| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối đất nông lâm trường ở Tây Nguyên: [Bài 2] Vinacafe làm gì với 13.000ha đất sau chỉ đạo của Thủ tướng?

Thứ Tư 17/08/2022 , 10:00 (GMT+7)

Chủ đất Tổng Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) ôm hàng vạn ha nhưng chìm trong nợ nần, đang trở thành vấn đề nhức nhối rất lớn ở Tây Nguyên.

13.000ha đất và đống nợ hàng trăm tỷ đồng

Ôm một diện tích đất đai rất lớn nhưng vẫn sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ những hợp đồng giao khoán với người dân, quả không ngoa khi ví thực tế ở các công ty cà phê trên địa bàn Đăk Lăk đang là những quả bom nổ chậm. Nếu không kịp “tháo ngòi” e rằng sẽ còn nhiều vấn đề nhức nhối.

67a539d06aa1affff6b0

Thảm cảnh ở Công ty TNHH MTV cà phê Ea H'Nin. Ảnh: Minh Quý. 

Theo thống kê mới đây của UBND tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn tỉnh này hiện còn 17 công ty thành viên của Tổng Công ty cà phê Việt Nam được giao quản lý hơn 13.000ha đất. Tìm hiểu sâu mới biết, từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến các vấn đề an ninh trật tự xã hội, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của các “ông chủ” ôm hàng vạn ha đất này đều bất ổn.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk từng nêu rất rõ bằng văn bản: Qua công tác đôn đốc thu nợ, các doanh nghiệp báo cáo tình hình tài chính rất khó khăn, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế hết năm 2020 là trên 252 tỷ đồng, các đơn vị mất khả năng cân đối tài chính để thực hiện nộp thuế đối với ngân sách Nhà nước. Có 10/17 doanh nghiệp của Vinacafe chưa thực hiện nộp đủ tiền thuê đất, tính đến năm 2021, các doanh nghiệp này còn nợ tiền thuê đất 112 tỷ đồng.

Và khi chúng tôi tiếp xúc với đại diện các công ty trên địa bàn, đa số họ đều thừa nhận, nguồn thu chính của hoạt động sản xuất kinh doanh đến từ những hợp đồng khoán với các hộ dân. Dân nộp sản thì có tiền, dân không nộp thì chịu.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo phương án sắp xếp đổi mới 17/17 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, buộc phải giải thể 3 doanh nghiệp, chuyển 3 doanh nghiệp từ loại hình một thành viên thành hai thành viên trở lên, cổ phần hóa 11 doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 7 năm, các đơn vị trực thuộc Vinacafe ở Đăk Lăk vẫn là một mớ bòng bong.

Trong căn phòng  tầng 2 trụ sở Công ty TNHH MTV cà phê Ea H’nin ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, Giám đốc Đinh Kỳ Cảm tiếp chúng tôi bằng vẻ chán nản. Nợ nần, khiếu kiện phức tạp, những rắc rối về mặt pháp lý bủa lấy Công ty cà phê Ea H’nin từ mấy năm nay, đến mức ông Giám đốc cũ phải xin nghỉ chế độ trước tuổi. Ông Cảm lên tiếp quản trong bối cảnh Ea H’nin không khác gì một con tàu sắp đắm. Cùng với Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh, Ea H’Nin là những đơn vị của Vinacafe nằm trong diện chờ giải thể. Khổ một nỗi “chết mà chẳng thể chôn”. Giám đốc Đinh Kỳ Cảm nói rằng, kế hoạch giải thể 2 công ty phải chờ sau khi Vinacafe cổ phần hóa xong 11 doanh nghiệp trực thuộc trên địa bàn tỉnh, nhưng 6-7 năm trời rồi có xong được đâu.

Thật khó để diễn tả hết mức độ thê thảm của cà phê Ea H’Nin bây giờ. Danh nghĩa là đơn vị quản lý diện tích 887ha cà phê tại địa bàn các xã Ea Ktur, Ea Ning và Cư Êwi, nhưng thực trạng mà ông Cảm tiết lộ, dù là đất đẹp hiếm có nơi nào bằng mà rất nhiều diện tích trong số đó chỉ còn trên giấy.

“Từ năm 2015 trở lại đây công ty lâm vào cảnh bệ rạc, người lao động không ký hợp đồng giao khoán nên không có nguồn thu.  Thời gian trước Ea H’Nin cũng có 30 nhân viên nhưng bây giờ chỉ còn 1 người. Giám đốc cho đến các bộ phận phòng ban đi làm theo kiểu ngày làm ngày nghỉ vì không có tiền để trả lương. Cũng may nhà cửa đều gần công ty cả nên anh em đi bộ đến làm, đỡ được khoản tiền xăng”, ông Cảm chia sẻ giọng ngậm ngùi.

z3367887851157_3adcd661ff4c32bf76be053e2b7c7469

Hạt cà phê cõng hàng loạt khoản thu ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Mặc dù "nguồn sống" là các hợp đồng giao khoán nhưng năm 2020 Công ty Ea H’Nin thu tất tần tật được 10 tấn cà phê tươi. Năm 2021 có khá hơn được 18 tấn. Nếu nhân với giá 7 ngàn đồng/kg thì một năm công ty thu được từ 70 triệu đến gần 100 triệu đồng. Xin được nhắc lại, thu chừng ấy tiền trên diện tích hơn 887ha đất thuộc diện đẹp nhất ở Tây Nguyên.

Con số kinh hãi hơn nữa là nợ. Hiện Ea H’Nin đang nợ hơn 30 tỷ đồng tiền ngân hàng. Một phần như tiết lộ của ông Cảm là các sếp nhiệm kì trước vay ngân hàng, vay vốn ODA để đầu tư dây chuyền sản xuất. Bây giờ các sếp ấy đã nghỉ rồi mà dây chuyền cũng đang nằm đắp chiếu. Phần còn lại là nợ tiền thuế, tiền thuê đất. Hơn 12 tỷ đồng gối đầu từ năm 2005 đến nay gần như chưa có phương án trả. Tôi hỏi ông Cảm, giờ tính thế nào, vị giám đốc này chậm rãi, thì chủ yếu vận động cán bộ đảng viên nhận khoán hoặc trông chờ vào những hoạt động giao dịch, mua bán các lô cà phê rồi thu chứ biết làm sao.

“Cả 7 công ty trực thuộc Vinacafe ở vùng Việt Đức này chỉ có Ea Tiêu, Việt Thắng là thu tàm tạm, còn lại Ea Sim, Ea Ktur, Chư Quynh, Việt Đức, Ea H’Nin đều lâm vào tình trạng như nhau, đó là người nhận khoán không chịu ký hợp đồng, không chịu nộp sản cho các công ty”, ông Giám đốc đang trông coi hơn 887ha đất khẳng định.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, tính tại thời điểm năm 2020 các công ty trực thuộc Vinacafe trên địa bàn tỉnh nợ tiền thuê đất lên đến cả trăm tỷ đồng. Công ty Việt Đức nợ hơn 13,164 tỷ. Việt Thắng nợ 12,129 tỷ, Ea Sim nợ 11,039 tỷ, Ea Ktur nợ 14,982 tỷ, Chư Quynh nợ 9,520 tỷ đồng… Tỉnh Đăk Lăk kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Vinacafe thực hiện nghiêm túc các chấp hành pháp luật về thuế, xây dựng lại phương án khoán phù hợp tình hình thực tế, tránh các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan hợp đồng khoán với người dân.

 Công ty cà phê nhưng thu sản… hồ tiêu

Thảm cảnh của các công ty cà phê ở Cư Kuin đồng nghĩa với những nhức nhối đang ngày càng lan rộng ở những vùng liên kết với người dân. Xã Ea Ktur, Ea Bhôk là những điển hình.

Gần 10 năm trước, sự việc hàng trăm người dân nhận khoán với Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur tổ chức thành từng nhóm thuê xe ca ra Hà Nội khiếu kiện vấn đề doanh nghiệp phát canh thu tô đã trở thành những “mồi lửa” khiến mâu thuẫn giữa các công ty và người nhận khoán ở Đăk Lăk như những đám cháy ngày càng lan rộng.

Trở lại đây lần này, “đám cháy” đó vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế. Doanh nghiệp ngày càng chìm trong cảnh nợ nần còn những bức xúc của người nhận khoán càng thêm chất chồng.

f8a13d9b5cec99b2c0fd

Người dân bức xúc với những hợp đồng giao khoán của các công ty cà phê. Ảnh: Minh Quý.

Xã Ea Bhôk có khoảng 1.000ha đất của Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur. Sau những năm tháng căng thẳng, hiện bây giờ Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng tiết lộ, người dân chủ yếu chuyển sang trồng hồ tiêu, từ năm 2014 đến nay không đóng sản cho công ty nữa. Mặc dù phía doanh nghiệp “linh hoạt” bằng việc lên phương án thu sản bằng hồ tiêu, tuy nhiên do họ không đầu tư bất cứ thứ gì nên người dân nhất quyết không đóng.

Những hộ dân như ông Trần Văn Xanh, Thân Văn Hùng là hai trong số hàng trăm hộ dân phản đối vấn đề phát canh thu tô của công ty Ea Ktur từ năm 2015 đến nay. Cầm giấy báo nộp tiền thuê đất và nợ cà phê năm 2021 do ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Ea Ktur ký gửi, ông Lê Thuần Hùng bức xúc nói: Các anh xem họ tính như thế này được không. Nhà tôi có hơn 6.000m2 đất theo hợp đồng nhận khoán, trước đây trồng cà phê nhưng do hết thời gian khấu hao nên đã chuyển sang trồng hồ tiêu từ lâu, mặc dù không đầu tư bất cứ thứ gì nhưng phía công ty vẫn tính tiền nợ sản phẩm cà phê là 10.343kg, cộng thêm tiền thuê đất nữa là gần 14 triệu đồng.

Người dân mong muốn thay đổi hình thức liên kết để phát triển kinh tế và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Ảnh: Hoàng Anh. 

Người dân mong muốn thay đổi hình thức liên kết để phát triển kinh tế và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Ảnh: Hoàng Anh. 

Lật lại từng hồ sơ, tài liệu liên quan từ trước đến nay, ông Trần Văn Xanh dẫn chứng: Từ năm 2015, UBND tỉnh Đăk Lăk đã kiểm tra và đề nghị Vinacafe làm rõ thông tin người nhận khoán phản ánh toàn bộ tài sản vườn cây trên đất từ trước đến nay đều do các hộ tự bỏ 100% vốn để đầu tư, chăm sóc nhưng công ty vẫn thực hiện giao khoán và thu sản phẩm hàng năm. 

Năm này qua năm khác, phía công ty vẫn cứ thực hiện việc phát canh thu tô như vậy. Người dân chúng tôi không chống đối gì cả, chỉ muốn sản xuất, phát triển kinh tế để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng với hình thức “không đầu tư bất cứ thứ gì nhưng vẫn đòi thu sản phẩm” của công ty thì nhất quyết dân không nộp.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, chính Chủ tịch UBND xã Ea Bhôh Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận những phản ứng của người nhận khoán như thế là có cơ sở. “Người dân mong muốn Chính phủ xem xét giao đất hoặc thay đổi hình thức liên kết sản xuất, ký hợp đồng mới để vừa có thể phát triển kinh tế, vừa thực hiện nghĩa vụ thuế, đóng tiền thuê đất. Như thế là chính đáng”.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).