| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình nuôi cá truyền thống nên sức cạnh tranh hạn chế

Thứ Tư 01/11/2023 , 09:44 (GMT+7)

Hòa Bình cần xác định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm…

Hòa Bình có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản với hơn 14.000ha mặt nước, 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Hòa Bình có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản với hơn 14.000ha mặt nước, 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản với hơn 14.000ha mặt nước, 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ (49 hồ dung tích từ 3-10 triệu m3; 151 hồ từ 0,5-3 triệu m3; 273 hồ từ 0,05-0,5 triệu m3; 70 hồ dưới 50.000 m3), phân bố trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh.

Các hồ chứa ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, công nghiệp… nên nguồn nước luôn được đảm bảo. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển.

Theo Sở NN-PTNT Hòa Bình, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có gần 5.000 lồng, bè nuôi cá. Sản lượng thu hoạch hằng năm trên 7.000 tấn. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa đạt hơn 9.000 tấn (104% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra). Tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn nhiệu cá sông Đà - Hòa Bình, tôm sông Đà - Hòa Bình (gồm cả khai thác và nuôi trồng).

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình cho biết, trong bối cảnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, yêu cầu của thị trường tăng cao… đòi hỏi ngành thủy sản phải tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với khẳng định thương hiệu. Xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với HTX, hộ nuôi để thuận lợi tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, hình thành vùng nuôi tập trung cung cấp nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Để làm được điều này, tỉnh đặt ra mục tiêu, năm 2024 tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 4,5%. Diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định 2.700 ha với 4.900 lồng nuôi. Sản lượng đạt 12.400 tấn (khai thác 2.400 tấn, nuôi trồng 10.000 tấn). Sản xuất và ương dưỡng trên 100 triệu con giống thủy sản.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, tiếp tục đưa vào khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích mặt nước hồ chứa bằng các đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp. Chú trọng nuôi thâm canh, bán thâm canh các đối tượng thủy, đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác tiềm năng du lịch. Đến năm 2030, diện tích nuôi ao hồ nhỏ, hồ chứa thủy lợi đạt 3.000ha với 7.000 lồng, bè nuôi cá. Sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 16.000 tấn/năm (nuôi trồng đạt 14.000 tấn, khai thác 2.000 tấn).

Theo Cục Thủy sản, Hòa Bình cần khẩn trương phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Ảnh: Trung Quân.

Theo Cục Thủy sản, Hòa Bình cần khẩn trương phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Ảnh: Trung Quân.

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), bên cạnh những giải pháp chung đối với phát triển nuôi, trồng thuỷ sản hồ chứa trên cả nước, tỉnh Hòa Bình cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương có số lượng hồ chứa lớn nhất cả nước. Trong đó, khẩn trương phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng, bè tập trung trên hồ Hòa Bình (xây dựng mô hình nuôi công nghệ cao sử dụng vật liệu lồng bè thân thiện với môi trường, trung tâm giống, hạ tầng giao thông, bến thuyền…). Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi, thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất thủy sản. Tổ chức sắp xếp hiệu quả khu vực lồng bè nuôi, trồng thủy sản gắn với các điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình.

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFISH) cho rằng, để hoạt động nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển, trong đa dạng các loài nuôi phải xác định được đối tượng nuôi chủ lực. Hiện tại, hầu hết các cơ sở chủ yếu tập trung vào những loại cá truyền thống, dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm bị hạn chế, không thu hút được các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đồng hành.

Để hoạt động nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển, phải xác định được đối tượng nuôi chủ lực. Ảnh: Trung Quân.

Để hoạt động nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển, phải xác định được đối tượng nuôi chủ lực. Ảnh: Trung Quân.

“Bên cạnh các loại cá truyền thống như lăng, chiên, trắm, chép, rô phi có thể nghiên cứu nuôi chạch chấu, lươn, cá mè… Đây là những đối tượng nuôi vừa có thể phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc... Ngoài ra, thử nghiệm nhập các giống trong nước không có nhưng nhu cầu của thị trường xuất khẩu lớn về nuôi, làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng”, ông Lê Thanh Lựu gợi mở.

Cũng theo ông Lựu, về lâu dài, tỉnh nên xem xét ban hành cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng được nhà máy chế biến sâu sản phẩm thịt cá. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ chế biến các phụ phẩm từ cá (da, mỡ, xương, vảy) thành các loại sản phẩm cao cấp như dầu cá, collagen… có giá trị thương mại cao. Từ đó, kích cầu sản xuất, từng bước hình thành ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản lòng hồ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.