Đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết, đây là lần thứ 4, chị và ê-kip làm phim “Kiều” bày tỏ sự tri ân với tác giả “Truyện Kiều”. Lần đầu tiên, khi quyết định đưa “Truyện Kiều” lên màn ảnh, đạo diễn Mai Thu Huyền đã về Nghi Xuân dâng hương cụ Nguyễn Du. Lần thứ hai, khi bấm máy bộ phim “Kiều”, đạo diễn Mai Thu Huyền đã đưa các diễn viên chính đến “ra mắt” đại thi hào. Lần thứ ba, là khi hoàn thành các cảnh quay, đoàn làm phim đến trước mộ để “tạ ơn” người đã viết ra một áng văn chương bất hủ.
Mất hai năm để có được bộ phim “Kiều”, đạo diễn Mai Thu Huyền chia sẻ: “Từ khi còn bé, tôi đã rất thích “Truyện Kiều”. Lớn lên, khi bén duyên với nghệ thuật, tôi chợt nghĩ tại sao không ai làm phim về nàng Kiều và tự hứa sẽ đưa “Truyện Kiều” thành phim. Suốt 10 năm qua, tôi luôn đau đáu về điều này và nhiều lần đến Hà Tĩnh thắp hương cho Đại thi hào Nguyễn Du cầu mong cụ thấu được lời nguyện ước, ủng hộ cho tâm huyết của mình.
Chỉ còn ít ngày nữa, bộ phim điện ảnh cổ trang ‘Kiều’ sẽ được công chiếu trên toàn quốc và dự kiến sẽ phát hành ở cả nước ngoài. Bây giờ, đứng trước mộ cụ Nguyễn Du báo cáo công việc đã hoàn thành, tôi vẫn bồi hồi như ngày đầu tiên đến đây. Tôi và cả êkip đã đi qua một hành trình với rất nhiều thử thách nhưng cũng đầy thăng hoa khi cuối cùng mình cũng đã thực hiện được dự án ấp ủ trong suốt một thời gian dài”.
Nhân dịp này, đạo diễn Mai Thu Huyền và đoàn làm phim “Kiều” cũng có buổi giao lưu với Trường Đại học Hà Tĩnh. Trước hàng trăm sinh viên, ca sĩ Phương Thanh tiết lộ vai Tú Bà trong phim điện ảnh “Kiều” sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác với tất cả những bộ phim mà chị từng góp mặt trước đây: “Những điều thuộc về nội tâm luôn mang một sức mạnh bí ẩn. Ở thế giới nội tâm của riêng mình, con người ta vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ mà không một ai có thể thấu cảm tới. Cái ác nội tâm mới nguy hiểm. Tú Bà do tôi thể hiện, thực sự “ác” như thế đấy”.
Với tư cách người viết kịch bản “Kiều”, Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn thổ lộ: “Đọc Truyện Kiều, hẳn ai cũng để ý đến câu cuối cùng kết chuyện “lời quê chắp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh”. Thoạt nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng nếu xét hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thì giống sự cẩn trọng, dè chừng hơn. Phải chăng dưới xã hội phong kiến thời đó, tác giả không thể hoặc không dám bộc lộ hết? Vậy giả sử 200 năm trước, nếu tác giả được tự do như ngày hôm nay thì ông sẽ viết gì về nàng Kiều?
Nàng Kiều ngày hôm nay có thể bán mình chuộc cha rồi bị lừa vào lầu xanh. Nhiều cô gái thời nay cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhưng chắc nàng sẽ mạnh mẽ hơn, không cam chịu như vậy. Nàng sẽ khát khao tìm kiếm tự do, khát khao tìm kiếm tình yêu. Và chắc nàng không dễ dàng tìm đến cái chết, không chấp nhận sự an bài của định mệnh.
Đó là lý do chúng tôi muốn xây dựng một hình ảnh khác của nàng Kiều- hình ảnh của tương lai, của khát vọng tuổi trẻ. Khán giả ngày nay không chỉ thấy thương xót mà còn cần thấy yêu nàng nữa. Những thử thách càng cam go, những nỗi đau càng dữ dội thì khi vượt qua được, hình ảnh một nàng Kiều kiêu hãnh, mạnh mẽ càng đáng trân trọng hơn”.