| Hotline: 0983.970.780

Phát huy hiệu quả kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Năm 16/11/2017 , 08:30 (GMT+7)

Dù mới được triển khai nhưng mô hình đã đem lại hiệu quả đáng kể, giúp duy trì nguồn tài chính bền vững cho người dân...

Để giúp người dân các xã thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hoá sử dụng hiệu quả hơn nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trong hơn 1 năm qua, dự án "Rừng & đồng bằng Việt Nam" đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá xây dựng thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý và sử dụng tiền DVMTR.

10-55-45_img_9515

Dù mới được triển khai nhưng mô hình đã đem lại hiệu quả đáng kể, giúp duy trì nguồn tài chính bền vững cho người dân và nâng cao hiệu quả bảo vệ phát triển rừng.
 

Sử dụng hiệu quả, bền vững

Nằm trong lưu vực của nhà máy thuỷ điện Cửa Đạt, hai xã Yên Nhân và Bát Mọt, đã nhận được nguồn tiền chi trả DVMTR từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu của chính sách đề ra là nhằm cải thiện chất lượng DVMTR và cải thiện sinh kế cho người dân bảo vệ rừng.

Nguyên nhân là do số tiền DVMTR của cộng đồng được chia đều cho các hộ, trung bình chỉ từ 100.000 - 250.000 đồng/hộ/năm. Với số tiền ít ỏi như vậy thì người dân chỉ có thể sử dụng vào mục đích tiêu dùng cho nhu cầu của gia đình, không thể đầu tư phát triển sinh kế.

Theo chị Đặng Thuý Nga, cán bộ của dự án, với mục tiêu nhằm tư vấn, giúp người dân xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch và khuyến khích tái đầu tư cho các nhóm hộ, cộng đồng thôn bản nhận tiền chi trả DVMTR, dự án đã hướng dẫn người dân của 5 thôn thuộc hai xã Yên Nhân và Bát Mọt xây dựng và vận hành quy chế thôn bản về sử dụng tiền chi trả DVMTR.

Dự án cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, tham quan và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để bảo đảm các thôn duy trì được dòng tiền bền vững, hiệu quả và người dân địa phương có động lực để tự tuần tra, bảo vệ rừng.

Theo ông Lê Công Cường, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá đánh giá thì đây là một mô hình tốt, bền vững cần được xem xét, nhân rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là đối với những nơi có đơn giá chi trả tiền DVMTR thấp hoặc chi trả theo nhóm hộ, cộng đồng.

Tuỳ vào điều kiện thực tế và nhu cầu thì mỗi thôn tham gia thí điểm tổ chức họp và tự bàn bạc, thống nhất quy chế sử dụng tiền DVMTR theo tỷ lệ trích lập và được UBND xã phê duyệt. Tiền trích lập được chia vào 3 quỹ: Quỹ tuần tra, bảo vệ rừng; quỹ sử dụng chung và quỹ tín dụng vi mô do Hội Phụ nữ tự quản. Việc chi tiêu từ các quỹ của thôn đều có kế hoạch và do người dân tham gia thảo luận, quyết định, được ghi chép vào sổ theo dõi, có chứng từ chứng minh và báo cáo tài chính công khai 2 năm/lần cho toàn dân.
 

Phát huy trách nhiệm bảo vệ rừng

Từ việc trích lập quỹ tuần tra, bảo vệ rừng các thôn đã có nguồn tiền chi trả cho các chi phí, thù lao cho thành viên Tổ Bảo lâm. Tiền công tuần tra, bảo vệ rừng sẽ được chi trả dựa trên ngày công được chấm và đơn giá ngày công đi tuần tra rừng từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày và 250.000 đến 300.000 đồng/ngày đêm.

Bên cạnh đó, quỹ cũng trích 3% trên tổng số tiền chi trả cho các tổ viên để trả công cho Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ Bảo lâm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ, huy động, giám sát các thành viên tham gia bảo vệ rừng. Với ít nhất 6 lượt tuần tra/tháng bằng máy định vị GPS và đều có biên bản kiểm tra an ninh rừng, tổ bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm địa bàn trong việc tuần tra, bảo vệ rừng.

Theo lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, nhờ có quy chế rõ ràng và được trả công xứng đáng nên việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng đặc dụng phòng hộ giao khoán cho người dân được thực hiện rất tốt. Theo tháng, quý và năm các thôn được giao khoán và các tổ bảo vệ rừng đều thực hiện xây dựng chương trình công tác và phương án, kế hoạch tổ chức truy quét các điểm khai thác, phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Việc huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần khi có tình huống chảy xảy ra cũng rất thuận lợi. Cùng với đó, thông qua các cuộc họp định kỳ của các quỹ, địa phương đã kết hợp tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng đến các hộ gia đình và cộng đồng.

Quỹ góp phần phát triển sản xuất

3 quỹ đi vào hoạt động tại 2 xã Yên Nhân, Bát Mọt đã trực tiếp góp phần tạo ra nguồn tài chính giúp các thôn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hoá, cứng hoá kênh mương nội đồng...

Quỹ cũng tạo ra nguồn vốn ngắn hạn, lãi suất thấp, dễ tiếp cận, không cần thế chấp với thủ tục và cách thức giải ngân đơn giản, nhanh chóng. Trong hơn 1 năm, tổng số tiền đã được vay trong 5 quỹ là 426.350.000 đồng, mức vốn vay trung bình 2,5 triệu đồng/hộ và số lượt tiếp cận vốn nhiều nhất là 5 lần/năm/người.

Người dân của 5 thôn đã có thể chủ động trong đầu tư phát triển sinh kế như mua lợn giống (35%), mua gà vịt, ngan giống (21%), trả tiền cho con đi học (11%), thêm tiền mua bò, trâu (7%), một số hộ khác mua chó, dê, nông cụ… phát triển sản xuất để tạo ra thu nhập.

QH - CTV

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất