Trắng tay sau lũ
Cơn lũ đi vào lịch sử thiên tai đã làm làm chết 19 người, bị thương 95 người. Gần 110.000 nhà dân bị ngập, hàng trăm trường học, trạm y tế, thiết bị dạy học, y tế bị ngập lụt, hư hỏng và cuốn trôi. Gần 10km đê kè, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng khoảng 60.000m3. Hàng vạn trâu, bò, vật nuôi cũng đã bị lũ cuốn trôi…
Trong mưa lũ, Quảng Bình đã huy động lực lượng, phương tiện để di dời hơn 32.000 hộ dân ở các vùng trọng điểm ngập lụt, vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Chúng tôi về rốn lũ An Thủy (huyện Lệ Thủy). Tại đây, toàn bộ nhà dân đã bị lũ nhấn chìm từ 3-5m. Ông Phan Thanh Lương, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy cho hay: “Hiện nước lũ vẫn chưa rút hết. Toàn xã có hàng chục nhà bị hư hỏng, sụp đổ, tài sản của bà con bị hư hỏng và cuốn trôi theo dòng lũ. Cả xã có trên 300 tấn thóc bị lũ nhấn chìm và khoảng 20 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết, cuốn trôi”.
Nhà ông Nguyễn Viết Cảnh (thôn Lộc Thượng, xã An Thủy), nước lũ đã ngập gần chạm mái. Vì vậy mọi tài sản đều bị lũ ngâm gần tuần lễ. Trong nhà dự trữ gần 5 tấn lúa thì phần lớn đã bị nảy mầm, bốc mùi chua lẹt.
Trời hửng nắng, ông Cảnh và mọi người trong gia đình chọn những bao thóc còn chưa lên mầm mang ra phơi với hy vọng còn dùng được. Ngoài lúa, mấy con lợn và trâu bò của nhà ông phần bị chết, phần bị trôi sạch.
Năm trước, dành dụm sắm được cái ti vi, tủ lạnh cũng bị lũ “ăn” mất. “Bây giờ thì trắng tay thật sự. Cũng chưa biết bắt đầu lại từ đâu khi nước lũ đang còn đục ngầu ngoài đồng. Thôi thì cứ dọn sạch bùn đất xong đã rồi tính tiếp” - ông Cảnh xót xa.
Trên đường vòng về huyện Quảng Ninh, chúng tôi gặp ông Nguyễn Nhân (xã Hàm Ninh) đội nón mê, chân đi ủng bê bết bùn đất đang vội vã đi tìm bò. Ông bảo, lũ lên ngập đến mái nhà đổ mái bằng. May mà có chừa góc cầu thang nên trèo lên đó thoát ra kêu cứu.
“Toàn bộ lúa má, lợn gà, bàn ghế trôi hết theo nước lũ. Đàn bò 8 con cũng bị lũ cuốn trôi. Hôm qua, có người xã bên kêu sang cho nhận lại được con bò đực mà họ bắt được. Không biết số còn lại có được ai đó bắt giúp cho như vậy không, hay chừ đã trôi ra biển mất rồi” - ông Nhân nói rồi tất tả ngược con đường. Chúng tôi nhìn theo và hy vọng cho ông có thêm chút may mắn.
Những người dân các xã vùng nam thị xã Ba Đồn vốn đã quen với cảnh lũ dâng ngập nhà hàng năm nhưng cũng bất lực trong trận lũ lịch sử này. Đến tận bây giờ, ông Hoàng Văn Sơn (xã Quảng Minh) vẫn chưa hết sợ hãi.
Vợ mất sớm, một mình ông tảo tần nuôi 6 người con. Khi lũ lên quá cao, cả nhà ép nhau trên con đò nhỏ. Ông Sơn buộc con đò với cây sanh trồng trước sân. Nước lên tận ngọn cây, thuyền cũng neo buộc đến đấy. Ông lấy dây buộc tay tất cả mọi người để lỡ có mệnh hệ gì thì người ta còn tìm thấy cả nhà. May mắn sao, con thuyền không bị sóng gió đánh chìm.
“Qua một đêm trắng trong nơm nớp lo sợ, cuối cùng lũ cũng rút một chút. Khi lũ rút được ngang nửa thân cây sanh thì tui mới biết căn nhà đã bị lũ đánh sập mất tường bao quanh. Tài sản duy nhất còn lại trong nhà tui là mấy cục tường nhà, và bùn đất mà thôi” - ông Sơn nói trong sự bàng hoàng vẫn chưa hết.
Gượng đứng lên
Ngay khi lũ bắt đầu rút, Quảng Bìnhh đã tổ chức các đoàn cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng trọng điểm ngập lụt, vùng bị chia cắt.
Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: “Tỉnh tạm ứng ngân sách 110 tỷ đồng phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nhà bị ngập trên 1m với số tiền 1 triệu đồng/hộ”.
Trong cơn hoạn nạn, người dân cả nước đã hướng về Quảng Bình. Đã có hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn tấn hàng hóa như gạo, thức ăn, thực phẩm, nước uống, thuốc men… đã được khẩn trương đưa đến ủng hộ cho người dân vùng lũ.
Bà Phan Thị Hậu (xã Tân Ninh - huyện Quảng Ninh) nói trong xúc động: “Dù tài sản đã bị lũ cuốn, nhưng nhờ bà con cứu trợ nên nhà tui có 5 người đã có được cái ăn, cái mặc chứ không bị đói, rét. Lũ rút thì bà con cũng động viên nhau dọn nhà cửa, xem tài sản còn cái gì thì phơi phóng, gìn giữ để mà dùng. Rồi cũng phải tính đến ổn định để sản xuất vụ tới nữa”.
Để hỗ trợ người dân đứng dậy sau lũ dữ, Quảng Bình đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 2.500 tấn gạo và các loại nhu yếu phẩm để kịp thời cấp phát cho nhân dân.
“Trên lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại rất nặng nề, vì thế tỉnh rất cần Chính phủ, Bộ NN-PTNT hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi… để chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp đến” - ông Trần Công Thuật cho hay.
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, trước mắt, Quảng Bình cần có 200 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng bị hư hỏng. “Phải khắc phục kịp thời để phục vụ cho sản xuất đông xuân đang đến gần” - ông Minh chia sẻ.
Về lâu dài, Quảng Bình mong muốn Chính phủ hỗ trợ gói khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… khoảng 2.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh” - ông Trần Công Thuật mong muốn.
Sau mưa lũ lịch sử, người dân Quảng Bình đang gượng đứng dậy. “Tỉnh tiếp tục chỉ đạo, động viên người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn do mưa lũ gây ra” - ông Trần Công Thuật nói thêm.