| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: 'Hãy nhìn xa hơn là tính chuyện lỗ, lãi trước mắt'

Thứ Tư 01/01/2025 , 08:08 (GMT+7)

Các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng, nông sản Việt, đặc biệt là sầu riêng, có thể xác lập vị trí vững chãi ở thị trường tỷ dân, nếu đáp ứng tiêu chí kỹ thuật.

Ông Trương Nguyệt Lâm, Tổng Giám đốc Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa. Ảnh: Văn Việt.

Ông Trương Nguyệt Lâm, Tổng Giám đốc Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa. Ảnh: Văn Việt.

Cơ hội lớn tại phương Bắc

Hồi cuối tháng 9/2024, khi Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh, nhiều người dân tại Thủ đô của Trung Quốc đã kiên nhẫn xếp hàng chờ vài tiếng đồng hồ để mua sầu riêng Việt Nam. Trò chuyện với ông Trương Nguyệt Lâm, Tổng Giám đốc Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, Bắc Kinh, Báo Nông nghiệp Việt Nam được biết, rất nhiều người tiêu dùng trong số này không biết rằng Việt Nam có thể trồng sầu riêng.

“Bắc Kinh là đô thị quốc tế với khoảng 30 triệu người. Chúng tôi không ngại mua nông sản giá cao, vấn đề chỉ là chất lượng và sự ổn định. Hơn 20 năm kinh doanh nông sản, tôi tin rằng việc người dân xếp hàng đợi ăn sầu riêng Việt Nam trong cả 2 ngày triển lãm là chỉ dấu cực tốt để phát triển”, ông Trương chia sẻ.

Là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất tại Bắc Kinh, tổng lượng giao dịch nông sản mỗi năm ở Tân Phát Địa là hơn 15 triệu tấn, khối lượng giao dịch hơn 100 tỷ tệ (khoảng gần 15 tỷ USD). Chính bởi quy mô khổng lồ như vậy mà ông Trương cho rằng, sản lượng sầu riêng của Việt Nam “bao nhiêu cũng mua được”. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra, Việt Nam đến Tân Phát Địa hơi chậm bởi người Thái Lan, Malaysia đã làm thương hiệu ở đây từ rất lâu.

Một trong những khẩu hiệu của doanh nghiệp do ông Trương làm chủ là: “Tới Tân Phát Địa, ăn hết đồ trên thế giới”. Dựa trên quan điểm này, doanh nhân người Trung Quốc nói “sốt ruột” với sầu riêng Việt Nam - một loại trái cây có giá trị kinh tế cao bậc nhất, dự kiến mang về tới 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.

Điểm lợi của sầu riêng Việt Nam, ngoài khoảng cách địa lý và có thể rải vụ dài hơn các nước láng giềng, còn là Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, được ký giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vào tháng 8/2024. Văn kiện này mở ra bước ngoặt, giúp trái cây Việt Nam có thể đạt thêm 500 triệu USD kim ngạch mỗi năm.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao nhờ chất lượng và rải vụ dài hơn hẳn so với Thái Lan. Ảnh: Kim Anh.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao nhờ chất lượng và rải vụ dài hơn hẳn so với Thái Lan. Ảnh: Kim Anh.

Chưa hết, GACC tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng trái cây cấp đông. Cụ thể, mặt hàng này sẽ không còn thuộc diện quản lý kiểm dịch nhập khẩu. Quyết định này đồng nghĩa với việc trái cây đông lạnh từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có thể tự do thâm nhập thị trường Trung Quốc, mà không cần xin "Giấy phép kiểm dịch động vật và thực vật nhập khẩu".

Tuy nhiên, vì trái cây đông lạnh là sản phẩm ăn được nên cơ sở chế biến trái cây đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu và trình GACC xem xét, đăng ký trên cổng đăng ký CIFER. Cùng với đó, quốc gia xuất khẩu có trách nhiệm giám sát toàn bộ quy trình chế biến cấp đông và vận chuyển trái cây đông lạnh sang Trung Quốc.

Sáng kiến ​​này của GACC, theo ông Trương, vừa làm phong phú thêm chủng loại trái cây đông lạnh tại thị trường Trung Quốc, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về trái cây nhập khẩu đa dạng, chất lượng cao.

Sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội này, nhưng cần có tính cạnh tranh tốt hơn với hai đối thủ chính là Thái Lan và Malaysia. Thông qua cầu nối Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trương Nguyệt Lâm mong muốn kết nối với các nhà vườn uy tín. “Tôi nhấn mạnh rằng ở Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác, khách hàng chỉ cần chất lượng, không quá quan tâm đến giá cả. Người Trung Quốc có câu ‘Tiền nào, của nấy’. Qua được các hàng rào kỹ thuật, là khách hàng sẽ tới mua hết ngay”, ông bày tỏ.

Hợp tác cùng thắng

Năm 2022, ông Lâm Long Đức thắng lớn nhờ việc là doanh nghiệp đầu tiên của Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam. Giây phút lịch sử vào ngày 19/9, khi chiếc container chở sầu riêng lăn bánh qua biên giới hai nước đánh dấu thời khắc lịch sử cho xuất khẩu sầu riêng nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung. Từ 2,25 tỷ USD năm 2023, sầu riêng giờ đã vượt mốc 3 tỷ USD.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lâm thẳng thắn nói: “Malaysia và Thái Lan đã chia nhau giữ vững 2 vị trí dẫn đầu. Người tiêu dùng Trung Quốc cần thêm thời gian làm quen với sầu riêng Việt Nam. Vì thế, cần nhất bây giờ là chất lượng. Chỉ khi duy trì chất lượng ổn định, các bạn mới bền vững”.

Đi sâu vào thị trường Trung Quốc, doanh nhân họ Lâm thừa nhận, có nhiều phân khúc để sầu riêng Việt Nam chiếm lĩnh. Ông đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp Việt, là hãy nhìn xa hơn là tính chuyện lỗ, lãi trước mắt; đồng thời bộc lộ tin tưởng, rằng với chất lượng sẵn có cộng thêm sự ổn định tích lũy qua năm tháng, trái cây Việt Nam sẽ được khách hàng tự tìm đến.

Sầu riêng đông lạnh được cho là sẽ tạo sức bật mới cho mặt hàng rau quả. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sầu riêng đông lạnh được cho là sẽ tạo sức bật mới cho mặt hàng rau quả. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chia sẻ quan điểm này, ông Cố Triệu Học, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa nhận xét, trái cây Việt Nam chưa được phát triển đúng tầm. Nguyên do bởi doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chủ yếu mới đưa sản phẩm đến các tỉnh phía Nam như Quảng Tây, Vân Nam mà chưa thật sự chú ý đến thị trường miền Bắc Trung Quốc.

Theo nhà tư vấn nông sản, bỏ qua yếu tố về giao dịch hàng hóa của cư dân biên giới hai nước, khoảng cách địa lý, các vấn đề liên quan tới logistics, cũng như thông tin thị trường… có lẽ là những vấn đề với trái cây Việt Nam khi muốn tiến sâu vào nội địa Trung Quốc. Chính bởi sự vắng bóng của các sản phẩm Việt mà số người có thể phân biệt được sầu riêng Việt Nam với sầu riêng Thái Lan, Malaysia thuộc diện “đếm trên đầu ngón tay”, ngay cả tại Tân Phát Địa.

Thay vì loay hoay tự đi một mình, ông chủ họ Cố khuyên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, giúp rút ngắn các thủ tục, hạn chế rủi ro, cũng như nhanh chóng vượt qua những rào cản. “Chẳng có lý do gì Chile mang hoa quả sang bán ở Bắc Kinh được, còn Việt Nam gần hơn cả chục lần lại không thể”, ông nhìn nhận.

Ông Cố cũng lưu ý, việc thâm nhập thị trường phía Bắc Trung Quốc cần được phía Việt Nam tiến hành nhanh hơn, khi mà ngoài Thái Lan, Malaysia, sầu riêng Việt Nam rất có thể đón thêm những đối thủ mới từ Lào và Philippines.

Theo đó, Hiệp hội Sầu riêng Lào đang phát triển mạnh loại cây trồng kinh tế cao này, bao gồm 50ha đã cho thu hoạch. Dự kiến đến năm 2029, phía bạn sẽ thu hoạch thêm khoảng 1.000ha nữa. Với chi phí logistics và thời gian vận chuyển thấp hơn nhờ đường sắt cao tốc, sầu riêng Lào rõ ràng là một đối thủ tiềm năng. Ngoài ra, Philippines cũng đang nghiên cứu, đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xuất phát từ chính sách mới của GACC.

Ông Lưu Nam Tài, một doanh nghiệp logicstic tại Quảng Tây cho rằng, sầu riêng Việt Nam có thể tự tin mở rộng sản xuất. “Dù là sầu riêng hay bất cứ loại trái cây nào, nếu canh tác chuẩn theo Nghị định thư được ký giữa hai nước, sẽ không bao giờ có chuyện giải cứu”, ông nhấn mạnh.

Xem thêm
Siêu thị phủ kín hàng Tết, nhiều khuyến mãi khủng

Trước thềm năm mới 2025, sức mua tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM khá nhộn nhịp, nhất là hàng Tết.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Agribank Cần Thơ trao thưởng ‘Mở tài khoản Plus, đón vạn đặc quyền’

Ngày 30/12, Agribank chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức lễ trao thưởng cho khách hàng may mắn trúng giải từ chương trình 'Mở tài khoản Plus, đón vạn đặc quyền'.

Hà Nội phê duyệt tuyến đường rộng 40m tại quận Bắc Từ Liêm

Hà Nội sắp mở tuyến đường dài 4km, rộng 40m, nối KCN Nam Thăng Long với Vành đai 3.5, đi qua 4 phường ở Bắc Từ Liêm.