| Hotline: 0983.970.780

Diệt tổ mối thân đê, ngăn hiểm họa mùa mưa bão

Thứ Hai 04/12/2023 , 16:16 (GMT+7)

Mối - những sinh vật nhỏ bé có thể làm tổ và phá vỡ cấu trúc thân đê, gây mất an toàn trong mùa mưa bão.

Theo ông Nguyễn Minh Đức – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, mối là một yếu tố chính gây suy yếu cho nền đê và gây ra khoang rỗng trong thân đê, từ đó làm cho đê bị suy yếu, vỡ đê.

Trong lịch sử đã có ghi nhận ô tô bị sập trên mặt đê do tổ mối gây ra các hố sụt hoặc sự cố thẩm lậu thân đê.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chia sẻ về hiểm họa cũng như cách để tiêu diệt mối, xử lý tổ mối, bảo vệ công trình đêu điều. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chia sẻ về hiểm họa cũng như cách để tiêu diệt mối, xử lý tổ mối, bảo vệ công trình đêu điều. Ảnh: Minh Phúc.

Điển hình như ở Đông Anh (Hà Nội) đã từng ghi nhận các mạch sủi ở phía đồng sau khi nước sông lên cao, mạch nước đùn ra có xác mối. Hang giao thông của tổ mối có thể đi từ phía đồng sang phía sông hoặc từ phía sông sang phía đồng, gây mất an toàn cho đê trong mùa mưa lũ.

Khảo sát và nghiên cứu của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tại Việt Nam có hơn 250 loài mối. Trong đó có một số loài mối gây hại cho đê, đập. Đối với các tổ mối ở trên thân đê có hai dạng. Thứ nhất là tổ mối nổi, chúng ta có thể nhận biết bằng mắt thường và rất dễ khoanh vùng, khống chế.

Nhưng tổ mối thứ hai là tổ mối chìm, hoàn toàn nằm trong thân đê ở độ sâu từ 1,5 đến 2,5m, tiềm ẩn nguy hiểm cho đê. Với mắt thường, chúng ta có thể quan sát được vào thời điểm mối bay giao hoan phân đàn vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.

Loài mối này sẽ đắp các nắp phòng để bay trên mặt đất, khu vực nắp phòng để bay chính là khu vực tổ mối. Đây là vị trí mối cánh sẽ bay ra, phân đàn và hình thành các tổ mối mới trong thân đê.

Phương pháp thứ hai, chúng ta có thể xác định thông qua dấu vết mà đàn mối đi kiếm ăn trên mặt đê. Hiện nay Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đang áp dụng thiết bị thăm dò rada xuyên đất, có thể xác định được khoang chính của tổ mối trong thân đê dựa vào các dấu hiệu sinh học, sinh thái để xác định vị trí tổ mối.

Mối - những sinh vật nhỏ bé có thể làm tổ và gây nguy hại cho thân đê điều.

Mối - những sinh vật nhỏ bé có thể làm tổ và gây nguy hại cho thân đê điều.

“Trong quá trình nghiên cứu vừa triển khai các kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy trước đây chúng ta hay áp dụng biện pháp đào tổ mối trên đê. Công việc này được thực hiện bởi các cán bộ và lực lượng quản lý đê để đào bắt mối chúa. Phương pháp này có ưu điểm là dễ làm và không cần thiết bị máy móc, nhưng diện tích chúng ta tác động lên thân đê tương đối lớn, có khi phải đào bới khoảng 10m3 trong thân đê mới bắt được mối chúa, và tỷ lệ bắt được mối chúa lại thấp. Nếu không bắt được mối chúa thì sau khi chúng ta lấp tổ đi, mối chúa tiếp tục sinh sản các thế hệ mới thì tổ mối vẫn còn và vẫn gây nguy hại cho đê. Do đó, phương pháp đào bắt mối chúa hiện nay rất hạn chế áp dụng”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã xây dựng các quy trình tiêu chuẩn, đầu tiên cần phải khảo sát để xác định tổ mối và xử lý tổ mối bằng công nghệ mới (xịt diệt mối sau đó khoan phụt vữa, lấp bịt khoang rỗng do tổ mối gây ra).

Ở công đoạn khảo sát mối, chúng ta phải xác định khu vực có tổ mối, sau đó thu mẫu để xác định loài mối đó là mối gì. Bởi vì mỗi loài mối có tập tính kiếm ăn và cách thức sinh hoạt hoàn toàn khác nhau. Sau đó chúng ta dùng thiết bị rada để xác định khoang chính của tổ mối nằm ở chỗ nào. Đồng thời dùng thiết bị dò âm để xác định vị trí đó có đúng là tổ mối hay không.

Ở công đoạn xử lý, sẽ có hai bước là diệt mối và lấp bịt lỗ rỗng. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc để diệt mối (cả thuốc sinh học và hóa học). Tùy theo đặc thù của tổ mối mà đơn vị tư vấn sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp, được phép sử dụng trong thân đê, đập.

“Riêng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cũng đã nghiên cứu và chế tạo ra các bả diệt mối chuyên dùng cho đê và đập. Đồng thời xây dựng được quy trình xử lý mối trên đê, đập bằng bả đã được ban hành tiêu chuẩn tiến bộ khoa học kỹ thuật. Và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa bả đó sử dụng rộng rãi ở Việt Nam”, ông Đức chia sẻ.

Nếu có thể áp dụng được bả này vào trong thực tế thời gian tới thì giá thành xử lý các tổ mối sẽ giảm đi rất nhiều (có thể giảm tới 50% chi phí phần diệt mối cho các công trình mà lâu nay chúng ta vẫn sử dụng hóa chất), sau đó chúng ta sẽ tiến hành công đoạn phụt vữa bình thường.

Theo Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, với loại bả này chúng ta không phải khoan bơm vào tổ mối mà găm trực tiếp vào các lỗ vũ hóa và nắp phòng để bay hoặc khoang phụ của tổ mối. Và sau khi mối ăn vào sẽ lây lan trong tổ và chết. Hy vọng thời gian tới đây là một tiến bộ tốt để chúng ta áp dụng đại trà cho các tuyến đê khu vực miền Bắc Việt Nam.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.