| Hotline: 0983.970.780

Nông sản - hình ảnh quốc gia

Thứ Hai 02/09/2024 , 09:51 (GMT+7)

Nhiều bạn bè quốc tế khi nhắc đến Việt Nam là nghĩ ngay đến một đất nước trù phú, với nhiều nông đặc sản ngon, xuất khẩu đến khắp nơi trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Trí Dũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Trí Dũng.

Tự hào nông sản Việt

Với vai trò và vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được nâng cao, quan hệ với các quốc gia liên tục được mở rộng, việc “tặng gì cho thế giới” ngày càng trở nên cấp thiết. Món quà tặng không chỉ là cách biểu hiện thái độ, tình cảm mà ẩn chứa trong đó còn là những thông điệp ngoại giao.

Là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam thời gian gần đây đã từng bước giới thiệu mặt hàng này với bạn bè thế giới. Trong buổi tiếp đón Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 5/2016, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng ông một chiếc hộp cách điệu hình trống đồng, bên trong là những hạt lúa giống. Hoặc phổ biến hơn là những hộp cà phê, thường được các đại sứ quán nước ta lựa chọn để cảm ơn đối tác có quan hệ công việc.

Thế giới đang trải qua nhiều thách thức, từ dư âm của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, đến những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh khiến vai trò của an ninh lương thực càng trở nên quan trọng. Trong bối cảnh ấy, giao thương nông sản trở thành mối quan tâm chung của nhiều quốc gia.

Còn nhớ vào tháng 11/2021, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro đã tặng người đứng đầu Chính phủ Việt Nam quýt Unshu, như một lời tri ân khi Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép nhập khẩu cho nông sản này.

Nhắc lại kỷ niệm này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận: “Có nhiều cảm xúc đối với một đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới nhưng vẫn chú trọng đến phát triển nông nghiệp”. Bộ trưởng mong muốn, nông sản Việt vươn cao, bay xa hơn bằng tưởng tượng một buổi sáng ở quốc gia nào đó, người ta ăn cơm sẽ nói đây là gạo Việt Nam, ăn cá, ăn xoài sẽ nói đây là là cá, là xoài của Việt Nam.

“Chữ Việt Nam sẽ vang lên ở từng quốc gia thế giới trong ngôi nhà 8 tỷ người này", vị tư lệnh ngành bày tỏ và đề nghị cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức, cá nhân cùng tăng cường quảng bá hình ảnh nông sản “vì hình ảnh đất nước, hình ảnh nông dân Việt Nam”, chứ không đơn thuần dừng lại ở giá trị xuất khẩu liên tục tăng qua từng năm (đạt trên 53 tỷ USD vào năm 2023).

Niềm tự hào về chất lượng, thương hiệu nông sản tiếp tục được lãnh đạo Bộ NN-PTNT thể hiện trong các phát biểu. Tại buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 8/2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ: “Chúng ta phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho người nông dân”.

Trước đó, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ sự trăn trở với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và kêu gọi các bên liên quan cần có những thích ứng linh hoạt để không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo một hệ sinh thái ổn định, an lành.

Với cà phê - một nông sản thế mạnh khác của Việt Nam, vị tư lệnh ngành cũng suy tư về “Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới”, dù rằng năng suất của nước ta đã gấp 3 lần mức bình quân chung của toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ xuất khẩu quýt Unshu sang thị trường Việt Nam. Ảnh: Dương Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ xuất khẩu quýt Unshu sang thị trường Việt Nam. Ảnh: Dương Giang.

Thực tế, là việc tăng cường sử dụng nông sản làm quà tặng ngoại giao đã được Việt Nam chỉ rõ tại Quyết định số 919/2022/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao quan tâm xem xét sử dụng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia để làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động đối ngoại, các sự kiện cấp quốc gia, cấp ngành thuộc phạm vi phụ trách.

Một hạt lúa, một trái xoài nhỏ bé nhưng nếu được đặt đúng chỗ và tăng cường sự hiện diện khắp thế giới sẽ truyền tải đi nhiều thông điệp.

Châu Âu, thị trường được xem là khó tính bậc nhất thế giới, ngày càng ưa chuộng nông sản Việt. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thống kê, tính từ thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông sản sang EU tăng trung bình 15%/năm, liên tục qua 4 năm. Bên cạnh việc tận dụng những ưu đãi thuế quan về nguồn gốc xuất xứ, các nông sản như gạo ST25, thanh long và xoài cát Hòa Lộc hiện đều nằm trong nhóm sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia châu Âu. Nếu hỏi người tiêu dùng châu Âu, rằng “gạo ngon nhất thế giới là sản phẩm nào”, hẳn cái tên ST25 sẽ nằm trong số những phương án trả lời.

Thống kê hồi tháng 4/2024 của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan càng củng cố cho chất lượng nông sản Việt. Theo đó, Việt Nam đang là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm xoài đông lạnh, sầu riêng đông lạnh, chanh leo đông lạnh cho thị trường châu Âu, ngoài ra còn gạo, hạt điều và rau củ quả.

Dù xuất phát sau nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, đột phá của toàn ngành nông nghiệp, rất nhiều nông sản đã khẳng định được chỗ đứng trên trường quốc tế. Tiêu biểu gần đây có sầu riêng. Chỉ sau 2 năm được phép xuất chính ngạch sang Trung Quốc, Việt Nam chính thức soán ngôi Thái Lan, trở thành quốc gia xuất khẩu sầu riêng số một vào thị trường tỷ dân. Đó là kết quả rất đáng tự hào mà không phải quốc gia nào, mặt hàng nào cũng có thể làm được.

Đột phá từ những nghị định thư

Đóng góp không nhỏ vào kỳ tích xuất khẩu nông sản là việc ký kết các nghị định thư với thị trường truyền thống Trung Quốc. Tính đến nay, Việt Nam và phía bạn đã có hơn 20 nghị định thư, thỏa thuận ghi nhớ về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Hoạt động này được quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nổi bật là năm 2022, hai bên ký 4 nghị định thư về thí điểm xuất khẩu chanh leo, kiểm dịch sầu riêng tươi, chuối và khoai lang. Mới nhất, hai bên ký thêm 2 nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng đông lạnh và dừa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn trồng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn trồng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tùng Đinh.

Là văn kiện cụ thể hóa yêu cầu kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu, nghị định thư được xem như phương án “mở đường” tối ưu cho nông sản đến quốc gia đối tác nói riêng, cũng như chuỗi giá trị toàn cầu nói chung.

Quan trọng như vậy nên nghị định thư nhận sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, đồng thời liên tục xuất hiện trong các chương trình nghị sự cấp cao. Vừa qua, nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hai bên đã ký 3 nghị định thư, trong đó có 2 thuộc lĩnh vực nông sản. Khắp nơi, từ người nông dân, HTX, doanh nghiệp đến hiệp hội, ngành hàng hồ hởi đón nhận tin vui, coi đó như một động lực mới thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nông sản.

Tuy nhiên, hoàn tất các thủ tục ký nghị định thư cần nhiều thời gian và công sức. Lấy ví dụ về nghị định thư vừa ký về kiểm dịch sầu riêng đông lạnh, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt thông tin, phía Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, rà soát nhu cầu của doanh nghiệp trong nước về mặt hàng này song song với quá trình đàm phán ký nghị định thư về kiểm dịch quả tươi (ký năm 2022). Đến tháng 3/2023, dựa trên mong muốn của doanh nghiệp 2 nước, Cục BVTV chính thức đề xuất mở cửa thị trường đối với sản phẩm sầu riêng đông lạnh. Hai tháng sau đó, Cục gửi mọi thông tin liên quan để Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại.

Sau nhiều vòng đàm phán về kỹ thuật, cuối năm 2023, hai bên xây dựng dự thảo Nghị định thư và lấy ý kiến góp ý của các Bộ, địa phương và tổ chức liên quan. Tới tháng 5/2024, hai bên đã thống nhất các nội dung trong nghị định thư. Cuối cùng, vào ngày 19/8/2024, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ NN-PTNT và GACC đã chính thức ký nghị định thư mở cửa cho mặt hàng này.

Từ lúc bắt đầu đề xuất đến khi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh chờ khoảng một năm rưỡi. Đó là khoảng thời gian tương đối nhanh so với một số nông sản khác, nhưng nhìn lại cả quá trình chuẩn bị từ lúc đề xuất sản phẩm tươi, tổng cộng phải mất 5-6 năm.

“Nghị định thư là kết quả của quá trình đàm phán liên tục, với nhiều phương án xử lý kỹ thuật yêu cầu tính linh hoạt rất cao”, ông Đạt chia sẻ và nói thêm, rằng việc đàm phán mở cửa thị trường là thông lệ chung trên toàn thế giới.

Thu hái cà phê - nông sản xuất khẩu chủ lực - trở thành công việc nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc. Ảnh: Trấn Long.

Thu hái cà phê - nông sản xuất khẩu chủ lực - trở thành công việc nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc. Ảnh: Trấn Long.

Là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải tuân thủ Hiệp định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS) mỗi khi xuất, nhập khẩu một loại nông sản mới. Ở đó, quốc gia nhập khẩu sẽ yêu cầu đánh giá nguy cơ dịch hại, cũng như các biện pháp kỹ thuật để phòng, tránh, xử lý các nguy cơ này. Đây là khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ và mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ. Quá trình này kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn.

Sau khi nước nhập khẩu công nhận tính hợp lệ của hồ sơ, họ sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại. Một số nông sản có khoảng 20-30 loại sinh vật gây hại, nhưng cũng có mặt hàng, danh sách sinh vật gây hại lên đến 100-200 loại. Càng nhiều đối tượng sinh vật gây hại trong hồ sơ, thời gian xem xét, đánh giá lại càng mất nhiều, đi kèm với đó là số lượng gia tăng của các biện pháp xử lý đối với từng đối tượng. Trong trường hợp cần thiết, quốc gia nhập khẩu thậm chí cử chuyên gia sang đánh giá, kiểm tra thực tế.

Hoàn thiện tất cả yêu cầu về kiểm dịch, lúc ấy Việt Nam mới có cơ sở ký nghị định thư (chủ yếu với Trung Quốc). Tuy nhiên, một số thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Australia... thường có thêm một bước nữa, là lấy ý kiến hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp của nước họ về sản phẩm chuẩn bị nhập khẩu. Đến khi không còn vướng mắc gì, nông sản Việt mới có thể đường hoàng “đem chuông đi đánh xứ người”.

Trong khoảng 20 năm bền bỉ mở cửa thị trường, công tác đàm phán kỹ thuật để ký nghị định thư chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng có lẽ chính bởi những điều khoản chặt chẽ, minh bạch và yêu cầu cao về chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc như vậy nên khi nghị định thư bước vào thực tế sản xuất, sức tăng trưởng trở nên rõ nét nhất là với mặt hàng rau quả. Từ giấc mơ 4 tỷ USD kéo dài hàng chục năm, kim ngạch rau quả Việt Nam đã vượt 5,6 tỷ USD vào năm 2023 và giờ tự tin hướng tới cột mốc 7 tỷ USD.

Cất cánh từ tái cơ cấu

Những thành tựu đáng tự hào kể trên được đặt nền móng từ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 899/2012/QĐ-TTg. Đề án nhấn mạnh việc tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, đồng thời hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường.

Thứ trưởng Hoàng Trung (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

8 năm sau, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định 255/2021/QĐ-TTg. Trong đó, nhấn mạnh việc tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Kế hoạch cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh phát triển nền sản xuất hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhìn nhận, Quyết định 255 đã nhắm trúng vấn đề tổ chức sản xuất trong tình hình mới. Thay vì ban hành các quy hoạch chuyên ngành cho từng sản phẩm như trước đây, kế hoạch giai đoạn mới đã cơ cấu nông sản thành 3 nhóm chính. Đó là: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.

“Nhóm nông sản chủ lực gồm lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau và sắn”, ông Cường cho biết và nhấn mạnh, lĩnh vực trồng trọt sẽ cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực xuống khoảng 35%, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 2,1%, cây công nghiệp lâu năm còn khoảng 14%, cây ăn quả lên 21%, rau 17%. Mục tiêu nhằm dồn nguồn lực, các cơ chế, chính sách và thu hút đầu tư cho những mặt hàng này.

Chia sẻ thêm về nhóm nông sản chính, ngành hàng có sức tăng trưởng nóng hiện nay, lãnh đạo Cục Trồng trọt thông tin, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì thực hiện, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm nông sản. Ngoài ra, Bộ đã trình và được phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực quốc gia đến năm 2030 gắn với truy xuất nguồn gốc, chế biến và thị trường tiêu thụ; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025 và 2030; Đề án phát triển ngành chế biến rau củ giai đoạn 2021 - 2030; Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030…

Nhờ một loạt văn bản quy phạm pháp luật rải khắp các lĩnh vực, ngành trồng trọt đã tái cơ cấu đi vào chiều sâu, theo ông Cường. Trong giai đoạn đầu, nền sản xuất tăng nhanh về số lượng, sau đó nâng cao dần chất lượng, gắn liền với đó là hình ảnh nông sản xuất khẩu. “Có thể nói rằng, nhiều bạn bè quốc tế khi nhắc đến Việt Nam là nghĩ ngay đến một đất nước trù phú, với nhiều nông đặc sản ngon, xuất khẩu đến khắp nơi trên thế giới”, ông bày tỏ.

Để xây chắc thương hiệu “xuất khẩu nông sản” cho nền nông nghiệp nước nhà, Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho rằng cần phải “xây từ móng”. Đầu tiên là đảm bảo được sự ổn định về số lượng, đồng đều về chất lượng, cũng như thống nhất về giá cả. Từ đó, doanh nghiệp, cơ quan quản lý phối hợp mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo lập một mặt hàng uy tín, giàu sức cạnh tranh, mang bản sắc của nông sản Việt.

“Nông sản đi tới đâu, hình ảnh, văn hóa của đất nước, con người Việt Nam sẽ đi tới đó”, ông Cường bộc bạch. Theo ông, các cấp, các ngành, địa phương và người dân cần nhận thức được rõ ràng điều này, trước khi bước vào tổ chức sản xuất, xây dựng vùng hàng hóa tập trung và hình thành những chuỗi liên kết. Đó cũng là lời giải cho vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tư duy buôn chuyến - vốn tồn tại như một căn bệnh trầm kha của ngành nông nghiệp nhiều năm qua.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung coi việc quản lý mã số vùng trồng như một biện pháp căn cơ để duy trì hình ảnh nông sản Việt. Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, sau khi được công nhận và cấp mã số, địa phương và doanh nghiệp, người dân phải duy trì được các điều kiện, quy định của nghị định thư để phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới vấn đề sản lượng. "Mã số cung cấp tối đa 500 tấn thì không thể đăng ký cho cả nghìn tấn nông sản được", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.

Nếu chạy theo lợi nhuận, những tổ chức, cá nhân như vậy có thể kéo cả ngành hàng đi xuống. Khi xảy ra vấn đề, các nước nhập khẩu quyết định đóng cửa hoặc tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến hình ảnh nông sản Việt.

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Tình quân dân ấm áp trong mùa mưa lũ

Trong lúc nguy nan nhất, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã lăn xả hết mình, không quản gian khổ, để trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân.