LTS:
Loạt bài Chính quyền thân thiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện tại nhiều địa phương trên khắp cả nước đang nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, người dân và các cơ quan quản lý, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Hiệu quả thực chất của mô hình này như một làn gió tốt lành trên khắp các vùng miền đất nước, người dân tin yêu cán bộ, chính quyền, trách nhiệm hơn với xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá, đó là những mô hình thực sự hiệu quả.
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mô hình Chính quyền thân thiện đang được xây dựng tại một số địa phương như Hậu Giang, Đồng Tháp, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang…? Tại các địa phương trên, đã có những sáng kiến, mô hình rất mới, thực sự hiệu quả và tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ của cán bộ, công chức trong mắt người dân, như xuống cơ sở gặp bà con; tiếp xúc, đối thoại với người dân để giải đáp các thắc mắc, kiến nghị tồn đọng; lãnh đạo tỉnh chủ động mời cà-phê người dân, doanh nghiệp… Sự thân thiện thực chất đang hình thành và góp phần xóa bỏ rào cản cứng nhắc, xóa bỏ khoảng cách giữa người dân - cán bộ.
Trong thời gian qua, một số địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng mô hình chính quyền thân thiện. Cốt lõi của mô hình chính quyền thân thiện là thực hiện cải cách thủ tục hành chính hướng đến “phục vụ nhân dân”, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như: tại Bắc Giang, mô hình “Chính quyền thân thiện” được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang và Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai xây dựng vào tháng 8/2021 với 3 xã điểm, đến nay đã được nhân rộng ra 209 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với các sáng kiến nổi bật như sáng kiến “Ngày thứ 6 nhanh”.
Theo đó, trong ngày thứ 6, công chức tại Bộ phận một cửa sẽ được sắp xếp không thực hiện các nhiệm vụ khác để ưu tiên giải quyết hồ sơ cho công dân bảo đảm nhanh, gọn, giải quyết và trả kết quả dứt điểm trong ngày, không phải chờ đợi đúng thời gian hẹn, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại cho tổ chức và công dân; bố trí môi trường công sở văn minh, thân thiện như: nơi ngồi chờ, cây xanh, wifi miễn phí, máy photo phục vụ người dân, nước uống.
Hay như tại Đồng Tháp, chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện theo hướng tăng cường tổ chức cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền, công sở thân thiện và tham gia giám sát, kiểm tra chính quyền theo quy định, thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập…
Đánh giá chung của các địa phương cho thấy việc thực hiện mô hình chính quyền thân thiện nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các tầng lớp nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, cải tiến lề lối tác phong làm việc theo hướng thân thiện, cởi mở, gần gũi với nhân dân.
Trong thời gian tới, trên cơ sở báo cáo kết quả của các địa phương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để nhân rộng mô hình chính quyền thân thiện với các sáng kiến hay, cách làm hiệu quả, phù hợp thực tiễn và quá trình đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
Với vị trí, chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các Luật có liên quan để nghiên cứu, rà soát và làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung 02 Luật theo hướng tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ; bổ sung, làm rõ thêm nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người đứng đầu; nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định Bộ quy tắc đạo đức công vụ.
Chính quyền thân thiện, mục tiêu quan trọng nhất và cũng là thước đo hiệu quả, đó là có các định hướng, phương hướng, chiến lược, giải pháp để giải phóng tối đa các lợi thế, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tư liệu sản xuất; “giải phóng” tài nguyên con người để giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình, phát triển kinh tế bền vững hài hòa với các nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng về góc nhìn này?
Như tôi đã nêu trước đó, cốt lõi của mô hình chính quyền thân thiện là xây dựng chính quyền hướng đến “phục vụ nhân dân”, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Mọi hoạt động của các cấp chính quyền nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước nói riêng đều hướng đến lợi ích của người dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Chính quyền biết nghe dân nói; biết nói để dân hiểu, biết làm cho dân tin, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những ý kiến của người dân; cùng với người dân để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nút thắt trong thể chế, chính sách…
Tất cả những nội dung nêu trên đều hướng đến mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, người dân được sinh sống ổn định, chăm lo an sinh xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế để từ đó lại quay lại phục vụ sự phát triển của địa phương, đất nước nói chung.
Thưa Bộ trưởng, một vấn đề đang tồn tại, đó là một số cá nhân có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy cho cấp dưới hay ỷ lại, đẩy “quả bóng trách nhiệm” lên cơ quan cấp trên. Chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để “phá tảng băng” tồn tại trong mỗi cá nhân như vậy?
Thực tế, trong thời gian gần đây, ở một số cơ quan, địa phương đã xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây được xác định là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này.
Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong xử lý công việc, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 3 công điện, gồm: Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023 về khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; Công điện số 436/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về khẩn trương báo cáo những kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành chưa được các bộ, cơ quan giải quyết.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khích lệ, khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉ đạo tập trung, thống nhất; xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, không tổ chức phòng trong vụ (trừ tường hợp đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định); tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập.
Đến nay, 26/27 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành đã được Chính phủ ban hành, còn 01 cơ quan (Thanh tra Chính phủ) đang hoàn thiện, trình Chính phủ. 03 Bộ, ngành đề xuất tiếp tục thực hiện theo Nghị định hiện hành, gồm: Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Kết quả sắp xếp: giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 10 Cục, 144 Vụ/Ban, 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, 08 phòng trong vụ.
Bộ Nội vụ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và các Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm nêu gương, xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh rà soát bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn vướng mắc, liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, ủy quyền gắn với kiểm soát quyền lực; xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế giải quyết công việc, trong đó cụ thể quy trình, cá thể hóa trách nhiệm tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đề cao trách nhiệm giải trình.
Tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ; xử lý nghiêm minh, kịp thời tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu khi né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; có biện pháp thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm và không đáp ứng yêu cầu công việc; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí trong việc thông tin, phản ánh về tình hình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, phản ánh các biểu hiện tiêu cực trong thực thi công vụ.
Bộ Nội vụ đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đây là một nội dung rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh người cán bộ, công bộc của dân, vì dân phục vụ. Sau 2 năm triển khai, những thay đổi từ phía cán bộ, công chức, viên chức… khi họ ứng dụng bộ quy tắc này, thưa Bộ trưởng?
Nhằm nâng cao văn hóa công vụ, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 758/QĐ-BNV ngày 23/06/2021 ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.
Sau khi được ban hành, Bộ Nội vụ đã rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc nhắc nhở thông qua các hình thức như: hội nghị giao ban, hội nghị cán bộ, công chức, tuyên truyền, phổ biến trên Cổng thông tin điện tử; thực hiện chuyên đề khoa học về văn hóa công vụ, trong đó có nội dung giao tiếp, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức...
Sau thời gian triển khai thực hiện, việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện văn hóa công vụ, trong đó có giao tiếp, ứng xử từng bước được nâng cao. Trong giao tiếp với người dân cũng như quan hệ hợp tác, hỗ trợ với đồng nghiệp, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức luôn giữ tinh thần, thái độ lịch sự, hòa nhã.
Đặc biệt là các công chức, viên chức làm việc ở bộ phận lễ tân, tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả... đều được yêu cầu phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Qua đó, bước đầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cho rằng cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa công vụ với các hình thức phong phú, thiết thực; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Kết quả thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của tổ chức, cá nhân; chú trọng xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến, có thành tích trong việc xây dựng và triển khai thực hiện văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Xin cảm ơn Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà!
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên, đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả.
Đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.229 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; thực thi phân cấp giải quyết 81/699 TTHC, trong đó nhiều TTHC phân cấp từ trung ương về địa phương; các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thống kê, công bố TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và tập trung rà soát, đơn giản hóa 59 nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên trong năm 2023.
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp được chú trọng triển khai, đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa; 62/63 địa phương và 10/21 Bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.