Sản xuất lúa 2020, một năm thắng lợi toàn diện
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: 2020 là một năm mà biến đổi khí hậu, thiên tai đã diễn ra hết sức phức tạp ở tất cả các vùng trên cả nước. Ở ĐBSCL là một năm kỷ lục nhất, gay gắt và dai dẳng nhất về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
Khu vực Trung Bộ đối mặt với nắng nóng, hạn hán gay gắt. Bắc Bộ cũng đối mặt với những đợt nắng nóng kỷ lục. Đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ đã diễn ra đợt nắng nóng gay gắt kéo dài tới gần 100 ngày liên tục không có mưa.
Bên cạnh đó, vụ đông xuân tại các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra năm nay cũng đối mặt với diễn biến thời tiết rất phức tạp, khó lường. Là một năm nhuận hai tháng tư, nên tới tháng 4 âm lịch thời tiết tại các tỉnh phía Bắc vẫn còn rét, mưa phùn, trời âm u kéo dài, tới lúc lúa đông xuân trỗ vẫn còn gió mùa đông bắc, ảnh hưởng tới sự phát triển của cây lúa, nhất là nguy cơ bùng phát sâu bệnh trên lúa rất cao...
Từ thực tiễn sản xuất năm 2020, Thứ trưởng đánh giá những bài học kinh nghiệm nào giúp sản xuất lúa năm nay gặp thắng lợi lớn, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức?
Một trong những kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất lúa năm nay, đó là chúng ta đã luôn bám sát thực tiễn để có những giải pháp kịp thời, chủ động, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất của những năm trước. Theo đó, quan điểm trong chỉ đạo sản xuất lúa trên cả nước năm nay, đó là "chắc từng vùng, chắc từng vụ", sâu sát, kịp thời, linh động.
Đối với vùng ĐBSCL, ngay từ đầu tháng 10/2019, trước dự báo về tình hình hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2020, Bộ NN-PTNT đã sớm tổ chức hội nghị sơ kết liên vụ lúa và triển khai sản xuất vụ đông xuân 2019-2020.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đưa ra những kịch bản chính xác để điều chỉnh thời vụ nhằm né được ảnh hưởng của hạn mặn. Bên cạnh các giải pháp tổng thể khác nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hạn mặn, một trong giải pháp quan trọng, có tính quyết định nhất giúp thắng lợi vụ đông xuân 2020 của ĐBSCL, đó là chúng ta đã quyết định đẩy sớm lịch thời vụ so với mọi năm.
Nhất là đối với khoảng trên 400 nghìn ha lúa đông xuân tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL, việc đẩy lịch xuống giống sớm hơn mọi năm từ 20 ngày tới 1 tháng, đã giúp lúa tránh được hạn mặn, tới khi lúa thu hoạch thì hạn mặn mới xâm nhập sâu và gay gắt, thiệt hại do hạn mặn gây ra gần như không đáng kể so với những năm có hạn mặn gay gắt tương tự như trước đây (tiêu biểu như năm 2015-2016). Rất nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL trước đây từng bị mất trắng lúa do hạn mặn thì năm nay, vẫn đạt năng suất tới 8 tấn/ha.
Việc đẩy sớm thời vụ ở vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh ĐBSCL, cũng đã giúp vụ hè thu được xuống giống sớm, và rất được mùa.
Cùng với chỉ đạo đẩy sớm lịch thời vụ, việc Bộ NN-PTNT ưu tiên đẩy nhanh thi công, đưa vào vận hành sớm đối với 5 công trình điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt tại ĐBSCL trong năm 2020, cộng với sự vào cuộc quyết liệt, huy động tổng thể các giải pháp ứng phó với hạn mặn (máy bơm, trữ nước, đập cạn...) cũng đã góp phần vào thắng lợi quan trọng của vụ đông xuân 2020 vùng ĐBSCL.
Đến nay, chúng ta cũng đã có bước tiến quan trọng đối với việc nghiên cứu, đưa vào sản xuất bộ giống lúa, kèm quy trình canh tác rất đa dạng dành cho vùng ĐBSCL, giúp người dân có sự lựa chọn đa dạng hơn. Nhất là các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là có khả năng thích nghi, chống chịu tốt hơn với điều kiện hạn mặn ở mức độ tương đối.
Một trong những kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất lúa năm nay, đó là chúng ta đã luôn bám sát thực tiễn để có những giải pháp kịp thời, chủ động, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất của những năm trước. Theo đó, quan điểm trong chỉ đạo sản xuất lúa trên cả nước năm nay, đó là "chắc từng vùng, chắc từng vụ", sâu sát, kịp thời, linh động.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh
Năm nay, các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Bắc đối mặt nắng hạn rất khốc liệt. Đáng mừng là đến nay, chúng ta đã có cả hai vụ (đông xuân và hè thu) thắng lợi lớn. Những giải pháp nào đã được Bộ NN-PTNT đưa ra cho các tỉnh Trung Bộ, Bắc Bộ để ứng phó với khó khăn này trong sản xuất lúa năm 2020, thưa ông?
Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ, đây là vùng mà năm 2020, nắng hạn đã diễn ra gay gắt ở cả vụ đông xuân và hè thu, tuy nhiên đến nay, đều đã gặt hái thắng lợi lớn về sản xuất lúa của cả hai vụ, lúa rất được mùa, năng suất cao.
Ở vụ đông xuân 2020, lúa các tỉnh Nam Trung Bộ thu hoạch sớm hơn mọi năm từ 1 tuần đến 10 ngày. Trước dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra khốc liệt trong vụ hè thu 2020, ngay từ khi sơ kết vụ đông xuân và triển khai vụ hè thu 2020 tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Bộ NN-PTNT đã định hướng chỉ đạo các tỉnh này cần đẩy sớm lịch gieo cấy vụ hè thu.
Theo đó, lúa đông xuân thu hoạch tới đâu, thì tổ chức làm đất, gieo cấy vụ hè thu ngay tới đó. Bởi vùng này mãi tới tháng 9 hàng năm mới có mưa lớn, cần phải gieo cấy vụ hè thu sớm nhằm tận dụng được nguồn nước còn dự trữ được, tránh bị hao hụt nguồn nước khi có nắng hạn kéo dài xẩy ra.
Bên cạnh đó năm 2020, các diện tích đất lúa khó khăn về nguồn nước tại các tỉnh Trung Bộ nói chung, đều đã được đẩy mạnh chuyển đổi sang các đối tượng cây trồng cạn khác. Nhiều tỉnh như Bình Định, Quảng Bình... việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác rất tốt. Vì vậy, không chỉ sản xuất lúa vụ đông xuân, vụ hè thu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ năm nay đều được mùa, mà các loại hoa màu khác cũng đều được mùa, nông dân rất phấn khởi.
Đối với các tỉnh miền Bắc, có thể nói 2020 là năm mà cả hệ thống chính trị đều vào cuộc quyết liệt trong tổ chức, chỉ đạo sản xuất. Ở vụ đông xuân, đúng giai đoạn diễn biến thời tiết đang nhạy cảm, nguy cơ dịch bệnh trên lúa đang cao nhất (trong khoảng nửa đầu tháng 4/2020), thì dịch bệnh Covid-19 cũng diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả 31 tỉnh thành phía Bắc.
Nhờ đó, các địa phương đã vào cuộc rất sát sao, chỉ đạo hệ thống ngành BVTV, Sở NN-PTNT, các địa phương kịp thời thông tin tuyên truyền, bám sát diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh trên lúa để kịp thời tổ chức phun phòng trừ. Nhờ đó, các tỉnh miền Bắc đã không xẩy ra sâu bệnh hại nghiêm trọng trên lúa, là một vụ đông xuân được mùa.
Đến nay, chúng ta vẫn còn phải chờ kết quả cuối cùng về sản xuất lúa vụ mùa của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong đó, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ hiện đã có thể tạm yên tâm, nhiều khả năng sẽ có một vụ hè thu ăn chắc thắng lợi, chỉ còn lại lúa mùa của 25 tỉnh thành miền Bắc. Hiện lúa mùa tại các tỉnh phía Bắc vẫn đang phát triển tốt, chưa phát sinh các sâu bệnh hại đáng lo ngại, tuy nhiên cũng không được chủ quan.
Nhằm đảm bảo cho thắng lợi trọn vẹn cho vụ hè thu và vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có chỉ thị các địa phương bám sát tình hình thời tiết, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức theo dõi, ứng phó kịp thời với các rủi ro về thiên tai, nhất là nguy cơ sâu bệnh cuối vụ. Bởi thời gian tới, mùa mưa bão tại các tỉnh phía Bắc vẫn còn tiếp diễn, bên cạnh đó nguy cơ nhiều loại sâu bệnh vẫn rất lớn như lùn sọc đen, rầy nâu, sâu cuốn lá...
Vừa đảm bảo sản xuất vụ thu đông ĐBSCL, vừa đón lũ vào đồng ruộng
Về vụ thu đông (lúa vụ 3) năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN-PTNT đã sớm nhận định được tình hình lũ sẽ không lớn. Bên cạnh đó, thị trường gạo xuất khẩu hiện đang rất tốt, giá gạo đang rất cao, giúp người trồng lúa có lãi tốt.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất lúa vụ thu đông tại ĐBSCL ở khoảng 820 nghìn ha (tăng khoảng 100 nghìn ha so với năm 2019). Nếu năng suất bình quân đạt được từ 5,2-5,4 tấn/ha, chúng ta sẽ có thêm khoảng hơn nửa triệu tấn thóc.
Để tránh những rủi ro ảnh hưởng của lũ, cũng như tạo điều kiện cho vụ đông xuân năm 2021, Bộ NN-PTNT đã chủ trương xuống giống sớm nhất có thể đối với vụ thu đông năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL.
Vì vậy đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã căn bản xuống giống xong vụ thu đông 2020. Việc xuống giống sớm, sẽ đảm bảo khi lúa thu đông thu hoạch xong, vẫn có thể đón lũ vào đồng ruộng. Theo đó năm nay, sẽ có khoảng 400 nghìn ha lúa thu đông ĐBSCL sẽ thu hoạch xong để đón lũ về bình thường để thay rửa đồng ruộng, đón phù sa và nguồn lợi thủy sản... Kể cả đối với các vùng phải xuống giống muộn, có đê bao an toàn, chúng ta vẫn đảm bảo được thu hoạch xong lúa thu đông để mở cửa đê đón lũ vào đồng ruộng.
Việc đẩy sớm vụ thu đông, cũng sẽ tạo điều kiện để vụ lúa đông xuân năm 2021 sẽ được xuống giống sớm, để né hạn mặn cho năm 2021. Rõ ràng, đây là điều cần phải tổ chức rút kinh nghiệm để dịch chuyển lịch thời vụ cho liên vụ tại ĐBSCL.