| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Thứ Năm 09/01/2025 , 16:01 (GMT+7)

Sáng 9/1, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2025.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng phát biểu tại Hội nghị.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội cho biết, năm 2024, toàn thành phố có 6.736 trang trại quy mô lớn, vừa, nhỏ và 152.325 hộ chăn nuôi, với tổng số 1,49 triệu con lợn, 42,28 triệu con gia cầm, 29.600 con trâu, 124.080 con bò; 5 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 111 cơ sở sản xuất, buôn bán thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản; 16.471 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó có 12.920 cơ sở ký cam kết an toàn thực phẩm, đạt 78,5%; có 69 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã và đang áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) với tổng diện tích 510ha; 128 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, 39 hợp tác xã thủy sản với tổng diện tích mặt nước 1.337ha; 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sinh vật làm cảnh.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 912 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 561 cơ sở buôn bán thuốc thú y; 158 cơ sở chẩn đoán bệnh động vật, xét nghiệm, phẫu thuật động vật (phòng khám thú y), trong đó có 139 cơ sở đã được Chi cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; có 718 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và động vật khác, trong đó có 10 cơ sở giết mổ theo dây chuyền, 54 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 654 cơ sở giết mổ thủ công; 339 cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm, công suất ấp nở khoảng 10 triệu con/tháng.

Chi cục cũng chủ động tham mưu, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm như phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; quản lý thuốc thú y, khai thác thủy sản; tái cấu trúc ngành chăn nuôi; xây dựng bộ máy tổ chức; thanh tra chuyên ngành và thực hiện chính sách cho người lao động.

Về quản lý dịch bệnh, một số ổ dịch bệnh dại, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở phạm vi nhỏ, được phát hiện, khoanh vùng khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Trong đó, công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt với 720 mẫu cúm gia cầm và 750 mẫu DTLCP ngoài môi trường; tỷ lệ bảo hộ vắc xin đạt trên 73%. Toàn thành phố tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch, bệnh lở mồm long móng trâu bò cho 283.202 lượt con, đạt 86,6% kế hoạch; tiêm vắc xin lở mồm, long móng, dịch tả, tai xanh lợn cho hơn 785.330 lượt con, đạt 85,4% kế hoạch; tiêm vắc xin cúm gia cầm cho 28.288.415 lượt con gia cầm, đạt 93,7%; tiêm vắc xin dại chó mèo cho 429.014 lượt con, đạt 104% kế hoạch.

Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc thực hiện 4 đợt chính, xử lý trên 222 triệu m², với 140.093 lít/kg hóa chất.

Về an toàn thực phẩm, 38 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện; kiểm tra 600 mẫu thịt, 24,67% vượt ngưỡng vi sinh. Chi cục cũng phối hợp tuyên truyền, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đến nay, thành phố có 32 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 12 quận được công nhận vùng an toàn dịch bệnh dại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường biểu dương những kết quả mà Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã đạt được trong năm 2024, đồng thời đề nghị năm 2025 Chi cục tiếp tục quản lý chặt chẽ chuyên ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y; phát triển giống thủy sản, cá cảnh; rà soát vùng nuôi trồng, khai thác thủy sản; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và vùng an toàn bệnh dại; thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh vật nuôi, thủy sản, giữ ổn định tình hình dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã đạt được trong năm 2024.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã đạt được trong năm 2024.

Về phương hướng hoạt động năm 2025, Chi Cục trưởng Nguyễn Đình Đảng chia sẻ, năm 2025, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội sẽ tập trung vào việc tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiệu năng trong quản lý chuyên môn. Qua đó, tiếp tục giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng, kiểm soát vệ sinh thú y, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và đẩy mạnh mạng lưới giết mổ tập trung.

Đặc biệt công tác thủy sản sẽ chú trọng kiểm tra giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Chi cục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, và an toàn thực phẩm; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. 

Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND Thành phố để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Xem thêm
Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Mãn nhãn những vườn táo trĩu quả bên dòng sông La

HÀ TĨNH Vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả bên bờ sông La Giang được nhiều hộ dân chuyển đổi trồng táo cho quả trĩu cành, đem lại thu nhập cao mỗi dịp Tết đến.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.