Nhân sự kiện khai mạc “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA - 2022" của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sáng 17/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ một số định hướng nghiên cứu khoa học cũng như cách tiếp cận nguồn lực của Học viện trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều quan trọng nhất của khởi nghiệp không phải là kỹ thuật mà là kỹ năng gọi vốn. Nếu chúng ta không gọi được vốn mà chỉ trông chờ vào nguồn tiền của Nhà nước thì coi chừng ý tưởng đó, dự án khởi nghiệp đó không được thị trường hóa.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên coi những đề tài nghiên cứu khoa học là một ý tưởng, một dự án và chúng ta cần biết cách gọi vốn từ các nhà đầu tư", ông chia sẻ.
Ông Hoan cũng kể lại câu chuyện khi đi thăm một trường đại học, lãnh đạo nhà trường đề nghị Bộ đặt hàng trường làm cái nọ, cái kia. Nhưng về sau, có một thầy giáo của trường nhắn tin nói rằng: “Trước tiên người ta phải có hàng thì tôi mới đặt chứ. Tôi chưa thấy hàng của anh mà”.
Bởi vậy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, chúng ta cần có cách tiếp cận vấn đề khác chứ không chỉ đi theo một con đường. Kinh tế thị trường đã điều chỉnh rất nhiều quan hệ sản xuất. Đồng thời, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định rõ phải chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại; chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Từ đây đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Trung ương Đảng đã có nhiều nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vậy trong quá trình tổ chức thực hiện, Học viện là nơi nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực thì cần phải làm gì? Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ cùng ngồi với lãnh đạo Học viện đề tìm ra con đường để chúng ta đi trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cao vai trò của doanh nghiệp. Bởi, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở về tam giác phát triển là Nhà nước, thị trường và xã hội. Bộ NN-PTNT cũng đang đi theo định hướng đó, bởi nếu không có doanh nghiệp thì không thể tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp, mà nếu không có hệ sinh thái nông nghiệp thì không bao giờ có thị trường.
Tất nhiên, những đề tài nghiên cứu cơ bản, mang tính chất cốt lõi, hàn lâm thì phải có nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn những nghiên cứu có thể ứng dụng, thì cần huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia cùng.