| Hotline: 0983.970.780

Những anh tài trong Quốc hội khóa đầu tiên

Thứ Hai 06/09/2021 , 09:06 (GMT+7)

'Người ta bầu cho ngài cũng là bầu cho tôi', cố vấn Vĩnh Thụy được thuyết phục. Ông nhận lời dù còn có chút ngại ngùng vì liên danh với 'ông thổ địa xứ Thanh'.

Một ngày cuối năm 2020, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện tại nhà riêng của nhà báo Lê Xuân Kỳ tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Gần 90 tuổi, ông vẫn minh mẫn, tỉnh táo nhớ đến những sự việc, con người liên quan đến quê hương mình. Đặc biệt là ông Cố vấn Vĩnh Thụy, một ứng cử viên Quốc hội đặc biệt của Quốc hội khóa I (1946 - 1960) được bầu ngày 6/1/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ ra mắt Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu của Kiều Mai Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ ra mắt Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu của Kiều Mai Sơn.

Cố vấn Vĩnh Thụy ra ứng cử

Nhà báo Lê Xuân Kỳ lật giở cho chúng tôi xem những kỷ niệm qua tháng năm viết báo, từ báo Văn nghệ, Người cao tuổi, Người Công giáo Việt Nam… Ông nhớ đến cụ Lê Tất Đắc (1906 - 2000) vị Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Thanh Hóa, đã coi ông như người thân trong gia đình. Chính cụ Lê Tất Đắc chia sẻ cho ông nhiều chuyện lịch sử ít người biết tới và hôm đó ông kể lại cho chúng tôi nghe…

Một bữa, ông Cố vấn Vĩnh Thụy đang ngồi uống nước thì thấy có xe ô tô đến trước cửa. Ông Cố vấn nhìn ra, thấy ông Lê Tất Đắc - Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Ông Cố vấn đứng dậy, bước ra đón ông Lê Tất Đắc và chào vui: “Không mấy khi rồng đến nhà tôm”. Ông Lê Tất Đắc cũng vui vẻ sửa lại: “Không mấy khi tôm đến nhà rồng”. Rồi hai người thân tình đi vào trong nhà.

Mấy tháng trước, khi còn trên ngai vàng, vua Bảo Đại đã xuống chiếu thoái vị với lời tuyên bố: "Thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ". Mười ngày sau khi thoái vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử ông Nguyễn Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) làm Cố vấn của Chính phủ.

Hôm ông Cố vấn từ Huế ra Hà Nội có ghé thăm vùng đất quý hương của dòng họ mình. Chủ tịch UBND lâm thời Lê Tất Đắc đã đón ông Cố vấn thân tình, thu xếp để ông nghỉ lại một hôm ở dinh thự của viên tổng đốc cũ. Nay gặp lại nhau, Cố vấn Vĩnh Thụy hỏi: “Lâu nay ông có ra Hà Nội không, có gặp Cụ Hồ không?”. Ông Lê Tất Đắc trả lời: “Cụ Hồ có mấy điều muốn nhờ tôi nói lại với ông Cố vấn”.

Cố vấn Vĩnh Thụy có vẻ chờ đợi. Ông Lê Tất Đắc cho biết sắp bầu cử Quốc hội. Chuyện này ông Vĩnh Thụy không lạ. Hàng ngày ông vẫn theo dõi tin tức qua báo chí.

“Cụ Hồ muốn ông Cố vấn ra ứng cử Đại biểu Quốc hội” - nghe ông Lê Tất Đắc nói vậy, Cố vấn Vĩnh Thụy ngạc nhiên: “Không có đời nào người ta lại đưa tôi vào Quốc hội đâu”.

Để ông Cố vấn nói xong, Chủ tịch lâm thời tỉnh Thanh Hóa thong thả: “Ông Cố vấn sẽ ra ứng cử vào Quốc hội ngay ở tỉnh Thanh Hóa này”. Ông Cố vấn lại hỏi: “Ở Thanh Hóa thì làm thế nào người ta bầu cho tôi?”.

Điều này ông Lê Tất Đắc đã tiên lượng khi nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quả thật, ông Vĩnh Thụy rất khó trúng cử. Còn hằn sâu trong óc người dân quê chân lấm tay bùn bị đế quốc phong kiến đàn áp bóc lột. Mới đây thôi, nạn đói tang thương chưa dễ ai quên. Để thống nhất tư tưởng trong cán bộ của tỉnh đã khó, huống hồ hàng vạn cử tri? Nghe hết nỗi băn khoăn của ông Đắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Ông Chủ tịch tỉnh về nói lại để nhân dân hiểu rõ, ông Vĩnh Thụy tuy đã làm vua nhưng nay làm dân, về ứng cử ở quê cũ là hợp lẽ.

Bàn bạc xong, cán bộ tỉnh Thanh Hóa thống nhất sẽ thành lập các liên danh. Cố vấn Nguyễn Vĩnh Thụy liên danh với ông Lê Tất Đắc.

“Người ta bầu cho ngài cũng là bầu cho tôi”, ông Đắc thuyết phục ông Vĩnh Thụy. Cố vấn nhận lời dù còn có chút ngại ngùng vì liên danh ứng cử với “ông thổ địa xứ Thanh” này.

Ông Lê Tất Đắc cũng không khỏi suy nghĩ: Liên danh với “ông Cố vấn" là một việc phải hết sức đắn đo và cũng thật là mạo hiểm. Một đồng chí của ông Đắc đã làm 4 câu ca dao cho liên danh Lê Tất Đắc - Nguyễn Vĩnh Thụy mà nửa thế kỷ sau ông Đắc chỉ còn nhớ được 2 câu: "Bầu cho anh Đắc của ta/ Với anh Vĩnh Thụy đều là bà con". Cuối cùng cả 2 đều trúng với 97% phiếu bầu, trong đó, ông Lê Tất Đắc nhỉnh hơn Cố vấn Vĩnh Thụy gần 50 phiếu.

Những chân anh tài

Đại biểu Quốc hội Hoàng Sĩ Oánh (tỉnh Thanh Hóa) sau hơn nửa thế kỷ đã ghi lại mấy vần ca dao về bầu cử Quốc hội đầu tiên tại quê hương mình: “Thụy, Thông, Đắc, Hỷ, Oánh, Kỳ/ Ngọc, Thuần, Tĩnh, Huệ, Thực, Kỳ, Đức, Bân/ Ai ơi xin chớ ngại ngần/ Bỏ cho người đó là chân anh tài”.

14 ứng cử viên trong hai câu ca dao mới sáng tác trên đều trúng cử trong tổng số 15 Đại biểu Quốc hội của tỉnh Thanh Hóa. Đó là các ông: Nguyễn Vĩnh Thụy, Đặng Phúc Thông, Lê Tất Đắc, Hoàng Sĩ Oánh, Nguyễn Văn Tỉnh (tức Tinh Hoa)…

Trước Cách mạng tháng Tám, ông Nguyễn Văn Tỉnh là chủ hiệu buôn Tinh Hoa ở Thanh Hóa. Sau Cách mạng tháng Tám, ông đã bỏ việc kinh doanh riêng mà tham gia công việc chung. Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Thanh Hóa với 75% số phiếu bầu và rất tích cực tham gia công cuộc kháng chiến.

Ông Tôn Quang Phiệt, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa, chứng nhận về ông Nguyễn Văn Tỉnh như sau:

“Ông Nguyễn Văn Tỉnh là một Ủy viên của Công ty Việt Thương, một tổ chức kinh doanh của Ủy ban Hành chính Trung bộ, đã góp nhiều tiền cho tổ chức thương mại này. Đầu năm 1947 khi Hồ Chủ tịch vào Thanh Hóa và kêu gọi lập quỹ "Tăng gia sản xuất", ông Nguyễn Văn Tỉnh đã góp 40.000 đồng mà lúc đó những người có tiếng giàu có bậc nhất ở Thanh Hóa chưa góp được 1/10 số tiền này; về cuộc vận động mua công phiếu kháng chiến, ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng là người đóng góp một số tiền lớn”.

Nguyên Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp mừng thọ nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xiển 90 tuổi. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Nguyên Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp mừng thọ nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xiển 90 tuổi. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Lời thề của Bộ trưởng Nguyễn Xiển

Năm 1955, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kỹ sư Nguyễn Xiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng) tuyên thệ trước Quốc hội và Chính phủ: “Tuyệt đối trung thành với nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hết lòng phục vụ nhân dân, làm tròn trách nhiệm Hồ Chủ tịch, Quốc hội và Chính phủ giao cho”.

Ông Nguyễn Xiển sinh ngày 27/7/1907 tại thành phố Vinh trong một gia đình Nho học lâu đời. Ông là một trong bốn nhà trí thức đã cùng nhau đánh điện vào Huế (ngày 22/8/1945) yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, giao quyền cho Việt Minh thành lập Chính phủ.

Chính quyền mới được thành lập, ông Nguyễn Xiển được mời ra nhận công tác. Cụ Nguyễn Văn Tố - một nhà trí thức lớn có uy tín từng làm Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ - nay làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế, khuyên ông nên nhận một bộ trong Chính phủ. Và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp gặp ông đã mời ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính trong Chính phủ lâm thời.

Nhưng kỹ sư Nguyễn Xiển từ chối không nhận chức Bộ trưởng mà ông tiến cử kỹ sư Đào Trọng Kim - một nhà trí thức có uy tín và có trình độ chuyên môn cao làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính. Chỉ đến khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xiển bị thuyết phục và đồng ý nhận làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ.

Cuối năm 1995, chuẩn bị bước sang tuổi 90, đã tham gia Quốc hội 8 khóa liên tục từ khóa I đến khóa VIII (trong đó, có 4 khóa liên tiếp làm Phó Chủ tịch Quốc hội) cụ Nguyễn Xiển viết những dòng cuối cùng đầy tâm huyết để gấp lại cuốn "Hồi ký" của mình như sau:

“...Nhìn lại đời mình, tôi tự khẳng định và cũng đã được thừa nhận là một trí thức yêu nước, yêu dân chủ và tiến bộ. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi có một vai trò và vị trí nhất định về chính trị và chuyên môn từ sau Cách mạng tháng Tám. Nhưng xét cho kỹ, tôi chỉ là một trí thức tự do, sống theo cảm tính, bản năng tự nhiên hơn là bằng lý luận, hoạt động chủ yếu theo con tim và tâm trí của mình nên cũng chưa đi chuyên sâu cả về chính trị và khoa học, ngay về chuyên môn cũng là một nhà hoạt động thực tiễn hơn là một nhà nghiên cứu. Do vậy sự cống hiến còn hạn chế.

…Tôi không thể viết trái lại tính cách cá nhân của mình. Và tôi dừng bút khép lại tập hồi ký này với sự thanh thản trong lòng; sức mình, điều kiện của mình đến đâu, mình đã làm tới đó. Nếu còn có âu lo thì đó là sự âu lo cho tương lai của đất nước, liệu có tìm được con đường ngắn nhất, tranh thủ được khả năng tốt nhất vươn lên trong một thế giới đầy biến động, bất trắc, phức tạp như thế giới ngày nay? Số phận của riêng tôi thì có thể nó đã an bài, vấn đề là số phận của nhân dân, của đất nước muôn vàn yêu thương”.

Một Quốc hội rất trẻ

Thống kê của Đại biểu Vũ Đình Hòe (1912 - 2011) trúng cử tại Thủ đô Hà Nội cho thấy Quốc hội khóa I là Quốc hội “rất trẻ, đầy sinh lực và nhiệt tình”. Điều này được thể hiện rõ qua cơ cấu độ tuổi: Đại biểu từ 18 đến 25 tuổi chiếm 7%; đại biểu từ 26 đến 40 tuổi chiếm 70%, đại biểu từ 41 đến 50 tuổi chiếm 18%, Đại biểu từ 51 đến 70 tuổi chiếm 5%.

Về thành phần xã hội, Quốc hội khóa I có 61% đại biểu là trí thức, 22% đại biểu là nông dân, 6% đại biểu thợ thuyền, 6% đại biểu công kỹ nghệ gia và 5% đại biểu là người buôn bán.

Quốc hội khóa I có 10 đại biểu nữ. Đến nay, nữ đại biểu duy nhất trong 10 đại biểu nữ đầu tiên còn tại thế và vẫn theo dõi báo chí, truyền hình suốt những kỳ họp Quốc hội dù đã hơn 100 tuổi là cụ bà Ngô Thị Huệ - đại biểu tỉnh Bạc Liêu.

Xem thêm
Họa sĩ Mai Quý Ngọc và sắc màu mang dấu ấn đại ngàn

Họa sĩ Mai Quý Ngọc ở tuổi 45 gom góp 45 tác phẩm để tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên ‘Dấu ấn đại ngàn’ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.