| Hotline: 0983.970.780

Nỗi nhớ mùa đông trong mênh mông kỷ niệm

Thứ Bảy 21/11/2020 , 13:10 (GMT+7)

Ôi mùa đông Hà Nội. Nhớ những người con Hà Nội đã làm nên một tuyệt phẩm 'Nỗi nhớ mùa đông' giữa Sài Gòn.

Sài Gòn nắng đẹp, bỗng nhớ Hà Nội đến thế. Và bỗng nhớ chị Mai Hương - tức nhà thơ Thảo Phương với những câu thơ: "Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/Để nghe chuông chiều xa vắng/Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về…”

Nhớ hồi tuổi thơ, tôi ở khu tập thể Bộ Tài chính, số 1 Lê Phụng Hiểu- Hà Nội. Bạn tuổi thơ đánh bi đánh đáo có mấy thằng chơi với nhau như: Tôn, Viễn què, Dương điên, Dũng bủng…

Dũng bủng là con cô Mai ở khu dưới, nó có 4 chị em sau nó là thằng Đồng Trí, Đồng Tiến. Trên nó là chị Mai Hương. Chị Mai Hương gày gò, khẳng khiu, nhưng bố mẹ bận việc nên 1 mình chị lo tất tật việc nhà, từ nhặt rau nấu cơm cho tới chăm sóc quát tháo các em… Chiến tranh, sơ tán, mỗi người đi mỗi ngả...

Bẵng đi nhiều năm, trong một lần lên Đà Lạt sau giải phóng, bất chợt tôi gặp chị. Thì ra sau khi đi học Hungary về, chị lên dạy ở trường Đại học Đà Lạt. Chị đã có chồng có con, và vẫn khẳng khiu như trước. Đà Lạt đầy sương, như mùa đông phía bắc.

Hai chị em ngồi với nhau nhấm nháp ly cà phê, nói biết bao điều không dứt về mùa đông Hà Nội, về khu nhà số 1 Lê Phụng Hiểu tuổi thơ. Rồi chị với một giọng nói như thơ, kể cho thằng em nghe về những mối tình đã qua. Khiếp, nhiều thế hả chị, mà sao mối tình nào cũng nồng nàn thế hả chị?

Rồi một lần một người ca sỹ bạn thân của tôi là Ngọc Tân, rủ tôi đến nhà hát Bến Thành để xem show mới của anh, có bài hát “Nỗi nhớ mùa đông” mà anh nói da diết lắm, hát mà cứ trào nước mắt.

Ngọc Tân là người rất yêu mùa đông Hà Nội. Tôi nhớ những đêm đi diễn về, chúng tôi hai tay xoa vào nhau đưa lên miệng bốc khói hít hà , khói bay mờ ảo trên mắt, rồi vào Nam Ngư ăn một bát phở nóng tương ớt cay xè như có cả mùa hè chói chang nơi đầu lưỡi

Anh bảo anh yêu nhất Hà nội vì những đêm mùa đông ấy! “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi" (Nhạc Phú Quang, thơ Thảo Phương). Phải nói thật đêm ấy Ngọc Tân hát hay lắm.

Bao nhiều dòng nước mắt lăn trên má những người con Hà Nội xa quê vào sinh sống đất phương Nam ngập tràn ánh nắng.. mà như thấy càng yêu hơn Hà nội, yêu cây bàng lá đỏ trước sân,yêu cơn gió lạnh rít qua khe cửa, yêu tất tần tật cả đất trời mùa đông Hà Nội… Thế mà tất cả đã xa, tất cả như đã bỏ mình đi mất. “Làm sao trở lại mùa đông/Mùa thu cây cầu đã gãy.…”.

Với Hà nội, ta yêu, nhưng đã không thể trở lại, cũng như vậy với tình yêu đã mất đi rồi, dù còn bao nuối tiếc vấn vương mà như cây cầu kia đã gãy, có nối nhịp lại được chăng?

Ngay sau khi bài hát dứt, nhiều người chạy lên sân khấu tặng hoa và ôm hôn Ngọc Tân. Chỉ có một người thiếu phụ ngồi hàng ghế đầu bất động, cứ ngồi ôm hoa trong tay bất động.

Cho đến khi đêm diễn tan, chị như mới bừng tỉnh, hốt hoảng chạy ra hàng lang đón Ngọc Tân và trao bó hoa muộn màng vào tay anh…”Chị Mai Hương!”, tôi thốt lên.

Ngọc Tân ngạc nhiên hỏi tôi. Đây chính là nhà thơ Thảo Phương, tác giả lời bài hát Nỗi nhớ mùa đông mà? Chị Mai Hương phân trần: Mai Hương là tên ngoài đời của em, anh Ngọc Tân ạ. Xin tặng anh bó hoa của em. Cảm ơn anh đã hát rất hay, rất xúc động.

Một dòng nước mắt bỗng chảy thành vệt trên má chị Mai Hương. Ngọc Tân xúc động: “Lúc trên sân khấu, khi bạn bè tặng hoa, tôi đã nhìn quanh xem chị ngồi ở đâu để mang hoa xuống tặng chị, nhưng thú thực do mắt tôi cận nặng quá, nên tôi không tìm thấy chị đâu cả. Mong chị thứ lỗi”. Ngọc Tân nói với nhà thơ Thảo Phương đầy áy náy…

Bấy giờ tôi mới biết, chị Mai Hương, cô giáo Mai Hương khẳng khiu ngày xưa, bây giờ là nhà thơ Thảo Phương, là tác giả phần lời bài hát rất xúc động “Nỗi nhớ mùa đông” mà bạn tôi vừa hát.

Tôi nói với chị: “Khi nào chị tặng em một tập thơ của chị nhé”.Chị bảo tất nhiên rồi, chị in ba tập thơ rồi,và cuộc đời chị nay là của thơ ca rồi.

Một thời gian ngắn sau, chưa được nhận tập thơ chị tặng, tôi nghe tin chị mất, mới ngoài tuổi 50 đã mất. Thương hơn là chị phải ra đi với trái tim đơn côi “Làm sao về lại mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gẫy”. Những mối tình chị từng kể tôi nghe năm xưa, đều đã như những nhịp cầu gẫy đổ, để rồi mãi mãi là niềm tiếc thương, mãi mãi chị cứ phải tự an ủi mình: “Vờ như mùa đông đã về”.

Ôi mùa đông Hà Nội. Nhớ những người con Hà Nội đã làm nên một tuyệt phẩm “Nỗi nhớ mùa đông” giữa Sài Gòn.

Một hôm tôi nhận được một cú điện thoại. Người đầu giây là em của chị Mai Hương- nhà thơ Thảo Phương: “Mẹ em đoc bài anh viết về chị Mai Hương, mẹ em cảm động lắm và gửi lời cám ơn anh”.

Thú thực tôi lặng người đi ở đầu giây. Có chút áy náy.. không biết bài viết của tôi có dậy lên nỗi nhớ con thăm thẳm của người mẹ ấy không. Cô Mai cũng đã 90 tuổi, dù có những hạnh phúc, có những người con rất thành đạt như Đồng Tiến làm đến Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng cũng lại chỉ có người con gái độc nhất là chị Mai Hương bỗng dính vào nghiệp văn thơ. Tài hoa đấy,nhưng lại đa đoan, vất vả quá. Lại sớm đi xa. Bởi thế cô Mai lại càng thương nhớ chị hơn...

"Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi…" Hạnh phúc - niềm khát khao vô bờ bến của con người... Thực sự cuộc đời này, đã mấy ai hạnh phúc vẹn tròn, chị Mai Hương - Thảo Phương nhỉ?

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa làm Chủ tịch Hội văn nghệ Tiền Giang

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa đắc cử Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành người trẻ nhất cả nước giữ vị trí lãnh đạo văn nghệ địa phương.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm