| Hotline: 0983.970.780

Lấy người dân làm trung tâm phát triển kinh tế dưới tán rừng

Thứ Sáu 03/12/2021 , 20:20 (GMT+7)

Tích hợp đa giá trị, dựa trên ba trụ cột 'tài nguyên bản địa - tinh hoa dân tộc - đổi mới sáng tạo' là định hướng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị sáng 3/12 tại Lai Châu. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị sáng 3/12 tại Lai Châu. Ảnh: Bảo Thắng.

Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 104.101 km2, chiếm 31,4% diện tích cả nước; dân số là 16,6 triệu người, chiếm 17% dân số cả nước. Đây là vùng có diện tích rừng lớn, với tổng diện tích rừng là khoảng 5,7 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó rừng tự nhiên khoảng gần 4 triệu ha, bằng 38,6% diện tích rừng tự nhiên toàn quốc.

Diện tích rừng trồng là gần 1,8 triệu ha, bằng 40,8% diện tích rừng trồng toàn quốc. Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%, cao hơn trung bình chung của cả nước (42,01%). Phát triển kinh tế lâm nghiệp từ lâu được xác định là mũi nhọn nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Đó cũng là ý mở đầu cho bài phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc sáng 3/12 ở Lai Châu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

"Rừng không chỉ là gỗ, thủy điện mà còn là tâm huyết của đồng bào dân tộc. Nếu tiếp cận sớm, chúng ta có thể đã tránh được những cuộc di dân", Bộ trưởng nói tiếp.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, khai thác lâm nghiệp nói chung và dưới tán rừng nói riêng cần phải tích hợp đa giá trị. Chính những giá trị tưởng như đơn lẻ của rừng sẽ đan xen, tích hợp và hỗ trợ nhau, tạo ra một nền kinh tế dưới tán rừng.

Trong bối cảnh cả nền nông nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị ngành lâm nghiệp hòa chung dòng chảy ấy. Ông chủ trương, tránh khai thác rừng theo hướng đơn giá trị để giảm nguy cơ khai thác quá mức, gây kiệt quệ, xói mòn tài nguyên. Đồng thời, tư lệnh ngành đề nghị các đơn vị liên quan phát triển lâm nghiệp theo ba trụ cột là “tài nguyên bản địa - tinh hoa dân tộc - đổi mới sáng tạo”.

Bộ NN-PTNT mong muốn người dân sẽ làm trung tâm của quá trình phát triển kinh tế dưới tán rừng, hình thành các chuỗi giá trị, liên kết. Ảnh: Lệnh Thắng.

Bộ NN-PTNT mong muốn người dân sẽ làm trung tâm của quá trình phát triển kinh tế dưới tán rừng, hình thành các chuỗi giá trị, liên kết. Ảnh: Lệnh Thắng.

"Thông qua Hội nghị hôm nay, Bộ NN-PTNT muốn lắng nghe ý kiến từ địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để phát triển rừng đa dụng, hình thành các quy hoạch, trước khi xây dựng đề án trình Chính phủ.

Với vai trò kêu gọi, dẫn dắt, định hướng các doanh nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái đầu tư bền vững, Bộ NN-PTNT mong muốn người dân sẽ làm trung tâm của quá trình phát triển kinh tế dưới tán rừng, hình thành các chuỗi giá trị, liên kết", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ. 

Hai giải pháp trước mắt mà Bộ trưởng đưa ra, là xây dựng cơ chế hỗ trợ cho những sản phẩm thủ công, có thể tạo ra dưới tán rừng của người dân. Hai là, kết nối những nhà đầu tư tâm huyết, có thực lực, giúp đánh thức tiềm năng của Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Dự Hội nghị sáng 3/12 có ông Keijo Ensino Norvanto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam; đại diện tổ chức Jica Nhật Bản. Cùng dự Hội nghị trực tiếp tại Lai Châu còn một số Ban, Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam; Liên minh hợp tác xã Việt Nam; đại biểu đến từ các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học; đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Lào Cai.

Dự bằng hình thức trực tuyến có 14 điểm cầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc gồm: Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. 2 điểm cầu tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Lai Châu và các tỉnh lân cận, nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Lai Châu và các tỉnh lân cận, nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị cũng nghe tham luận của Viện Nghiên cứu & Phát triển Lâm nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, và của các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn. Tất cả đều nhất trí, rằng cần một chính sách căn cơ, bền vững để khai thác hết tiềm năng kinh tế dưới tán rừng.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu một số tồn tại trong việc phát triển kinh tế dưới tán rừng. Cụ thể: Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng còn một số bất cập; Chất lượng  rừng chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, chế biến gỗ; Giá trị gia tăng của rừng trồng còn thấp; Các chuỗi trong hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ít; Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng còn manh mún, chưa tập trung, chưa có trọng tâm; Hoạt động du lịch sinh thái trong rừng còn chưa tương xứng với tiềm năng của rừng.

Bên cạnh những tồn tại, lãnh đạo Bộ NN-PTNT ghi nhận tình hình phát triển kinh tế lâm nghiệp của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Một số kết quả tiêu biểu như: Xây dựng được vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng với diện tích và năng suất cao tại Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh; Hình thành vùng lâm đặc sản quế tại Yên Bái, Lào Cai; vùng hồi tại Lạng Sơn, Quảng Ninh; vùng dược liệu tại Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Lai Châu...

Một yếu tố nữa được Thứ trưởng lưu ý, là các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học cao, gắn với đa dạng về văn hóa, bản sắc của nhiều dân tộc thiểu số (40 dân tộc). Thời gian tới, ông đề nghị địa phương phát triển du lịch sinh thái rừng, tạo nguồn thu "không cacbon" cho các chủ rừng.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Thay mặt đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ cho biết, Lai Châu xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tăng tỷ lệ che phủ rừng qua từng năm, đến nay đạt gần 51%. Hiện trên 70% số hộ tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng có nguồn thu nhập ổn định.

Lai Châu cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhiều loại dược liệu quý hiếm được bảo tồn và phát triển như sâm Lai Châu, cây Bảy lá một hoa, Lan Kim Tuyến, Tam thất, Đương quy, Thảo quả, Hà thủ ô...

"Có thể khẳng định, phát triển rừng và kinh tế rừng góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh", bà Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh.

Thông qua Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cam kết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc, góp phần xây dựng các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ trở thành vùng phát triển xanh và bền vững.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.