Từ đầu năm 2024 đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 trên địa bàn Thành phố dự kiến tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, xuất khẩu nông lâm sản của Hà Nội đạt 2,024 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, số huyện NTM nâng cao, số xã NTM nâng cao, số xã NTM kiều mẫu đều vượt chỉ tiêu kế hoạch và về đích trước một năm. Số lượng sản phẩm OCOP vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, về đích trước một năm, tiếp tục dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, hai làng nghề đầu tiên của Hà Nội cũng như của Việt Nam là làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.
Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn có những khó khăn, thách thức như: diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi giá cả các sản phẩm chăn nuôi và con giống liên tục biến động, không ổn định. Thêm vào đó, vấn đề con giống chất lượng cao trong lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế. Cơn bão số 3 vừa qua đã làm thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, để lại nhiều khó khăn cho người dân và các cơ sở sản xuất trong việc phục hồi và duy trì sản xuất.
Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại xác định, định hướng của Sở trong năm 2025 là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn liền với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, có giá trị cao và bền vững. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với việc hiện đại hóa nông thôn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Sở NN-PTNT Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, cũng như sản xuất nông sản sạch và hữu cơ, các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng các loại hình doanh nghiệp nông thôn, khuyến khích hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái”, ông Đại cho biết.
Trong năm 2025, Sở NN-PTNT Hà Nội thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nâng cao dự báo thị trường và phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Về công tác phòng, chống thiên tai, đại diện Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra và nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, hệ thống đê kè, đảm bảo khả năng chống chịu với thiên tai. Cùng với đó, sớm xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch phòng chống thiên tai để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong mùa mưa bão.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống thiên tai, đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng giảm nhẹ thiên tai và phòng tránh, giúp người dân thông thạo các kĩ năng cơ bản để hành động kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà ngành NN-PTNT đạt được trong năm 2024. Ông Quyền đề nghị, ngành NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó hình thành chuỗi nông nghiệp đa giá trị, đa mục tiêu.
"Hiện nay, Hà Nội đã định hình các vùng phát triển trong lĩnh vực trồng trọt, tới đây, chúng ta cần đầu tư chuyên sâu hơn, hướng tới nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, tạo ra những mô hình nông nghiệp chất lượng cao, không chỉ mang lại giá trị cao cho người dân mà còn đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần thực hiện một cách hợp lý để người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức ngành NN-PTNT cần hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học để nghiên cứu và phát triển các giống gạo mới phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình và nhu cầu của người dân Thủ đô.