| Hotline: 0983.970.780

'Giải cứu' bản Sắt

Thứ Ba 03/11/2020 , 18:48 (GMT+7)

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng chính quyền địa phương gấp rút hoàn thành 23 lán để đưa các hộ dân bản Sắt ra khỏi vùng ngập lũ nặng còn sót lại…

Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô (xã Trường Sơn - huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) cho hay: “Từ hôm qua, lực lượng của Đồn cùng chính quyền địa phương đã triển khai làm lán trại để di dời hàng chục hộ dân bản Sắt đang bị lũ lớn bao vây ra khỏi nơi nguy hiểm và tạm thời ổn định nơi ăn ở cho bà con”.

Phần lớn những ngôi nhà của bản Sắt đang ngập trong lũ. Ảnh: N.Tâm.

Phần lớn những ngôi nhà của bản Sắt đang ngập trong lũ. Ảnh: N.Tâm.

Lũ lớn dị thường

Bản Sắt (xã miền núi Trường Sơn) nằm cách trung tâm xã khoảng 10 km theo đường chim bay. Bản nằm trong một thung lũng lớn và khá bằng phẳng. Những năm trước đây, khi có mưa lớn cũng đã xảy ra ngập lụt. 

Theo ông Nguyễn Văn Linh (77 tuổi, già bản) thì mấy chục năm qua, lũ lụt đến cũng chỉ ngập vài nhà dân và lũ ngâm chừng vài ngày là rút cạn.

“Năm nay, lũ xảy ra thật dị thường. Nước lũ lên cao ngập đến tận sàn, tận mái hầu hết các ngôi nhà trong bản. Tính ra, lũ đã ngâm gần 15 ngày rồi mà nước rút chậm hơn con nít trèo cột nhà” - già bản Linh nói.

Đi lại trong bản Sắt phải dùng bằng thuyền. Ảnh: N.Tâm.

Đi lại trong bản Sắt phải dùng bằng thuyền. Ảnh: N.Tâm.

Trong đợt mưa lũ qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã khắc phục tạm thời hậu quả thì bản Sắt vẫn còn dầm mình trong nước bạc. Cả bản có 34 hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Vân Kiều (với 152 nhân khẩu) sinh sống trong 29 ngôi nhà. Già bản Linh giải thích: “Hộ nhiều hơn nóc nhà là vì có nhà hai hộ bố và con cũng ở chung. Con đã tách hộ riêng nhưng nghèo quá nên chưa có điều kiện làm nhà riêng nên phải ở chung cùng bố mẹ”. 

Một điểm sạt lở, đất đá tràn xuống trong bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Một điểm sạt lở, đất đá tràn xuống trong bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Trong số 29 ngôi nhà thì có 23 ngôi nhà bị nước ngập sâu. Những ngày lũ, bà con phải tập trung vào ở chung trong mấy ngôi nhà chưa bị ngập đến sàn. Già bản Linh bảo ở nhờ vài ba ngày thì được. Nhưng lũ cứ không muốn đi nên phải ở lâu. Bất tiện lắm. “Rồi gạo cơm cũng hết dần nên bà con lại sợ bị đói. Trong khi đó, nước ngập sâu bao quanh bản nên không có phương tiện chi vô ra được để tiếp cứu cho bà con” - Già Linh rầu rầu nói thêm.

Khu vực lán trại được dựng lên cho bà con bản Sắt sinh hoạt để đảm bảo an toàn. Ảnh: N.Tâm.

Khu vực lán trại được dựng lên cho bà con bản Sắt sinh hoạt để đảm bảo an toàn. Ảnh: N.Tâm.

Theo bà con bản Sắt, hiện nước lũ ngập chỗ sâu nhất khoảng 4 m. Gần cả tuần nay không có mưa, trời he nắng, vậy nhưng, lũ vây bản Sắt chỉ rút rất “nhấm nhẳng”. Ông Nguyễn Văn Huế (người dân bản Sắt), nói: “Mỗi ngày lũ rút khoảng gang tay thôi. Chậm lắm. Nếu để lũ rút cạn thì e cũng mất cả tháng trời. Vì vậy bà con cũng mong ra khỏi lũ. Người già, trẻ em và cả người có sức cũng bạc nhược lắm rồi. Ở thêm nữa e đau ốm hết cả bản”.

Bộ đội Biên phòng Đồn Làng Mô đang hỗ trợ bà con dựng nhà lán. Ảnh: N.Tâm.

Bộ đội Biên phòng Đồn Làng Mô đang hỗ trợ bà con dựng nhà lán. Ảnh: N.Tâm.

Hiện, bản Sắt là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Bình đang bị nước lũ cô lập. Không chỉ bị ngập, bản Sắt đang đứng trước nguy cơ sạt lở núi đe dọa. Bản tựa lưng vào quả núi lớn của dãy Trường Sơn. Trước trận lũ này, bà con đi rừng cũng đã phát hiện những vết nứt sâu, chạy dài hàng chục mét. Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho hay: “Trước mắt, bản Sắt phải di dời ngay để tránh lũ lụt bao vây dài ngày. Sau đó nữa là để an toàn cho bà con trước nguy cơ bị sạt lở đe dọa”.

Lập bản mới để di dân…

Một nhà lán của bà con dân tộc Vân Kiều ở  bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Một nhà lán của bà con dân tộc Vân Kiều ở  bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Để “giải cứu” bà con, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Bộ đội Biên phòng Đồn Làng Mô bằng mọi cách tiếp cận, cứu trợ cho bà con. Trước tình hình cơn bão số 10 đang đe dọa, bộ đội Biên phòng Đồn Làng Mô và chính quyền địa phương phối hợp khẩn trương dựng lán, nhà bạt tại khu vực an toàn để tạm thời di dời cho các hộ dân ở bản Sắt.

Gia đình ông Hôn ở trong nhà lán đã 17 ngày. Ảnh: N.Tâm.

Gia đình ông Hôn ở trong nhà lán đã 17 ngày. Ảnh: N.Tâm.

Thiếu tá Lê Ngọc Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô dùng xe máy vượt đèo đưa tôi vào bản Sắt. Qua 2 con dốc đường trơn trượt, lầy như ruộng và gần cả giờ đồng hồ mới đến được con dốc gần bản. Để xe ở đó, chúng tôi đi vào bản. Hàng chục cán bộ, chiến sỹ của Đồn và lực lượng quân sự địa phương đang hối hả chặt cây, dựng lán giúp bà con. “Trong hai ngày, chúng tôi huy động lực lượng vào rừng chặt cây, tre nứa… và vận chuyển các loại vật liệu khác đưa về tập kết nơi địa điểm được chọn và khẩn trương dựng nhà bạt, lán cho bà con bản Sắt đến ở” - Thiếu tá Lê Ngọc Thành nói.

Vùng đất được chọn để tạm bố trí cho bà con ở cách bản không xa, đường đi khá thuận tiện và an toàn trong lũ, tránh được sạt lở núi. Nếu đi từ bản sang vùng đất này cũng dùng thuyền băng qua hồ nước sâu chừng 4m, là ruộng lúa nước bị lũ ngập. 

Đến chiều 3/11, Bộ đội Biên phòng phối hợp chính quyền địa phương di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và ngập lụt đến nơi ở mới.

Hội Nông dân tỉnh Quảng BÌnh trao quà cho bà con bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Hội Nông dân tỉnh Quảng BÌnh trao quà cho bà con bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Trong căn nhà bạt rộng chừng chục m2, gia đình ông Hồ Văn Hôn đang trú ngụ. Ông Hôn cho hay cả nhà sang đây từ hôm nước ngập đến bây giờ là đã 17 ngày. “Chính quyền và bộ đội biên phòng đến giúp đỡ đồng bào, làm lán, cho mượn nhà bạt và mang gạo, cá khô, mắm đến để bà con có cái ăn trong lũ. Mong muốn của bà con là làm sao khỏi bị lũ, khỏi bị núi lở đe dọa” - ông Hôn bộc bạch.

Trong căn nhà bạt của bộ đội cho mượn, gia đình bà Hồ Thị May (70 tuổi) đang sinh hoạt. Bà May nói đến ở vùng này đã được 35 năm nay. “Đến bữa nay tui mới chứng kiến cái lũ lớn như thế này. Lũ còn rút chậm nữa nên bà con cũng thiếu thốn nhiều thứ. May mà có chính quyền và bộ đội hỗ trợ. Mấy hôm nay, có các đoàn cứu trợ đến nên cũng đỡ khó khăn rồi” - bà May nói thêm.

Bà con dân tộc Vân Kiều xã Trường Sơn nhận quà cứu trợ. Ảnh: N.Tâm.

Bà con dân tộc Vân Kiều xã Trường Sơn nhận quà cứu trợ. Ảnh: N.Tâm.

Trong lũ, sạt lở đất đã làm các tuyến đường lên xã Trường Sơn bị chia cắt. Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông đến xã Trường Sơn và bản Sắt.

Để nhanh chóng hỗ trợ bà con, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chuyến xe cứu trợ đầu tiên lên với xã Trường Sơn. Do tuyến đường vào bản Sắt chưa thể vận chuyển hàng vào được nên bà con đến nhận hàng tại ngã ba vào bản. Anh Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt thay mặt bà con nhận quà hỗ trợ gồm gạo, lương khô, mì tôm, nước mắm, cá khô... và trao tận tay cho các hộ gia đình dưới chân con dốc. Anh Muôn cảm động: “Trong lũ vây thì bà con có thiếu thốn. Hiện nay các cơ quan, các nhà hảo tâm nên hàng cứu trợ cũng đã về đến tận tay. Bà con bớt khó khăn nhiều. Mình vui trong bụng và chỉ biết nói cảm ơn cho bà con”.

Bộ đội biên phòng tiếp tục dựng nhà lán giúp dân bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Bộ đội biên phòng tiếp tục dựng nhà lán giúp dân bản Sắt. Ảnh: N.Tâm.

Trong những ngày cao điểm mưa lũ, do đường bộ bị chia cắt nên chính quyền địa phương sử dụng thuyền vào bản Sắt để hỗ trợ bà con. Tại bản, mỗi hộ được nhận 5 kg gạo, 5 kg cá khô và 5 kg ruốc để bà con có cái ăn trong những ngày lũ ngập.

“Ngay sau khi tuyến đường bộ thông xe, nhiều đoàn đến cứu trợ cho xã Trường Sơn. Lãnh đạo xã kịp thời vận chuyển lương thực, thực phẩm và vật dụng thiết yếu cấp phát cho bà con. Xã cũng đưa vào bản Sắt ba thuyền các loại để thuận lợi cho việc đi lại và cứu trợ cho bà con” - ông Nguyễn Văn Nhì cho biết thêm.

Chính quyền xã Trường Sơn đang khẩn trương hỗ trợ nhân dân các bản Pờ Loang, Zìn Zìn gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay có bản Dốc Mây có hơn 30 hộ dân đang bị chia cắt vì không thể đến được. Tình hình bà con ở đó đang rất khó. Chúng tôi cũng đang tìm mọi biện pháp để tiếp cận và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con” - ông Nhì nhấn mạnh.

Thượng tá Lê Đình Huân cho biết qua khảo sát đã phát hiện 5 điểm sạt lở với nhiều vết nứt dài hàng chục mét giữa thân núi sau lưng bản Sắt. “Hiện đã có 2 điểm sạt lở đất, đá trôi theo dòng về sát lưng nhà của bà con. Vì vậy việc di dời chỗ ở cho bà con là cần thiết và khẩn trương” - Thượng tá Huân nói.

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.