| Hotline: 0983.970.780

Nghị quyết Khoán 10 & dấu ấn ông Lê Phước Thọ

Thứ Bảy 08/07/2023 , 09:40 (GMT+7)

Nghị quyết số 10-NQ/TW về Đổi mới quản lý kinh tế Nông nghiệp ở nước ta, thường được gọi tắt là “Khoán 10”. “Khoán 10” có dấu ấn quan trọng của ông Lê Phước Thọ.

Ông Lê Phước Thọ (1927 – 2023).

Ông Lê Phước Thọ (1927 – 2023).

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 về Đổi mới quản lý kinh tế Nông nghiệp ở nước ta, thường được gọi tắt là “Khoán 10”. “Khoán 10” có dấu ấn quan trọng của ông Lê Phước Thọ (tức Sáu Hậu), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987 – 1992), vừa qua đời ngày 6/7, hưởng thọ 97 tuổi.

**

*

Sau ngày đất nước thống nhất, cuối thập niên 1970, nông nghiệp nước ta dần sa sút. Nhiều hợp tác xã sản xuất cầm chừng; xã viên mất lòng tin với hợp tác xã. Vì thế, tổng sản lượng lương thực tăng giảm bất thường. Hằng năm, Nhà nước phải nhập khẩu lương thực: nhập 1,58 triệu tấn (1978-1979) và nhập 67,5 vạn tấn để cứu đói năm 1980. Nhằm tìm ra lối thoát để phá vỡ bế tắc về lương thực, một số tỉnh ở miền Bắc tiến hành "phá rào", "khoán chui" như Đồ Sơn và Thủy Nguyên (Hải Phòng), Ứng Hòa - Hà Tây (nay là Hà Nội)…

Trước thực tế đó, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán mở rộng, khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (còn gọi là Khoán 100). Nhờ vậy, bước đầu chặn đứng sa sút về sản lượng lương thực. Đồng thời, sản xuất lương thực tăng nhanh, đưa tổng sản lượng lương thực quy thóc từ 13 triệu tấn (năm 1976), tăng lên 14 triệu tấn (năm 1981), cao nhất là 18 triệu tấn - trong đó có 15 triệu tấn lúa (năm 1985). Nhưng những năm sau đó, tổng sản lượng lương thực lại giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cuối năm 1986, Trung ương điều động ông Lê Phước Thọ từ Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (gồm TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng ngày nay) ra làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Vừa chân ướt chân ráo ra Hà Nội, ngày 03/01/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi ông đến nhà riêng giao nhiệm vụ: “Bộ Chính trị điều động đồng chí ra Trung ương phụ trách nông nghiệp để giải quyết lương thực cho cả nước...".

Nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư, ông vừa thấy vinh dự, vừa thấy trách nhiệm nên hết sức băn khoăn, trăn trở bởi mấy lẽ được ông kể lại trong hồi ký “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020):

“Khi được đồng chí Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ, tôi vừa thấy vinh dự, vừa thấy trách nhiệm đối với Đảng với nhân dân và tôi hết sức băn khoăn, trăn trở làm thế nào đế hoàn thành nhiệm vụ, bởi lẽ:

- Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có phạm vi rộng lớn và ở mỗi vùng, miền đều có đặc điểm khác nhau về tập quán, sinh hoạt và phương thức sản xuất, thời tiết, khí hậu cũng khác nhau.

- Từ trước đến nay, tôi hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp, nay lãnh đạo, chỉ đạo ở tầm vĩ mô, vượt quá trình độ, khả năng và tôi cũng chưa am hiểu về phong tục, tập quán ở miền Bắc, miền Trung, nhất là vùng Tây Bắc.

- Tuy Đại hội VI (năm 1986) đã có đường lối đổi mới và chỉ rõ “xây dựng kinh tế là trung tâm", là thuận lợi cơ bản nhưng trong Đảng còn tồn tại tư tưởng “đổi mới và bảo thủ" đan xen khá phức tạp; trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao”.

Điều ông Lê Phước Thọ suy nghĩ rất nhiều là nhân dân nhiều vùng trong cả nước đang thiếu lương thực, bị đói trên diện rộng. Bây giờ người lãnh đạo làm như thế nào để sản xuất lương thực vừa đủ ăn lại có dự trữ quốc gia, đồng thời có sản lượng lúa hàng hóa xuất khẩu gạo bằng và hơn Thái Lan.

Ông đến gặp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt ở nhà riêng tại Hà Nội. Hai ông thống nhất cùng nhau nghiên cứu cơ chế, chính sách nông nghiệp nói chung, khai thác vựa lúa lớn nhất cả nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, có vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên...

Sau đó, ông Lê Phước Thọ khẩn trương chuẩn bị Đề cương nghiên cứu về cơ chế, chính sách nông nghiệp ở tầm vĩ mô và đi nghiên cứu, khảo sát bốn vùng kinh tế khác nhau gồm: Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Song song với hoạt động này, ông thành lập Tiểu ban xây dựng đề án và biên tập. Trong đó, Tiểu ban xây dựng đề án do chính ông Lê Phước Thọ làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban biên tập gồm nhiều nhà khoa học do ông Chu Hữu Quý làm Tổ trưởng. Tháng 10/1987, Tổ biên tập được bổ sung thêm thành viên. Ông Đoàn Đỗ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương làm Tổ trưởng.

Các ông bắt đầu xây dựng đề án “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" (sau này là Nghị quyết số 10-NQ/TW). Đây là đề án lớn, có tầm cỡ quốc gia. Ông Lê Phước Thọ đã dành 9 tháng (từ ngày 26/3 đến ngày 25/12/1987) đi khảo sát 4 vùng kinh tế khác nhau như đã nói ở trên. Trong quá trình đi khảo sát và qua các cuộc hội nghị, có nhiều ý kiến đóng góp bản dự thảo đề án. Các ý kiến thảo luận, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, có thuận, có trái ngược... làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, gợi mở nhiều vấn đề mới cho cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối quyết liệt và gay gắt, trong đó có các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Ông Lê Phước Thọ cho rằng đó là bình thường, bởi có thảo luận, tranh luận thì mới tìm ra được chân lý, cái đúng, cái sai.

Sau đó, dự thảo Nghị quyết được trình bày và thảo luận dân chủ rộng rãi, sôi nổi với cán bộ chủ chốt ở cả hai miền: miền Bắc tại Hội trường số 4 Nguyễn Cảnh Chân, miền Nam tại Hội trường số 10 Trần Quốc Toản. Ông Lê Phước Thọ thay mặt Ban Nông nghiệp Trung ương và Tiểu ban Đề án chủ trì hội nghị.

Dự thảo Nghị quyết số 10-NQ/TW đổi mới, sáng tạo và giải quyết đúng đắn 3 mối quan hệ lợi ích: giữa Nhà nước, tập thể và kinh tế hộ, trước hết là người trồng lúa.

Ông Lê Phước Thọ chia sẻ trong hồi ký: “Điều đáng phấn khởi là tuyệt đại đa số đảng viên, cán bộ và nông dân đồng tình, ủng hộ, hoan nghênh, tôi và các đồng chí trong Tiểu ban xây dựng đề án thở phào nhẹ nhõm và bảo với nhau rằng: "Nghị quyết đã đi vào lòng của nông dân rồi". Nhân dân cả nước có lương thực đủ ăn, sẽ thoát khỏi nạn đói, chấm dứt tình trạng nhập khẩu lương thực và đi mua lương thực bằng tem phiếu và xếp hàng”.

Hồi ký 'Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước'.

Hồi ký “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước”.

**

*

Bản dự thảo Nghị quyết số 10-NQ/TW về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp sửa đi sửa lại đến lần thứ 5 mới trình với Bộ Chính trị khóa VI xem xét, quyết định.

Tại phiên họp ngày 27 và 28/01/1988 ở Nhà khách Trung ương Đảng (T78 Thành phố Hồ Chí Minh), tham dự có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng, Cố vấn Phạm Văn Đồng và các Ủy viên Bộ Chính trị... Ông Lê Phước Thọ đại diện Ban Bí thư cùng dự. Đồng thời còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: Nguyễn Khánh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp: Phan Xuân Đợt, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi: Nguyễn Văn Bắc, Tổng Biên tập báo Nhân dân: Nhà báo Hữu Thọ…

Một số đồng chí trong Bộ Chính trị cho rằng dự thảo đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp sẽ làm tan rã hợp tác xã, tạo điều kiện cho trung nông, phú nông phục hồi và xóa chủ nghĩa xã hội; làm ruộng đất manh mún, khó cơ giới hóa nông nghiệp… Song dự thảo Nghị quyết được Cố vấn Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Chính phủ đồng tình và nhất trí cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thay mặt Bộ Chính trị kết luận Hội nghị đã đánh giá: Nội dung Nghị quyết về Đổi mới Quản lý Kinh tế Nông nghiệp được chuẩn bị công phu, nội dung tốt, đổi mới, vừa có tính lý luận vừa bám sát thực tiễn. Tổng Bí thư đề nghị bản dự thảo Nghị quyết cần đưa ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (tổ chức từ ngày 28/3 đến ngày 29/3/1988 tại Hà Nội) lấy ý kiến. Tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam, ông Lê Phước Thọ giới thiệu dự thảo Nghị quyết trong một buổi. Các đại biểu đã dành hẳn một ngày để thảo luận sôi nổi, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung là đồng thuận, nhất trí cao.

Ngày 05/4/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký vào Nghị quyết về Đổi mới Quản lý Kinh tế Nông nghiệp. Đó là ngày ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW lịch sử, sau này gọi tắt là Khoán 10.

Không phải đợi lâu, thực tế vụ mùa năm 1988-1989, sản lượng lương thực tăng thêm 2 triệu tấn thóc, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa có gạo xuất khẩu. Nạn đói được giải quyết, thật bất ngờ, không ai nghĩ đến.

Trong hồi ký của mình, ông Lê Phước Thọ kể lại, một lần gặp nhau ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Trần Bạch Đằng hỏi ông:

- Tớ đọc Nghị quyết 10 không thấy gì là ghê gớm nhưng vì sao nghị quyết lại đi vào cuộc sống quá nhanh, nông dân đón nhận hào hứng, phấn khỏi, sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh như thế?

Ông Lê Phước Thọ trả lời:

- Anh là nhà khoa học, là học giả và nhà văn, chỉ nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và giá trị thặng dư, anh ít quan tâm đến ruộng đất, nông dân, nông thôn... Bởi vì trước đó nông dân không có các quyền: làm chủ ruộng đất, làm chủ sản xuất, kinh doanh và không được làm chủ giá cả và phân phối lưu thông, thậm chí còn bị cấm chợ ngăn sông. Nay, Đảng, Nhà nước giao lại các quyền đó, nhất là để cho nông dân được sử dụng ruộng đất lâu dài, được thừa kế, chuyển nhượng... Vì vậy, nông dân đồng tình, hưởng ứng đâu có gì lạ".

Nhà báo Trần Bạch Đằng gật đầu, tán thành câu trả lời của ông Lê Phước Thọ.

“Sự ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW không đơn giản chút nào bởi có hai quan điểm tư tưởng song song tồn tại. Đó là “đổi mới và bảo thủ". Công bằng mà nói, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, quyết đoán của anh Nguyễn Văn Linh và anh Võ Chí Công thì Nghị quyết số 10-NQ/TW khó mà thông qua suôn sẻ”. (Ông Lê Phước Thọ).

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm