| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm lai lịch tấm ảnh “Lễ xuất phát của Việt Nam Giải phóng quân”

Thứ Tư 08/01/2020 , 13:12 (GMT+7)

Sinh thời, kỹ sư Hoàng Văn Đức khẳng định đây là tấm ảnh “Lễ xuất phát của Việt Nam Giải phóng quân” về đánh Thái Nguyên ngày 16/8/1945 do ông chụp. Về sau, bức ảnh này thường bị chú thích nhầm thành Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 

Triển lãm “Quân với dân một ý chí” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (12/2019). Ảnh: Khải Mông

Tại triển lãm “Quân với dân một ý chí” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) cuối tháng 12/2019 vừa qua, có một bức ảnh được chú thích: Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ông Hoàng Hòa Bình (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), con trai cả kỹ sư Hoàng Văn Đức cho biết: Đây không phải bức ảnh Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao Bằng ngày 22/12/1944. Sinh thời, cha ông, kỹ sư Hoàng Văn Đức đã nhiều lần khẳng định, bức ảnh này được chụp vào ngày 16/8/1945 tại Tân Trào. Nội dung bức ảnh là ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy Đội Việt Nam giải phóng quân về đánh Thái Nguyên. Kỹ sư Hoàng Văn Đức chính là người chụp bức ảnh này. Khi đó, ông Đức đi trong đoàn Hà Nội lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Chiếc máy ảnh ông Đức mang theo nhãn hiệu Rolleiflex.

Một trong những nhân chứng lịch sử cùng lên Quốc dân Đại hội Tân Trào là cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (1912-2011), trong hồi ký của mình cũng đã xác nhận: “Hoàng Văn Đức là chứng nhân duy nhất ghi lại được hình ảnh sư kiện trọng đại. Chẳng hạn, như trường hợp bức ảnh quý hiếm về buổi ông Võ Nguyên Giáp tuyên đọc nhật lệnh trong buổi lễ xuất phát của Giải phóng quân từ ATK Tân Trào tiến về Thái Nguyên tham gia cướp chính quyền”.

Tiễn Giải phóng quân lên đường

Trên tạp chí Nhiếp ảnh, số 4 (107) ra ngày 7/9/1996, đã đăng bài viết của kỹ sư Hoàng Văn Đức về hoàn cảnh ra đời tấm ảnh “lễ xuất phát của Giải phóng quân” như sau:

“Tôi mang máy ảnh theo lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, nhiều nhóm đại biểu đều biết. Lên đến Tân Trào, tôi mới được biết là phạm nội quy. Anh Nguyễn Lương Bằng tiếp chúng tôi, tươi cười nhắc nhở: theo nội quy không được chụp ảnh trong khu vực Hội nghị, song nếu muốn chụp gì phải hỏi ý kiến và khi ra về phải nộp máy ảnh cho Ban tổ chức tháo phim ra để giữ làm tài liệu.

Hội nghị bế mạc, tôi xin phép được chụp ảnh lễ xuất phát của Giải phóng quân do anh Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Nhiều đại biểu có mặt trong buổi lễ, tiễn Giải phóng quân lên đường. Tôi chụp một kiểu Giải phóng quân xuất phát.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918-1996) là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên báo Tấc Đất - nay là báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Khải Mông

Tôi chụp Thomas một kiểu ảnh làm kỷ niệm và Thomas tặng tôi quyển “A short history of American Democracy” (Lược sử nền dân chủ Hoa Kỳ). Quyển sách này xuất bản trong chiến tranh, chiến sự mới ghi đến cuối 1943, khi quân Mỹ đương phản kích đánh bật quân Nhật khỏi các căn cứ chúng chiếm đóng ở vùng Thái Bình Dương. Hình của Thomas, tôi không có dịp được xem,  có lẽ ảnh không in. (…).Ngày hôm sau, một nhóm chúng tôi đến từ biệt thiếu tá Thomas – do Mỹ thả dù xuống chiến khu hồi tháng 7 để bắt liên lạc với quân Cách mạng chống Nhật, (mấy ngày trước, khi Hội nghị chưa khai mạc, anh Vũ Đình Huỳnh có dắt tôi đến khu vực Thomas để giới thiệu). Viên sĩ quan nói với chúng tôi, mặt bùi ngùi: “Nay Nhật đã đầu hàng, nhiệm vụ của tôi liên lạc và hợp tác với quân Cách mạng Việt Nam để chống Nhật không còn nữa. Từ nay, giải quyết các vấn đề trong các lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng thuộc thẩm quyền của các nước Đồng Minh liên quan. Tôi phải trở về Mỹ không có dịp hợp tác với các bạn nữa… cuộc đấu tranh của các bạn có thể kéo dài, khó khăn, gian khổ. Xin từ biệt bạn, chúc các bạn mọi sự may mắn, đạt nguyện vọng…”.

Trước khi chuẩn bị trở về Hà Nội, tôi đem máy ảnh Rolleiflex, có cuộn phim đương chụp dở, nộp Ban tổ chức. Tôi dặn nên cẩn thận khi tháo phim, nên tráng ngay và cho biết tôi ở trong đoàn đại biểu Dân chủ ở Hà Nội.

Tấm ảnh được nhiều người biết

Tấm ảnh “Lễ xuất phát của quân giải phóng” được nhiều người biết. Đó là khẳng định của kỹ sư Hoàng Văn Đức trước khi qua đời. Đó là, ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Trợ lý Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) trong hồi ký “Tháng tám cờ bay” (1990) đã viết:

“Hội nghị Tân Trào đang họp thì có tin Hà Nội đã nổi dậy cướp chính quyền. Trần Huy Liệu được phân công viết cấp tốc lời kêu gọi tổng khởi nghĩa. Sau đó là lễ xuất phát của Giải phóng quân. Bức ảnh chụp Giải phóng quân xuất phát có Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt là do anh Hoàng Văn Đức chụp. Lúc đó, trong số đoàn đại biểu chỉ có Hoàng Văn Đức là có máy ảnh đem theo”.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức tại Pháp, tham dự Hội nghị Fontainebleau (1946). Ảnh: Tư liệu gia đình

Cũng năm 1990, một nhân chứng khác, ông Đỗ Đức Dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đại biểu của nhóm Thanh Nghị đi dự Đại hội Tân Trào viết trong hồi ký “Thanh niên trí thức Việt Nam đi vào cuộc Cánh mạng tháng Tám như thế nào” cung cấp thông tin: “… một đoàn đại biểu Đảng Dân Chủ hồ hởi lên chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Tân Trào trong đó có… kỹ sư trẻ Hoàng Văn Đức cải trang đi bí mật và mang theo máy ảnh duy nhất đã chụp lễ xuất phát của Giải phóng quân Việt Nam”.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức trong bài viết của mình cho biết thêm: “Cũng như nhiều vị đại biểu dự Đại hội hồi đó, tôi đã được xem tấm ảnh lễ xuất phát trong một cuộc trưng bầy nào đó, cũng đặc biệt chú ý đến vị chỉ huy nhỏ nhắn đội mũ phớt và tôi cũng không có tấm ảnh gốc nào. Đó là lẽ tất nhiên, vì tôi đã nộp trả cả máy và phim cho Ban tổ chức khi ra về, không có quyền tác giả”.

Xác nhận của Bộ trưởng Cù Huy Cận

Nguyên Bộ trưởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận xác nhận tấm ảnh do kỹ sư Hoàng Văn Đức chụp.  Ảnh: Khải Mông

Ngày 6/11/1997, nguyên Bộ trưởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận, thành viên tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào (16/8/1945) đã xác nhận trên tạp chí Nhiếp ảnh, ngày 7/9/1996:

“Tôi, Cù Huy Cận, xác nhận ảnh này là do anh Hoàng Văn Đức chụp ngày 16/8/1945 dưới bóng cây đa Tân Trào lúc đoàn quân lên đường đi đánh Nhật ở Thái Nguyên.

Tôi xác nhận lúc đấy tôi đứng bên cạnh anh Hoàng Văn Đức (anh Đức và tôi đều dự Đại hội Tân Trào)”.

Tác nhân tích cực của cách mạng

Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để xác minh lai lịch bức ảnh. Đại diện đơn vị này cho biết đây là vấn đề lịch sử. Có lần bên bảo tàng đã sang đặt vấn đề với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xác minh lai lịch bức ảnh và người chụp. Ý kiến của Đại tướng đại ý: Không thể nói ai là người đứng ra chụp bức ảnh được bởi vì thời điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn khó khăn, không nghĩ đâu để chụp ảnh lưu lại. Hơn nữa, lúc đó còn hoạt động bí mật, tránh sự truy lùng của thực dân Pháp.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918-1996), Đại biểu Quốc hội khóa I, nguyên Ủy viên UBTV Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu gia đình

Còn Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, trưởng nam cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã cung cấp nguyên văn đoạn cụ Hòe viết trong hồi ký “Những người cùng thế hệ”. Trong bài viết về kỹ sư Hoàng Văn Đức, cụ Vũ Đình Hòe đã nhắc đến về bức ảnh cụ Hoàng Văn Đức chụp tại Lễ xuất quân của Giải phóng quân từ ATK Tân Trào đi đánh Thái Nguyên (16/8/1945) như sau:

“Cái tên Hoàng Văn Đức đã thành “tabu” (điều cấm kị) trong tất cả những sự kiện cách mạng anh từng là tác nhân tích cực. Ngay cả trường hợp Hoàng Văn Đức là chứng nhân duy nhất ghi lại được hình ảnh sư kiện trọng đại. Chẳng hạn, như trường hợp bức ảnh quý hiếm về buổi ông Võ Nguyên Giáp tuyên đọc nhật lệnh trong buổi lễ xuất phát của Giải phóng quân từ ATK Tân Trào tiến về Thái Nguyên tham gia cướp chính quyền… người ta đã ngang nhiên xuyên tạc nguồn gốc chứng cứ lịch sử.

Từ nửa thế kỷ trước, tôi được biết ngọn ngành bức ảnh quý hiếm do một sự tình cờ. Số là hơn một tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, nhà tôi sinh đứa con thứ sáu. Tôi đến gặp Đức mượn cái máy ảnh của anh để chụp hình đứa con gái sinh ra trong những ngày cả dân tộc đổi đời.

- Tiếc quá! Máy bị tịch thu mất rồi. Được mời dự buổi “xuất quân” của bộ đội ông Giáp ở ATK, mình lén chụp một “pô”, bị phê bình vi phạm nội quy Khu giải phóng, đem máy ảnh vào mà không khai báo. Phim bị tịch thu đã đành rồi, nhưng máy cũng có trả đâu!”.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.