| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản hồ chứa: Thủ tục cấp phép phức tạp

Thứ Ba 07/11/2023 , 13:29 (GMT+7)

Khó khăn khi cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện đang khiến hoạt động nuôi, trồng thủy sản tại nhiều địa phương ngưng trệ.

Hiện nay, hoạt động nuôi, trồng thủy sản (NTTS) trên hồ chứa có đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh dinh dưỡng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh có lợi thế, việc phát triển hoạt động này vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT Điện Biên, việc cấp phép, cho chủ trương đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện đang còn bất cập. Ảnh: TL.

Theo Sở NN-PTNT Điện Biên, việc cấp phép, cho chủ trương đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện đang còn bất cập. Ảnh: TL.

Theo Sở NN-PTNT Điện Biên, đối với hoạt động NTTS lòng hồ thủy điện, việc quản lý, khai thác công trình hồ thủy điện do ngành công thương quản lý. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương nên việc cấp phép, cho chủ trương đầu tư phát triển NTTS trên hồ thủy điện đang còn bất cập.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản (2017), các cơ sở NTTS phải đăng ký đối với hình thức NTTS lồng bè và điểm b Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định hồ sơ cấp giấy xác nhận phải có giấy tờ giao quyền sử dụng của đơn vị quản lý vùng nuôi. Tuy nhiên, do cơ quan quản lý các khu vực này là Văn phòng Thủy điện Sơn La (đặt tại Sơn La) cách xa về địa lý nên khó khăn cho các hộ nuôi thủy sản lồng, bè khi làm thủ tục.

Đối với hoạt động NTTS trong các hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa thủy lợi đều ưu tiên cho hoạt động thủy nông, theo mùa vụ sản xuất của cây trồng (lúa nước). Cho nên, thời gian từ tháng 3-6 hàng năm nước các hồ chứa cạn ở mức thấp nhất do phải xả nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuẩn bị đón lũ. Do đó, nhiều cơ sở nuôi thủy sản lồng, bè hồ chứa phải tạm dừng hoặc chỉ nuôi duy trì. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng NTTS và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Điển hình như hồ Hồng Sạt, Na Hươm, Pe Luông chỉ nuôi được 1 vụ/năm (từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau).

Tại tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 279 hồ chứa (diện tích từ 1 ha trở lên) với tổng diện tích mặt nước hơn 18.600 ha. Trong đó, 255 hồ chứa thủy lợi có diện tích khoảng 3.700 ha; 24 hồ chứa thủy điện lớn, nhỏ diện tích khoảng 14.900 ha. Hiện nay, việc phát triển NTTS hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn trong việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện.

Cụ thể, đối với hoạt động NTTS trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải được cấp phép theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018. Đối với hoạt động NTTS trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện phải có giấy phép hoạt động theo quy định tại điểm h khoản 1 và khoản 3 Điều 22 của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Việc phát triển NTTS hồ chứa vẫn gặp khó khăn do việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện. Ảnh: Trung Quân.

Việc phát triển NTTS hồ chứa vẫn gặp khó khăn do việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó, hồ đập thông thường thuộc thẩm quyền của Sở Công thương. Đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt được quy định tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt (tỉnh Đắk Nông có hồ thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4) thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương. Hoạt động NTTS trên sông được thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng.

Tuy nhiên, thủ tục cấp phép đối với hoạt động NTTS trong phạm vi hồ chứa thủy lợi, thủy điện và trên các sông, suối khá phức tạp. Do đó, các cơ sở nuôi chưa đủ điều kiện (thành phần hồ sơ) để thực hiện đăng ký cấp giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian qua, nhiều hồ thủy lợi đã được các địa phương khai thác thành điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng ven hồ, du lịch sinh thái, trải nghiệm, thể thao, giải trí... để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Hoạt động du lịch tại khu vực lòng hồ thường bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ nên hiệu quả khai thác hạn chế. Ảnh: Đào Thanh.

Hoạt động du lịch tại khu vực lòng hồ thường bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ nên hiệu quả khai thác hạn chế. Ảnh: Đào Thanh.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại khu vực lòng hồ thường bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ nên hiệu quả khai thác hạn chế. Thông thường chỉ đông khách vào dịp lễ hội, khi có các sự kiện lớn trong năm hoặc thời tiết thuận lợi. Vào mùa mưa, tàu thuyền đi lại khó khăn do nước lớn, sóng to. Mùa khô mực nước xuống thấp, cảnh quan thiên nhiên không hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực NTTS chưa thực sự trở thành điểm du lịch có thể cung cấp chuỗi các dịch vụ (tham quan, học hỏi, trải nghiệm, thưởng thức, mua sắm...); chưa xây dựng được “câu chuyện” về sản vật lòng hồ để tạo sức hút cho khách du lịch…

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.