| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Việt Nam - Mông Cổ ngày càng cởi mở

Thứ Hai 18/04/2022 , 22:39 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng thị trường hai nước còn nhiều dư địa, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và các sản phẩm từ thịt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (phải) tiếp Đại sứ Jigjee Sereejav vào chiều 18/4. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (phải) tiếp Đại sứ Jigjee Sereejav vào chiều 18/4. Ảnh: Bảo Thắng.

Phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Mông Cổ Jigjee Sereejav ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp hai nước có nhiều mặt hàng truyền thống bổ khuyết được cho nhau.

"Hy vọng, hai nước sẽ đẩy mạnh giao thương, hợp tác đầu tư trong thời gian tới, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt trên 100 triệu USD", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ đang trên đà phát triển, không chỉ trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, mà còn cả quan hệ kinh tế, thương mại và du lịch. Thời gian qua, Chính phủ, doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều biên bản ghi nhớ, hỗ trợ để sản phẩm hai nước tiếp cận thị trường của nhau; đồng thời đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ đã được thiết lập.

Các cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc và tăng cường xúc tiến thương mại hai nước. Đây cũng là điểm được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt quan tâm, trước phiên họp lần thứ 18 - dự kiến tổ chức vào tháng 8/2022.

Theo Bộ trưởng, để phiên họp liên Chính phủ đạt hiệu quả, hai nước cần tổ chức một diễn đàn tập hợp doanh nghiệp hai bên vào tháng 6 hoặc tháng 7. Đây là dịp để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thêm về nhau, cũng như khai thác hết tiềm năng dư địa của từng bên.

"Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, công nghệ 4.0 len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống, hai nước nên mở rộng tầm nhìn hợp tác, không chỉ bó gọn trong không gian hai quốc gia mà có thể lan sang khu vực các nước lân cận", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Mông Cổ là thịt và các chế phẩm từ thịt. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Việt Nam hiện chấp nhận một số sản phẩm thịt qua chế biến như bò, dê cừu từ Mông Cổ.

Tuy nhiên, qua quá trình đàm phán, Việt Nam nhận thấy 3 vướng mắc chính từ thị trường này. Một, là năng lực chẩn đoán dịch bệnh động vật. Hai, là một số dịch bệnh động vật tại Mông Cổ chưa từng xuất hiện ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á. Ba, là hệ thống giấy kiểm dịch động vật xuất khẩu giữa hai nước còn một số điểm chưa thống nhất.

Hiện Mông Cổ có nhu cầu xuất khẩu thịt đông lạnh sang Việt Nam. Cơ quan thú y hai nước đang tăng cường trao đổi, nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế, cũng như yêu cầu kiểm dịch của hai nước.

Đại sứ Jigjee Sereejav (trái) giới thiệu một số thông tin về thị trường Việt Nam trên báo chí Mông Cổ. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại sứ Jigjee Sereejav (trái) giới thiệu một số thông tin về thị trường Việt Nam trên báo chí Mông Cổ. Ảnh: Bảo Thắng.

Cảm ơn sự tiếp đón của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Đại sứ Jigjee Sereejav cho biết, Mông Cổ là bạn hàng lúa gạo truyền thống của Việt Nam và đang có nhu cầu thử nghiệm trồng loại cây này tại vùng biên giới giáp Trung Quốc, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Về các sản phẩm thịt, Đại sứ Mông Cổ thông báo, một tập đoàn lớn của Việt Nam đã đề xuất nước bạn về vấn đề nhập khẩu thịt dê đông lạnh, phục vụ chuỗi nhà hàng trải khắp 63 tỉnh, thành phố. Ông cũng đề nghị, được phía Việt Nam hỗ trợ công nghệ chế biến một số sản phẩm thế mạnh của Mông Cổ, đồng thời sớm thông qua việc nhập khẩu thịt đông lạnh.

"Hai năm qua, chúng ta bị Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi nhất trí, tăng cường họp trực tuyến với Việt Nam. Nếu có thể xuất khẩu thịt gia súc đông lạnh vào Việt Nam, kim ngạch hai chiều chắc chắn đạt 100 triệu USD", Đại sứ Jigjee Sereejav bày tỏ.

Nhiều triển vọng hợp tác, nhưng phía Mông Cổ cũng thừa nhận một số hạn chế trong việc kiểm soát dịch bệnh, cũng như việc thống nhất giấy kiểm dịch động vật xuất khẩu. Nhằm tháo gỡ, ông Jigjee Sereejav đề xuất giải pháp thành lập một đơn vị liên doanh xuất nhập khẩu giữa hai nước. Đơn vị này sẽ được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, từ vùng nguyên liệu đến công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch.

Ngoài ra, tại khu vực giáp nước Nga, Mông Cổ có khu kinh tế tự do. Hàng hóa từ đây có thể tỏa đi nhiều nước thuộc Liên Xô cũ. Đây là khu vực được Đại sứ Mông Cổ ví như "thị trường mới" với nhiều châu Á, trong đó có Việt Nam.

Lắng nghe những ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét, hợp tác giữa Việt Nam - Mông Cổ ngày càng cởi mở và đi vào thực chất. "Trong xu thế đa phương hóa, các nước cần tìm đến nhau để người dân thừa hưởng thành quả tốt đẹp từ những sự hợp tác bền chặt", Bộ trưởng khẳng định.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, những mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang Mông Cổ chủ yếu dưới dạng khô, gồm gạo, hạt tiêu, điều, và một số sản phẩm đóng hộp như chuối sấy, dưa lưới đóng hộp.

Là nước xuất khẩu trái cây tươi lớn trên thế giới, nhưng Việt Nam hiện chưa đưa được mặt hàng này sang Mông Cổ. Vấn đề chủ yếu, theo ông Hoàng Trung, là khoảng cách địa lý (lên đến 3.000 km). 

Một vấn đề nữa được lãnh đạo ngành BVTV đưa ra, là Hiệp định Kiểm dịch và BVTV được hai nước thông qua từ năm 2002. "Sau 20 năm, nhiều thứ đã thay đổi. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan hợp tác để thông qua hiệp định mới, giúp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nông sản", Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.