| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm lực nông nghiệp nơi cuối trời Tây Bắc

Thứ Hai 03/01/2022 , 07:56 (GMT+7)

Triết lý phát triển nông nghiệp của Lai Châu là đa giá trị, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản phẩm đặc sản, gắn với chuỗi giá trị và liên kết.

Đầu tháng 12/2021, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ rằng, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ở Lai Châu giống như câu chuyện đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng suốt hàng trăm năm vậy. Nàng công chúa ấy không chỉ cần một chàng hoàng tử khỏe mạnh, cường tráng mà đó còn phải là hoàng tử thông minh, có trái tim, đánh thức Lai Châu bằng lòng trắc ẩn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021. Ảnh: Bá Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021. Ảnh: Bá Thắng.

Tất cả các doanh nghiệp khi đến với Lai Châu hãy để lại tình thương với 500.000 người Lai Châu mà đa phần trong số đó là đồng bào dân tộc, để trái tim gặp trái tim và hội tụ, kích hoạt, chuyển hóa thành cảm xúc, năng lượng của địa phương, của nhà đầu tư, của chính người dân nơi đây.

Câu chuyện và sự ví von của Bộ trưởng Lê Minh Hoan không chỉ là lời kêu gọi, nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Lai Châu, không chỉ là sự động viên, chia sẻ với đồng bào mảnh đất khó khăn, gian khổ bậc nhất nơi cuối trời Tây Bắc mà còn là đánh giá rất cao tiềm năng phát triển nông nghiệp của mảnh đất này.

Thực tế tỉnh Lai Châu cũng đã xác định triết lý phát triển của nông nghiệp là hướng tới đa giá trị, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản phẩm đặc sản gắn với chuỗi giá trị. Và để tái cơ cấu được và phát triển lĩnh vực nông nghiệp thì việc liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi liên kết là rất quan trọng. Góp phần giúp người dân thay đổi cuộc sống, giảm nghèo hướng tới thoát nghèo, nâng cao tri thức, hội nhập nhanh hơn trong bối cảnh công nghệ số…

Chúng tôi khẳng định, tiềm năng để phát triển nông nghiệp của Lai Châu là không ít. Đó là đất đai với diện tích tự nhiên 906.878ha, bình quân 2,2 ha/người, gấp 6 lần bình quân cả nước. Trong đó diện tích đất trống chưa sử dụng 240.000ha và tổng diện tích đất nông nghiệp trong thời gian tới có thể chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là trên 60.000 ha. Đây là những diện tích chủ yếu là đất màu, đất nương rẫy kém hiệu quả...

Tiềm năng và lợi thế thứ hai là khí hậu. Lai Châu có 3 đới khí hậu rõ rệt là đới khí hậu nóng, ẩm, có độ cao dưới 600m, rất thích hợp cho các cây trồng nhiệt đới. Đới khí hậu mát, ẩm là đới có độ cao từ 600m đến 1.000m, thích hợp với nhiều cây trồng á nhiệt đới, nhất là cây chè, mắc ca… Đới có khí ôn đới là đới có độ cao từ 1.000m trở lên, rất thích hợp với các cây trồng ôn đới và nhiều loài cây dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đỗ trọng, đương quy, tam thất...

Tiềm năng và lợi thế thứ ba là hệ thống sông suối đa dạng, khí hậu nhiều nơi mát mẻ quanh năm, phù hợp để trồng rau màu trái vụ, phát triển cây dược liệu. Theo thống kê toàn tỉnh Lai Châu có trên 16.630 ha mặt nước các lòng hồ thủy điện, rất thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ theo hướng tập trung, đồng thời có thể gắn kết với bản sắc văn hóa đậm đà, thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp để phát triển ngành du lịch.

Có người nói, trở ngại phát triển lớn nhất của Lai Châu là giao thông, nhưng trong thời gian tới nút thắt này sẽ phần nào được tháo gỡ. Hầu hết các trục đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh và các tuyến đường kết nối với các tỉnh trong khu vực và các thị trường lớn như vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ hoàn thành như: tuyến Thành phố Lai Châu - Sìn Hồ, Thành phố Lai Châu - Nậm Tăm, tuyến tỉnh lộ 127, Quốc lộ 32, Quốc lộ 12, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến Ma Lù Thàng - Kim Bình - Vân Nam sẽ thúc đẩy giao thương giữa các huyện trong tỉnh, giữa tỉnh với bên ngoài và thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng về nông nghiệp của Lai Châu.

Chính vì vậy, về chiến lược phát triển nông nghiệp, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung 5 nhiệm vụ chính.

Đó là phát triển khoảng 10 nghìn ha mắc ca, 10 nghìn ha chè, chăm sóc tốt gần 13 nghìn ha cao su hiện có, phát triển các loại rau hoa trái vụ như chanh leo, dứa, hoa,... đặc biệt là phát triển trồng cây sâm Lai Châu. Đây là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Chính vì vậy, tỉnh Lai Châu đang quân tâm, đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Thứ hai là chăn nuôi gia súc, Lai Châu phấn đấu có khoảng trên 36 cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, 15 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung theo hướng trang trại, gia trại.

Thứ ba là phát triển nghề nuôi ong với 10.000 đàn nuôi tập trung, theo hướng có kiểm soát, an toàn sinh học.

Thứ tư là phát triển nuôi cá lồng tại các lòng hồ thủy điện và cá nước lạnh, phát triển mới thể tích khoảng 45.000m3 nuôi cá lồng trên hồ thủy điện và phát triển mở rộng vùng nuôi cá nước lạnh đạt 18.000m3.

Thứ năm là trồng mới khoảng 15.000ha rừng, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 1.000ha, rừng sản xuất và cây phân tán khoảng 14.000ha (cây quế 5.000ha, cây gỗ lớn 8.500ha...).

Định hướng phát triển của Lai Châu là những nhiệm vụ này đều phải gắn với chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn và hướng tới xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khảo sát vùng sâm Lai Châu tại huyện Mường Tè. Ảnh: Tấn Trường. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khảo sát vùng sâm Lai Châu tại huyện Mường Tè. Ảnh: Tấn Trường. 

Nút thắt lớn nhất hiện nay trong phát triển nông nghiệp tỉnh Lai Châu chính là việc tích tụ, tập trung đất đai để tạo vùng sản xuất lớn, thu hút các nhà đầu tư thực hiện liên kết sản xuất với người nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Thực trạng đó chưa thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

Một trong những then chốt để phát triển nông nghiệp là thu hút tư thì các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, có uy tín về nông nghiệp chưa có điều kiện biết về tiềm năng, lợi thế của vùng đất này. Tôi luôn nghĩ rằng nếu có doanh nghiệp đầu tàu thì nền nông nghiệp Lai Châu sẽ khác rất nhiều.

Chính vì vậy, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, những năm qua HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025...

Có thể nói là rất nhiều kinh phí, ngân sách địa phương dành riêng cho nông nghiệp để tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là các chính sách hỗ trợ các nội dung về giống, vật tư, thiết bị, cơ sở sản xuất, chế biến, hạ tầng đường lâm sinh... cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời chia cấp độ hỗ trợ để hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, ưu tiên hợp tác xã, doanh nghiệp để xây dựng thành các đầu tàu lớn, nhằm tạo sức lan tỏa để phát triển.

Song song với việc ban hành các chính sách hỗ trợ, tỉnh Lai Châu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021 vừa rồi tỉnh Lai Châu nhận được sự đồng hành cùng Bộ NN-PTNT giúp tỉnh có cách tiếp cận mới và khẳng định cam kết của tỉnh trong việc hỗ trợ cộng đồng nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu

Xem thêm
Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bí thư Quảng Ninh trăn trở việc dân, nghĩ cho doanh nghiệp

Song hành với việc tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đang tính bổ sung nội dung tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.