Những kho trữ nước vô giá của người Bình Định

Nhiều người nghĩ, hồ thủy lợi chỉ có vai trò cung cấp nước tưới cho nông nghiệp. Nhưng không, hồ thủy lợi còn mang đến cho con người nhiều lợi ích khác.

Xấp xỉ 40 năm phục vụ trong ngành thủy lợi ở Bình Định, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, rất thấu hiểu những lợi ích mà hồ chứa thủy lợi mang đến cho con người. Đặc biệt là với vai trò cắt lũ trong những mùa mưa bão, những hồ thủy lợi đã góp phần giảm nhẹ thiên tai cho người dân vùng hạ du.

Trước năm 1975, trên địa bàn Bình Định hầu như vắng bóng hồ thủy lợi. Phía Nam Bình Định chỉ rải rác những con đập dâng Bảy Yển, Bình Thạnh, Lão Tâm, Cây Ké; phía Bắc Bình Định chỉ có những bờ xe nước và đập bổi trên sông Lại Giang ở thị xã Hoài Nhơn. Hệ thống thủy lợi đơn sơ kể trên chẳng phục vụ được cho sản xuất nông nghiệp là mấy.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phát triển hệ thống thủy lợi được chính quyền tỉnh Bình Định ưu tiên quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống thủy lợi trước tiên là để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, thứ đến là để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Dù khi ấy điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng chính quyền tỉnh Bình Định vẫn ưu tiên xây dựng nhiều hồ chứa thủy lợi để tạo nguồn nước tại chỗ, phục vụ cho những khu tưới độc lập để khai thác hết tiềm năng những diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Những hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn), Thuận Ninh (huyện Tây Sơn), Hội Sơn (huyện Phù Cát), Vạn Hội (huyện Hoài Ân), Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), Đồng Mít (huyện An Lão) lần lượt ra đời.

“Đặc điểm của khí hậu miền Trung, trong đó có Bình Định là lượng mưa trong mùa lũ chiếm đến 70-80% lượng mưa cả năm. Địa hình thì dốc, nên nếu không có những hồ thủy lợi giữ nước trong mùa mưa thì hết mưa là hết nước, nước mùa mưa chảy tuột hết xuống biển, sản xuất nông nghiệp chỉ còn biết trông chờ vào nước trời, ngành nông nghiệp chẳng thể khai thác hết tiềm năng những diện tích đất sản xuất trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định, chia sẻ.

Đến nay, trên địa bàn Bình Định có hơn 150 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích khoảng 500-600 triệu mét khối nước, đó là chưa kể hàng loạt hồ chứa nhỏ có dung tích chứa từ 1-2 triệu mét khối nước đến 5-7 triệu mét khối nước mọc dày tại các địa phương.

Sở dĩ Bình Định xây dựng nhiều hồ chứa nhỏ vì địa hình của mảnh đất này bị chia cắt mạnh, những vùng sản xuất nông nghiệp nằm manh mún, nên hồ chứa thủy lợi phải được xây dựng phân tán để phục vụ cho những khu tưới độc lập. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa được chủ động nước tưới ở Bình Định hầu như phủ kín.

“Nơi nào có điều kiện về lưu vực là Bình Định xây dựng hồ chứa nước để phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của vùng đó. Hồ có quy mô lớn thỉ tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ, hồ quy mô nhỏ tỉnh tự lực xuất kinh phí xây dựng. Nếu địa hình ở Bình Định không bị chia cắt, lưu vực cho phép thì không việc gì Bình Định phải xây dựng nhiều hồ chứa nước manh mún đến thế, chỉ cần làm vài hồ chứa lớn và hình thành vài khu tưới tập trung là đủ cung cấp nước tưới. Đằng này, từ thành phố Quy Nhơn ra thị xã Hoài Nhơn có cao độ mặt đất không đồng đều, bị chia cắt, nên Bình Định phải xây dựng nhiều hồ chứa để tạo nguồn nước tại chỗ, phục vụ cho những khu tưới riêng biệt”, ông Phú chia sẻ.

Trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Phú, Công ty Thủy nông Bình Định (nay là Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định) được thành lập vào năm 1989, khi ấy công ty mới chỉ phục vụ tưới được 11.000-12.000 ha lúa, nay đã tăng đến 65.000 ha. Ngoài ra, những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý còn tưới được cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp khác. Những diện tích trước đây mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nhưng nước tưới thiếu trước hụt sau, năng suất rất bấp bênh thì nay mỗi năm sản xuất được 2-3 vụ lúa, năng suất bình quân đạt đến 60-70 tạ/ha.

“Nhờ có nước của các hồ thủy lợi nên nông dân mới áp dụng được những biện pháp thâm canh cây lúa. Cũng nhờ có nguồn nước mà đất được cải tạo, giảm bạc màu, trở nên màu mỡ phì nhiêu hơn, do đó năng suất lúa cũng như các loại cây trồng đồng loạt tăng cao, đời sống nông dân ngày càng được ổn định hơn. Mùa màng tươi tốt, ban đầu là giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, sau đó lúa ăn không hết, người dân bán để lo cho con ăn học. Có thể nói, thủy lợi đã góp phần mang ấm no đến cho người nông dân”, ông Phú khẳng định.

Nói về vai trò của các hồ chứa thủy lợi, ông Nguyễn Văn Phú cho rằng chúng không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, mà còn bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, nước phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước phục vụ công nghiệp; đặc biệt, nguồn nước từ các hồ chứa còn cải tạo được môi trường.

Ông Phú giải thích, trước khi có hồ Định Bình và hồ Núi Một thuộc hệ thống sông Kôn và hồ Đồng Mít thuộc hệ thống sông Lại Giang, hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch trở đi, dòng chảy của sông Kôn và sông Lại Giang rất nhỏ, thậm chí có lúc trơ đáy, trong lòng sông chỉ còn những vũng nước đọng, thậm chí thấy cả kiến bò trong lòng sông.

Nay nhờ nguồn nước của hồ Định Bình, hồ Núi Một và hồ Đồng Mít, dòng chảy của sông Kôn và sông Lại Giang duy trì liên tục với mực nước lớn. Rác rưởi, dơ bẩn trong lòng sông được dòng nước đẩy hết xuống cửa biển. Dòng nước duy trì trong lòng sông tạo nên không khí mát lành, cây cối xanh tươi. Nước trong các dòng sông bổ sung mạch nước ngầm dồi dào, tạo nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, hồ chứa nước thủy lợi còn đóng vai trò “ông bụt” chuyên “cứu nhân độ thế” trong những mùa mưa lũ, điều này ít được người dân nhận ra. Ấy là nhiệm vụ cắt lũ của những hồ chứa, làm giảm nhẹ thiên tai cho người dân sống ở phía hạ du.

Theo ông Phú, những hồ chứa, những con đập dâng khống chế dòng chảy của các con sông trong mùa lũ. Ví như hồ chứa nước Định Bình, trước mùa mưa lũ, mực nước trong hồ được đưa xuống mực nước chết. Khi lũ xảy ra, 1 phần nước của dòng lũ được tích trữ lại trong hồ, làm giảm được tần suất lũ trên hệ thống sông Kôn.

Nhờ đó, người dân sống ở vùng hạ du hệ thống sông Kôn là các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và 1 phần thành phố Quy Nhơn giảm ngập lụt. Các công trình giao thông, hạ tầng cơ sở phía hạ du ít bị tàn phá, giảm thiệt hại tài sản của người dân và của Nhà nước. Cũng như ở thị xã Hoài Nhơn, trước khi có hồ chứa nước Đồng Mít, mùa lũ năm nào vùng hạ du thị xã Hoài Nhơn cũng bị lũ lụt tàn phá, mùa khô thì có khoảng 4.000 ha lúa bị thiếu nước tưới, xâm nhập mặn gây hại, giờ thì những thảm cảnh trên không còn xảy ra.

Hiện nay, Bình Định chỉ còn cây lúa ở vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ là vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô. Bởi, vùng đất này không thể nhận nước từ hồ Định Bình do có đèo Nhông nằm giữa huyện Phù Mỹ ngăn cách, còn đưa nước từ hồ Đồng Mít vào thì có con đèo Phủ Cũ chặn lại.

Trong khi hồ chứa nước Đồng Mít có dung tích chứa đến gần 90 triệu khối, hiện mới chỉ khai thác khoảng 40% là đã hết nhu cầu, hồ này còn thừa rất nhiều nước. Hiện, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng ngành chức năng đang nghiên cứu phương cách đưa nước từ hồ Định Bình từ phía Nam ra bổ sung nước cho vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ hoặc đưa nước từ hồ Đồng Mít từ phía Bắc vào bổ sung.

Nguồn nước của hồ Đồng Mít càng được phát huy hiệu quả khi nhà máy gang thép Long Sơn hình thành tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn), vùng hạ du của hồ Đồng Mít. Sản xuất gang thép cần phải sử dụng nguồn nước rất lớn, trong khi hồ Đồng Mít có dung tích chứa gần 90 triệu khối nước, sau khi cung cấp nước tưới cho nông nghiệp của huyện An Lão và thị xã Hoài Nhơn xong vẫn còn thừa hơn 50% lượng nước. Khi nhà máy gang thép Long Sơn đi vào hoạt động thì hồ chứa nước Đồng Mít sẽ phát huy hết công suất.

Sau cơn lũ kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 2013, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định khi ấy quá nóng ruột, nên có văn bản gửi Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đề nghị xem xét lại dung tích phòng lũ của hồ chứa nước Định Bình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, đầu nguồn hệ thống sông Kôn. Trong 10 năm gần đây Bình Định hứng chịu 2 cơn lũ lịch sử, 1 cơn xảy ra vào mùa mưa năm 2013 và 1 cơn xảy ra vào mùa mưa năm 2016. 2 cơn lũ nói trên có mực lũ tương đương với nhau, nhưng cơn lũ năm 2016 thời gian kéo dài mới lập đỉnh lũ, còn cơn lũ năm 2013 quá khốc liệt, chỉ tích tắc là vùng hạ du ngập ngụa nước.

Còn nhớ, chiều hôm ấy, chúng tôi về huyện Tây Sơn công tác, đang ngồi tại Văn phòng UBND huyện thì nghe lũ xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Do không dự kiến đi công tác dài ngày nên anh em không mang theo quần áo dự phòng, nghe lũ xảy ra trên thượng nguồn, 4 anh em đồng nghiệp bàn tính ra siêu thị huyện Tây Sơn mua tạm đồ để bám trụ địa bàn làm thông tin lũ. Mới bàn tán xong nhìn ra thì thấy sân UBND huyện Tây Sơn nước đã dâng cao gần 1 mét, chúng tôi đành thúc thủ, chấp nhận mấy ngày lặn lội trong mưa lũ với 1 bộ đồ.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định chia sẻ về hiệu quả đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước. Video: Phương Chi.

Sau đợt lũ năm 2013, Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định có báo cáo trình Sở NN-PTNT xem xét lại dung tích phòng lũ của hồ Định Bình. Cường suất lũ năm 2013 rất lớn, trong khi dung tích phòng lũ của hồ Định Bình không có, nếu không nâng dung tích phòng lũ của hồ này lên thì người dân vùng hạ du còn chịu ngập ngụa trong lũ dài dài. Sau đó, Sở NN-PTNT cũng đã đề xuất với Tổng cục Thủy lợi tăng dung tích phòng lũ cho hồ Định Bình.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, việc nâng dung tích phòng lũ cho hồ Định Bình đã được Bộ NN-PTNT đưa vào quy hoạch. Vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã cho cơ quan chuyên môn vào Bình Định tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện rồi mới lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ.

“Việc nâng dung tích phòng lũ cho hồ Định Bình được đưa vào quy hoạch đã là niềm vui lớn của ngành thủy lợi Bình Định. Khi hồ Định Bình được nâng dung tích phòng lũ, các địa phường nằm về phía hạ du hệ thống sông Kôn như các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và 1 phần của thành phố Quy Nhơn sẽ thoát cảnh “giặc nước” gây hại, nhờ hồ Định Bình giữ lượng nước lũ lại trong hồ nhiều hơn trước đây. Đó là chưa kể tỉnh Bình Định có thêm lượng nước lớn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân và chuyển nước bổ sung cho vùng hạn phía Bắc huyện Phù Mỹ”, ông Hồ Đắc Chương minh họa viễn cảnh tươi đẹp sau khi hồ chứa nước Định Bình được nâng cao dung tích phòng lũ.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định, đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án, 1 là nâng chiều cao đập thêm 10 mét hoặc 15 mét nữa, nhưng nếu nâng chiều cao đập lên thêm 15 mét thì sẽ đụng đến nhiều diện tích rừng tự nhiên. Do đó, phương án nâng chiều cao đập thêm 10 mét có lẽ sẽ được lựa chọn. Hiện nay dung tích chứa theo thiết kế của hồ Định Bình là 226 triệu khối nước, nếu chiều cao đập nâng thêm 10 mét nữa thì dung tích chứa của hồ này được tăng lên thêm 150 triệu khối nước, vị chi hồ Định Bình sau này có dung tích chứa đến 376 triệu khối nước.

“Nếu hồ chứa nước Định Bình được nâng thêm chiều cao đập lên 10 mét, 150 triệu khối nước tăng thêm đó là dung tích phòng lũ của hồ. Khi dung tích chứa của hồ Định Bình tăng lên 376 triệu khối thì năng lực cung cấp nước tưới của hồ này được tăng thêm đáng kể, tăng thêm khả năng giải quyết nhu cầu sử dụng nước của sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân và các ngành kinh tế khác”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

Khi hồ Định Bình được nâng dung tích phòng lũ, địa phương hưởng lợi nhiều nhất là huyện Tuy Phước, nơi được mệnh danh là “cái túi đựng nước” của tỉnh Bình Định.

“2 năm qua, nhờ ngành chức năng thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa hợp lý, nên ở Tuy Phước không còn xảy ra những đợt lũ kinh hoàng như trước đây, nước về chỉ ở mức xấp xỉ báo động 3 nên rất an toàn. Nếu hồ Định Bình được nâng dung tích phòng lũ, chắc chắn vùng trũng huyện Tuy Phước sẽ được cắt lũ tốt hơn”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước chia sẻ.

Đình Thung - Phương Chi
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Phương Chi
Phương Chi