Làng Nghĩa tình Sơn Hải dưới chân đại ngàn Trường Sơn

Có lần, khi dịch lở mồm long móng trâu bò xảy ra tại xã Hướng Lập, phải đến gần nửa tháng sau, thông tin mới đến được với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa. Lúc ấy, tôi bốc máy gọi cho bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập để biết nguyên nhân của việc chậm báo cáo dịch.

Bấy giờ là tháng 11, đang cao điểm mùa mưa tại Quảng Trị, nước trên các dòng sông, con suối dâng cao, chính quyền và người dân, đặc biệt là vùng miền núi đang tập trung cho công tác phòng chống thiên tai.

Bà Ven bốc máy, giọng nhỏ nhẹ: "Dịch xảy ra tại vùng không có sóng điện thoại, không có wife, cũng không có điện lưới. Đường vào các thôn này hai người đi bộ tránh nhau cũng khó, phải vượt qua rất nhiều khe suối, đèo dốc. Lại là mùa mưa lũ chia cắt đến hàng chục ngày trời nên khi chúng tôi biết thì muộn mất rồi…".

Điều đó khiến tôi bán tín bán nghi cho đến khi nghe lời kể với ánh mắt chân thành của bà Hồ Thị Thiệt, Bí Thư Đảng ủy xã Hướng Lập.

Bà Thiệt kể, năm 2020, sau trận lũ lịch sử, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã chuyển hàng cứu trợ cho người dân vùng phía trong thuộc các thôn Tri, Cuôi, Cha Lì. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá dài, khi nước rút hết, chính quyền mới có thể chuyển hàng cứu trợ đến tay các hộ dân này.

"Chuyện bị chia cắt ở các thôn Tri, Cha Lì, Cuôi là thường thôi. Thương nhất là các thầy cô giáo dạy điểm trường lẻ ở các thôn này. Đường đi vất vả đã thế nhưng vào bản rồi có khi phải ở lại hàng chục ngày trời mới trở ra được. Gia đình ở ngoài này lo lắng nhưng không biết làm sao vì không vào ra được cũng không thể liên lạc bằng điện thoại. Có nhiều thầy cô, ra khỏi bản rồi thì ngồi chơi xơi nước nhiều ngày nhưng đến lúc lại phải dạy bù cho học sinh ở điểm trường lẻ để kịp chương trình", bà Thiệt chia sẻ.

Khu vực thường xuyên bị chia cắt của 3 thôn Cuôi, Tri và bản Cha Lì có 56 hộ dân đều là người dân tộc Vân Kiều. Đây là vùng có nguy cơ sạt lở, lại thường xuyên "đứt" liên lạc với thế giới bên ngoài sau những trận mưa. Vào mùa khô, muốn đi vào các thôn bản này cũng phải đi qua nhiều con suối. Có những đoạn, người đi đường phải khênh xe máy qua suối để đi vào tận bản.

Vì vậy, dù chỉ cách trung tâm xã Hướng Lập chưa đến 15km nhưng muốn tổ chức họp với thành phần có đại diện các thôn trên, UBND xã Hướng Lập phải gửi thư tay. Ít người ra vào khu vực bản nên xã phải cho một người trực tiếp cầm giấy đi mời. Cũng có nhiều cuộc họp ở xã phải hoãn vì không thể mời đủ thành phần. Chuyện hoãn họp ở Hướng Lập vì thế cứ diễn ra như cơm bữa. Cũng chính vì đường sá xa xôi cách trở, điều kiện khắc nghiệt nên đa phần các hộ dân ở 3 thôn này đều là hộ nghèo.

"Căng nhất vẫn là vào mùa mưa lũ. Lãnh đạo xã ở vùng ngoài nhưng luôn thấp thỏm lo chuyện xảy ra với các thôn phía trong. Không có thông tin, cứ phải chờ đến lúc nước rút hết thì mới cử người vào nắm bắt. Lúc dịch dã xảy ra, có khi đến hàng chục ngày sau lãnh đạo xã mới nắm được", vẫn lời bà Hồ Thị Thiệt, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập.

Vì sao 56 hộ dân lại chọn một vị trí như vậy để sinh cơ lập nghiệp? Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi khắp làng trên bản dưới ở xã Hướng Lập nhưng từ ông bà già đến lớp thanh niên, không ai dám chắc chắn câu trả lời của mình.

"Chúng tôi sinh ra ở đây và cũng không biết vì sao tổ tiên lại chọn sinh sống ở vùng đất này. Có lẽ trong quá trình di canh di cư, tổ tiên chúng tôi đã tìm được vùng đất màu mỡ, thuận canh thuận cư nên quyết định dừng chân. Cũng không biết là điểm dừng chân ấy đã tồn tại bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thế hệ", ông Hồ Ka Rã, người dân thôn Cuôi nói với chúng tôi.

Cũng như nhiều người dân ở vùng đất này, bà Hồ Thị Hiên không nhớ chính xác năm nay mình bao nhiêu tuổi. Bà cũng không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa nước ngập. Nhưng bà Hiên cùng chồng đã chứng kiến rất nhiều những cái chết đau thương vì bệnh tật hành hạ trên vùng đất cũ thôn Cuôi. Những cơn đau đớn quằn quại của người bệnh cứ ám ảnh bà mãi. Ở bản cũ, nhiều người vì cách trở, vì nước lũ mênh mông, lúc bệnh tật đã không thể ra khỏi thôn để thăm khám chữa trị. Họ phải chịu đau đớn đến lúc từ giã cõi đời.

Giờ thì gia đình bà Hiên và hàng chục hộ dân khác đã định cư ở khu tái định cư làng Nghĩa Tình Sơn Hải. Đã trải qua biết bao sóng gió cuộc đời nhưng có lẽ, chưa bao giờ cánh già ở bản này lại tâm tư như bây giờ. Gắn bó máu thịt với vùng đất này qua biết bao nhiêu thế hệ, không ai nghĩ, có lúc mình phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng nơi ở mới, an toàn hơn, nhà cửa kiên cố hơn, gần trung tâm xã hơn, mọi điều kiện đều tốt hơn. Đến đây rồi dân bản mới hiểu, vì sao Tập đoàn Sơn Hải lại bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng khu tái định cư để giúp đồng bào thoát khỏi cơn bĩ cực.

Những ngày đầu khi có chủ trương xây dựng khu tái định cư làng Nghĩa Tình Sơn Hải và kế hoạch di dời 56 hộ dân về vùng đất mới, hầu hết người dân ở đây đều phản đối. Huyện, xã và Tập đoàn Sơn Hải vào họp, phân tích lý lẽ đâu vào đó rồi nhưng dân bản vẫn không chịu bởi cái lý không nỡ rời nơi mình đã sinh ra. Đây cũng là nơi bao bọc, chở che và nuôi sống hàng trăm nhân khẩu từ bao đời nay. Ở nơi ở cũ, thiếu gạo, thiếu cơm cả tuần đã có sắn ở trên nương rẫy, rau dại ở trong rừng. Về nơi ở mới, xa nơi canh tác cũ, đất chưa được phân chia rồi người dân lấy gì bỏ vào bụng đói?

"Dân bản kéo nhau đi họp liên tục mấy đêm để quyết định có di dời ra khu tái định cư hay không. Không ai muốn rời quê hương của mình cả. Nhưng rồi người trẻ, người già đều xuôi tai, người người đồng lòng khăn gói ra đi. Ra đây là đúng rồi, gần trung tâm, gần trạm y tế, gần trường học, mọi thứ đều tốt hơn. Mẹ rất vui vì từ nay đã có chỗ ăn chỗ ở an toàn cho cả gia đình", bà Hiên phấn khởi.

Lay chuyển được suy nghĩ của 56 hộ đồng bào Vân Kiều với 271 nhân khẩu các thôn Cuôi, Cha Lì, Tri đã khó. Nhưng nếu không làm ngay, không để đồng bào thấy việc làm từ lời hứa của Tập đoàn Sơn Hải, không cấp cái ăn, cái mặc trước mắt thì mọi nỗ lực sẽ xôi hỏng bỏng không.

Năm 2022, Tập đoàn Sơn Hải bắt tay thần tốc vào việc xây dựng khu tái định cư làng Nghĩa tình Sơn Hải nằm tại khu vực phía ngoài của thôn Cha Lì. Thôn Cha Lì cũng không còn nhiều quỹ đất nhưng một số hộ dân đã tình nguyện đổi đất để một bản làng mới được hiện lên. Đó là nỗ lực không biết mệt mỏi của cả chính quyền cũng như chủ đầu tư Tập đoàn Sơn Hải.

Khu tái định cư làng Nghĩa tình Sơn Hải được xây dựng chỉ cách trụ sở UBND xã Hướng Lập chừng vài km. Trên ngọn đồi bát úp thuộc thôn Cha Lì, Tập đoàn Sơn Hải cắt ngang, lấy mặt bằng để xây dựng 56 ngôi nhà bằng bê tông, thiết kế dạng nhà sàn truyền thống kiên cố, mỗi nhà rộng 54m2; một nhà văn hóa thôn, một điểm trường tiểu học, một điểm trường mầm non kèm nhà ở cho giáo viên cắm bản cũng được xây dựng.

Những cột điện hạ thế cũng được dựng ngay trên con đường đi vào bản, thuận tiện cho việc kéo điện lưới về các hộ gia đình. Khu sản xuất với diện tích 7,59ha đã được san gạt nằm ngay sau lưng các ngôi nhà, thiết kế kiểu ruộng bậc thang, đường đồng mức để sắp tới sẽ chia cho người dân trồng lúa. Mỗi hộ về đây còn được hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển sản xuất, 3 năm gạo ăn để bước đầu ổn định cuộc sống.

Vượt qua gần 70km, từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), chúng tôi đến làng Nghĩa tình Sơn Hải khi mặt trời đã lên đến vài con sào. Ít phương tiện ra vào bản nhưng vẫn cảm nhận được một sức sống mới ở vùng đất này.

 

Để lo cho tương lai lâu dài, các hộ dân vẫn ngày ngày vào canh tác tại khu sản xuất cũ cách nơi ở mới chừng 13km. Thường đến chiều tối lao động chính mới trở về nhà. Trong bản vì thế thường chỉ còn người già, trẻ em và khách đến thăm bản.

Con đường cấp phối từ cổng chào chạy từ đầu bản đến cuối bản, hai bên là các nhà sàn bê tông kiên cố, mái đỏ chạy men theo bờ suối cong cong uốn lượn. Phía trước các ngôi nhà, cây xanh mới trồng đã đâm chồi và được quấn đai bảo vệ xung quanh.

Người già sắp sửa nấu bữa cơm trưa tại làng tái định cư mới. Tiếng trẻ con nô đùa rộn rã. Chúng vây quanh những chiếc tivi vừa được lắp đặt để xem ca nhạc, phim ảnh… Trong bản cũng đã có vài hộ mở cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa, ăn sáng.

Ấy là thời điểm người dân các thôn Cuôi, Cha Lì, Tri về khu tái định cư mới tại làng Nghĩa tình Sơn Hải được 15 ngày. Hôm chúng tôi đến, nhân viên nhà mạng Viettel cho xe bán tải chở vật tư, phương tiện đến lắp mạng wifi, tivi cho người dân. Mỗi hộ dân sẽ được Tập đoàn Sơn Hải lắp đặt miễn phí một chiếc tivi; 5-6 hộ gần nhau sẽ được lắp một thiết bị phát sóng wifi dùng chung. Là bản làng vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Trị nhưng chúng tôi cũng phải trầm trồ bởi không nhiều làng quê được tận hưởng những tiện ích và phương tiện nghe nhìn hiện đại như ở làng Nghĩa tình Sơn Hải.

Về làng mới, ông Hồ Văn Ka Rã dùng những tấm gỗ cũ thưng lại một phần ở tầng 1 để làm chỗ nấu ăn, đặt một chiếc giường ngủ. Tầng 1 là không gian sinh hoạt chính của gia đình. Tầng 2 đã được lát gạch hoa sáng bóng, trên tường đã được gắn một chiếc tivi thông minh.

Ở bản cũ, gia đình ông Hồ Văn Ka Rã cũng có một chiếc tivi. Tuổi đã già, ở nhà giữ cháu cho các con đi làm nương rẫy, nhiều lúc rảnh rỗi, ông Ka Rã không biết làm gì, ra vào cũng chỉ xem tivi. Nhưng tín hiệu và nguồn điện thiếu ổn định, chiếc tivi nhiều lúc không thể sử dụng. Đã từ lâu nó trở thành phế liệu. Nhưng về bản mới, một chiếc tivi lớn hơn rất nhiều, sóng và nguồn điện ổn định. Từ nay ông Ka Rã sẽ không bỏ lỡ các chương trình truyền hình thú vị nữa.

"Từ nay bố sẽ được xem tivi thường xuyên. Xem để giải trí và cũng để được đi du lịch đây đó qua tivi. Lâu nay không có thông tin nghe nhìn nên không biết gì bên ngoài thôn mình đang sinh sống", ông Ka Rã nói trong niềm hân hoan.

Ông Hồ Văn Ta Ngà bảo, gần 90 năm sống trên cõi đời nhưng cứ mỗi mùa mưa bão đến, gia đình ông và các bản làng luôn sống trong tâm trạng bất an. Không chỉ mù tịt thông tin về thế giới bên ngoài, ở bản cũ, gần như người dân tự cung tự cấp, có gì ăn nấy và gần như không giao thương gì các thôn bản trong xã. Chính vì thế, vùng đất ấy khu biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ra làng tái định cư mới có tất cả các phương tiện nghe nhìn, đường sá đi lại thuận lợi, nhà cửa kiên cố, bản thân ông rất phấn khởi.

"Bố thì cũng không sống được bao lâu nữa. Nhưng mà con cháu bố sẽ được sống ở nơi an toàn hơn, tốt hơn nơi ở cũ. Ở đây có chút khó khăn vì đi sản xuất ở bản cũ xa xôi, đất đai thì chưa được chia. Những năm đầu được hỗ trợ gạo thì cũng bớt lo. Khi được chia đất sản xuất rồi, cuộc sống ở làng mới sẽ sớm ổn định thôi", ông Ta Ngà tin tưởng.

Làng Nghĩa tình Sơn Hải có 56 hộ nhưng hiện chỉ có 2 hộ không thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, ngôi làng được Tập đoàn Sơn Hải xây dựng đang mang đến niềm hi vọng cho chính quyền xã Hướng Lập. Với một xã vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới là điều hết sức khó khăn. Xã Hướng Lập cũng nằm trong số đó.

Bà Hồ Thị Thiệt, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập cho hay, địa phương này đang có kế hoạch xây dựng các thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới tiến tới xây dựng xã nông thôn mới. Hai thôn Tri và Cu Bai được nhắm cho mục tiêu đó và cũng đang trong quá trình xây dựng. Khi thôn Nghĩa tình Sơn Hải được thành lập với cơ sở hạ tầng đồng bộ, Đảng ủy, UBND xã Hướng Lập lại thêm một mục tiêu nữa.

"Sau rất nhiều cuộc họp, chúng tôi quyết định đặt mục tiêu để khu tái định cư làng Nghĩa tình Sơn Hải trở thành làng nông thôn mới. Hiện nay, có thể nói, làng Nghĩa tình Sơn Hải có cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất. Đây sẽ là cơ sở để địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, hướng tới việc nâng cao thu nhập cho người dân", bà Thiệt chia sẻ.

Võ Dũng
Trọng Toàn
Võ Dũng