ chế thỏa đáng để họ phát huy năng lực.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư 27 về khoán chi, đơn giản thủ tục mua sắm, thanh toán, đồng thời giảm thủ tục hồ sơ cho các nhà khoa học.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam đột phá về khoa học công nghệ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên. Dù kinh tế khó khăn, Bộ và ngành vẫn được bố trí kinh phí tương đương 0,64% GDP.
Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Hiện nước ta có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng thế giới. Theo Bộ trưởng, đây là thành quả của phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
Trả lời về mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp của đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Đạt cho biết, với vai trò là bà đỡ, Nhà nước đã tạo ra nhiều cơ chế, môi trường để doanh nghiệp và trường đại học xích lại gần nhau.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu một số quy định và giải pháp để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, còn viện, trường là chủ thể nghiên cứu, tạo môi trường để hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.