Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều: Người cha

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Thứ Năm, 26/01/2023 , 06:10 (GMT+7)

Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm: - Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.

Tranh của Nguyễn Quang Thiều.

Khi tôi lên mười hai tuổi thì cha mẹ tôi chia tay nhau. Nói cho đúng là mẹ tôi bỏ cha tôi theo một người đàn ông khác về thành phố. Sau đó ít lâu cha tôi đã tìm mẹ tôi nhiều lần. Lần cuối cùng từ thành phố trở về, cha tôi đập phá lung tung. Rồi ông lôi hai chị em tôi ra và nói:

- Mẹ chúng mày đã chết rồi. Từ nay tao cấm chị em mày nhắc tới mẹ. Đứa nào nhắc tới, tao giết.

Đêm ấy, tôi nằm ôm đứa em trai sáu tuổi và lặng lẽ khóc. Em tôi ngồi dậy trong đêm và hỏi:

- Chị ơi! Mẹ chết rồi hở chị?

- Không! - Tôi vội nói - Mẹ không chết. Mẹ đang ở thành phố. Mẹ sẽ về.

Và đêm ấy, cha tôi uống rượu say và khóc. Cũng từ ngày đó, đêm đêm cha tôi uống rượu. Rồi cha tôi say, ngủ ngay trên nền nhà. Tôi không làm sao đưa cha lên giường được. Tôi lấy chăn đắp cho cha và ngồi nhìn cha mà khóc. Những đêm không uống rượu ở nhà, cha tôi mò ra chợ uống rượu. Những đêm như thế, tôi chong đèn chờ cha. Có bữa, cha tôi ngủ lại ở lều chợ. Cũng vào năm đó, tôi phải bỏ học. Suốt ngày tôi lo việc giặt giũ, cơm nước cho cha tôi với đứa em. Cha tôi đi làm cả ngày. Tối về nhà, cha gục mặt ăn vội bữa tối. Hầu như chẳng bao giờ cha nói chuyện với chị em tôi.

Một buổi tối, nhìn cha tôi uống rượu, tôi không chịu đựng nổi. Tôi giằng lấy chai rượu từ tay cha tôi và nói như gào:

- Cha không được uống rượu. Cha không được uống.

Cha tôi mở mắt nhìn tôi. Cha chỉ tay vào mặt tôi và nói:

- Mày đã hại đời tao... bây giờ... mày còn cấm tao uống à?...

Cha tôi đứng dậy, vơ lấy cái chổi ở gần đó và đánh tôi. Vừa đánh tôi, cha vừa khóc. Nghe cha khóc, tôi không thể nào bỏ chạy được. Tôi nghiến răng, quỳ trên nền nhà chịu trận đòn của cha. Đến khuya, khi cha tôi đã ngủ mê mệt vì rượu, tôi mới lặng lẽ thu dọn những mảnh chai vỡ.

Đêm ấy, tôi mơ thấy những ngày hạnh phúc của gia đình tôi. Những bữa cơm tối đầm ấm. Mẹ tôi luôn gắp thức ăn cho cha con tôi. Rồi tôi mơ thấy mẹ tôi từ thành phố trở về. Cha tôi ra tận đầu thị trấn đón mẹ. Mẹ tôi gục mặt vào ngực cha tôi khóc mãi. Tôi gọi mẹ và tỉnh giấc. Ngôi nhà tối đen. Chỉ có tiếng ngáy của cha tôi nghèn nghẹn.

Chiều hôm sau đi làm về, khi ngồi xuống mâm cha tôi nhìn cánh tay tôi có những vết tím và hỏi:

- Tay con làm sao thế kia?

Lúc đó, tôi thấy tủi thân vô cùng. Tôi muốn òa khóc và gào lên thật to: "Làm sao hở cha? Chính cha đã đánh con". Nhưng nhìn thấy cha lo lắng và buồn bã tôi vội nói:

- Con chẻ củi. Cành củi đập vào tay.

- Lần sau phải cẩn thận đấy.

Cha tôi nói và gục mặt ăn hết bữa. Đến khuya, cha lại uống rượu. Tôi mắc màn cho em tôi đi ngủ. Khi thằng em tôi đã ngủ say, tôi úp mặt vào gối và nức nở âm thầm.

Một hôm, trong lúc cha tôi đi làm vắng thì mẹ tôi về. Hai chị em tôi ôm lấy mẹ và khóc.

- Bao giờ thì mẹ về ở với chị em con? Tôi hỏi.

- Mẹ không về đây nữa. Lần này mẹ về để đón các con lên thành phố ở với mẹ.

- Thế còn cha? - Em tôi hỏi.

- Cha ở lại đây - Mẹ tôi nói.

- Cha ở một mình à? Tôi hỏi.

- Ông ấy sẽ lấy vợ.

Nghe mẹ nói, tôi cúi đầu im lặng. Lát sau, tôi ngước nhìn mẹ và hỏi:

- Sao mẹ không về ở với cha?

- Mẹ không thể ở với ông ấy được - giọng mẹ tôi uất ức - Ông ấy sẽ giết mẹ.

Nghe mẹ tôi nói, tôi thấy hoảng sợ. Tôi nhớ đến những trận đòn của cha tôi trong những đêm say rượu. Và thế là ngày hôm đó, chị em tôi đã trốn cha theo mẹ về thành phố.

Đêm đầu tiên ở thành phố, em tôi ngủ ngon lành sau một ngày mệt mỏi vì đi xe và sung sướng vì những đồ chơi mà mẹ tôi mua cho nó. Tôi thao thức mãi không ngủ được vì nhớ cha tôi sẽ thế nào khi chiều đi làm về không thấy chúng tôi. Nhưng khi vừa thiếp đi, tôi mơ thấy cha tôi say rượu và cầm chổi đánh tôi. Tôi thét lên và tỉnh giấc. Mẹ tôi từ buồng trong bước ra và hỏi:

- Con làm sao thế?

- Cha... cha đánh con.

- Cha hay đánh con à? Sao con không nói với mẹ.

- À, không. Cha không đánh con.

Lúc đó tôi đã tỉnh ngủ và vội vàng đáp. Mẹ tôi thở dài. Mẹ ngồi bên tôi một lát rồi đi vào buồng. Tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi:

- Bao giờ thì cho chúng nó về?

- Em xin anh cho chúng nó ở đây. Em muốn chúng nó được học hành - Tiếng mẹ tôi nói nhỏ - Em sẽ cố gắng làm thêm.

- Tôi không cần cô phải làm thêm. Tôi cần cô chứ tôi không cần hai đứa con cô.

- Anh hiểu cho em. - Giọng mẹ tôi van vỉ.

- Nếu cô muốn ở với chúng nó thì về nhà cô mà ở. Thôi được, tôi cho chúng nó ở đây với cô dăm ngày nữa rồi cô phải đưa chúng nó về.

Tôi nghe thấy mẹ tôi khóc. Mặt tôi cũng giàn giụa nước mắt.

Mấy ngày ở nhà chồng mới mẹ tôi, hầu như tôi câm lặng suốt ngày. Em tôi còn nhỏ, nó không biết gì. Suốt ngày nó mê mải với những đồ chơi của nó.

Rồi một hôm cha tôi xuất hiện. Tôi kêu lên gọi cha.

Cha tôi không nói gì. Cha nhìn chị em tôi rất lâu, rồi hỏi:

- Mẹ chúng mày đâu?

Tôi chưa kịp trả lời cha thì mẹ từ trên gác bước xuống. Thấy cha, mẹ sững lại.

- Ông đến đây làm gì? Mẹ tôi hỏi.

- Tôi đến đưa các con tôi về.

- Chúng nó không phải con tôi chắc?

- Cô không xứng đáng làm mẹ chúng nó.

-Ông đừng nói ai xứng đáng hay không nữa. Ông hỏi chúng nó thích ở với ai? Đấy là quyền của chúng nó.

Mặt cha tôi chợt tái đi. Tôi thấy cha tôi thở rất mạnh.

- Nào? Chúng mày thích ở với ai? Mẹ hay bố? Nói đi!

Nghe mẹ tôi hỏi tôi cúi gằm mặt. Tôi không dám nhìn cha và mẹ tôi. Lúc đó tôi nghe thấy cha tôi ho. Và hiện lên trong ký ức tôi những buổi tối cha tôi nằm co quắp trên nền nhà vì say rượu. Và trong tâm trí tôi vang lên giọng cha tôi: "Tay con làm sao thế kia?". Lúc đó tôi cắn môi kìm tiếng nấc, lúc sau, tôi nhìn thằng em tôi và hỏi:

- Em muốn ở với ai?

- Em muốn ở với chị!

Thằng em tôi nói và bước lại, nép sau tôi. Tôi thấy cha tôi đang nhìn tôi chờ đợi. Tôi thấy mẹ tôi đang nhìn cha tôi như thách thức.

- Ở với ai, nói đi?. Mẹ tôi lại lên tiếng.

Tôi nhìn mẹ tôi nức nở:

- Cho chúng con về quê.

Mãi đến khuya chúng tôi mới trở về thị trấn. Khi đến ngõ, em tôi reo lên:

- Nhà mình đây rồi.

Ngôi nhà phảng phất mùi rượu và mùi ẩm mốc. Đêm đó, tôi dọn dẹp, thu xếp lại đồ đạc trong nhà cho cha tôi mãi tới khuya. Và đêm đó cha tôi không say rượu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua nét vẽ Nguyễn Linh.

Công việc làm ăn của cha tôi mỗi ngày càng khó khăn hơn. Chiếc xe bò của cha tôi không thể cạnh tranh được với một đàn xe lam và xe công nông ở cái thị trấn bé xíu này. Rồi một tai hoạ mới giáng xuống đầu gia đình tôi. Con bò kéo của cha tôi bị bệnh lăn ra chết. Cha tôi lại lâm vào những cuộc say không biết gì. Khi say, cha khóc và chửi mẹ. Nhưng sáng sáng, cha tôi vẫn dậy rất sớm. Cha tôi xin được chân bốc vác ngoài bến xe thị trấn. Cả ngày chỉ có hai đến ba chuyến xe. Vì vậy, cha tôi làm bất kỳ việc gì để có tiền duy trì sự sống của gia đình tôi.

Tối tối, uống rượu say, cha tôi chửi mẹ và lại dùng cán chổi đánh tôi. Khi cha đánh, không bao giờ tôi bỏ chạy. Hai tay tôi ôm lấy đầu để cho cha đánh. Đánh tôi xong, cha lại dậy sớm ra bến xe. Rồi cha tôi trở về nhà khi trời xẩm tối. Khi tôi xới cơm cho cha, cha tôi nhìn cánh tay tôi và lại hỏi:

- Tay con làm sao thế?

Tôi tìm mọi lý do để nói dối cha. Tôi không bao giờ muốn nói với cha rằng: những vết tím trên tay tôi là do cha đánh. Có một lần bị cha hỏi, tôi cuống quá, vội nói:

- Thằng Tuấn đánh.

Cha tôi dằn bát cơm và gầm lên:

- Sao mày đánh chị như thế, hả Tuấn? Ai tắm rửa cho mày? Ai nấu cơm cho mày? Ai ru mày ngủ?

Thằng em tôi bị mắng oan, òa khóc. Đến khi đã ngủ tôi vẫn nghe tiếng nấc của em tôi.

Nhưng đến một lần cái cán chổi đánh trúng khớp cổ tay tôi. Cổ tay tôi bị bong gân sưng vù. Tôi không thể nào giấu cha được. Buổi tối trong bữa ăn, tôi không xới nổi bát cơm cho cha. Cha nhìn tôi hỏi:

- Tay con làm sao thế?

Tôi òa khóc. Lần đó, tôi không sao kìm được.

- Cha ơi! Con đau lắm.

- Làm sao thế? Cha tôi hoảng hốt - Ai đánh con? Đứa nào đánh con?

- Cha không đánh con - Tôi nức nở - Cha không đánh con.

- Đứa nào đánh? Cha tôi quát - Nói ngay, tao sẽ đập chết nó. Đứa nào?

Nghe cha hỏi vậy, tôi càng khóc to. Tôi khóc không phải vì đau đớn. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì cái giọng xót xa của cha tôi.

- Không nói đứa nào đánh mày thì tao đánh mày.

- Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa.

Người cha tôi run lên. Mắt cha tôi đỏ hoe. Cha ôm tôi vào lòng. Hơi thở và vòng tay ấm áp của cha tôi làm tôi thêm tủi. Tôi khóc và nói:

- Đêm nào say rượu cha cũng đánh con bằng cái chổi kia kìa. Nhưng con không nói với cha vì con sợ cha buồn thêm. Con có lỗi cha cứ đánh con, nhưng cha đừng uống rượu nữa.

Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng "u... u" kéo dài trên đầu tôi bất tận.

Gần sáng tôi tỉnh giấc. Căn nhà vẫn sáng đèn. Tôi thấy cha tôi ngồi im phắc. Tôi rời giường đến bên cha. Tôi ôm lấy cổ cha:

- Cha hết rượu uống rồi ư?

Cha tôi lắc lắc đầu, cha từ từ nhắm mắt lại. Hai giọt nước mắt tứa ra.

- Cha đừng buồn nữa, cha nhé.

Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm:

- Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.

Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Tin khác
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.