| Hotline: 0983.970.780

Một tháng tới sẽ quyết định tới thắng lợi vụ đông xuân

Thứ Ba 07/04/2020 , 18:09 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong vòng một tháng tới, sẽ là thời gian đặc biệt quan trọng, quyết định tới thắng lợi vụ lúa đông xuân tại phía Bắc.

Nhiều loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn đang phát sinh và đe dọa tới vụ đông xuân tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn đang phát sinh và đe dọa tới vụ đông xuân tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Thanh Nga.

Sâu bệnh tiếp tục có nguy cơ cao bùng phát

Tại hội nghị trực tuyến cùng các địa phương phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vụ đông xuân năm 2020 diễn ra hôm nay (7/4), Cục BVTV cảnh báo thời gian tới, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, bệnh đạo ôn lá có thể tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa trà muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng với xu hướng tăng, có khả năng gây hại nặng gây cháy trên vùng trung du miền núi, vùng đất cát ven biển.

Trên trà lúa giai đoạn ôm đòng, bệnh có nguy cơ gây hại trên cổ bẹ lá đòng, tập trung tại Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.

Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông, gié có khả năng rất cao sẽ phát sinh gây hại nặng trên trà lúa trỗ bông phơi màu, ngậm sữa (tập trung ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa), hại nặng trên các giống nhiễm và các chân ruộng nhiễm đạo ôn lá nặng.

Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có nguy cơ tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa giai đọan đứng cái – đòng trỗ tại các tỉnh trong vùng, nguy cơ cao và có khả năng gây cháy trên các chân ruộng sâu, trũng tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình nếu không được phòng trừ dứt điểm và hiệu quả. Sâu cuốn lá nhỏ dự báo tiếp tục gây hại lá đòng trên trà lúa muộn trỗ sau 25/4 (hại cục bộ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa).

Tại các tỉnh vùng ĐBSH và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá có nguy cơ tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh từ nay đến 20/4/2020, nhất là trên các giống nhiễm, những ruộng gieo cấy dày, bón nhiều phân tại các tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Hòa Bình,...) và các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng,...) gây lùn, lụi ổ trên các giống nhiễm khi thời tiết thuận lợi cho bệnh gây hại.

Bệnh đạo ôn cổ bông, gié có nguy cơ phát sinh gây hại trên các trà lúa trỗ trong tháng 4 và đầu tháng 5/2020 khi điều kiện thời tiết thuận lợi, nhất là trên giống nhiễm, những diện tích lúa đã bị đạo ôn lá nặng.

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc còn có nguy cơ cao phát sinh, gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ...

Thời gian quyết định tới thắng lợi vụ đông xuân

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh dịch Covid-19, ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có sản xuất lúa đang gánh trọng trách to lớn không chỉ nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu người, mà còn đóng vai trò dự trữ quốc gia, bên cạnh đó cần tranh thủ cơ hội để xuất khẩu...

Vụ đông xuân có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh lương thực tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Thanh Nga

Vụ đông xuân có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh lương thực tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Thanh Nga

Theo Bộ trưởng, đến nay, điều đáng mừng là vụ đông xuân tại các tỉnh ĐBSCL mặc dù phải đối mặt với thách thức, ảnh hưởng của hạn mặn lịch sử, tuy nhiên hiện đã kết thúc thu hoạch thắng lợi, với năng suất bình quân đạt tới 7 tấn/ha, cho tổng sản lượng trên 9 triệu tấn thóc, đồng thời đã giảm thiểu được thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Ngoài ra, vụ đông xuân tại các tỉnh Đông Nam Bộ với 77 nghìn ha lúa, đều đạt năng suất bình quân rất cao, hơn 6 tấn/ha. Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với diện tích lúa khoảng 310 nghìn ha cũng đã thu hoạch xong vụ đông xuân với kết quả thắng lợi lớn, năng suất bình quân đạt tới 7 tấn/ha, có tỉnh đạt tới 7,2-7,3 tấn/ha...

Tính đến tháng 4/2020, tổng diện tích lúa đông xuân của cả nước đã gieo cấy được 1,3 triệu ha, bằng 28% tổng kế hoạch năm 2020 về diện tích, và đã tạo ra tổng sản lượng lúa đạt 13,5 triệu tấn, đạt 31% kế hoạch về sản lượng. Đây là kết quả hết sức đáng mừng, là kết quả của sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, bà con nông dân vùng ĐBSCL và các tỉnh Nam Bộ.

Như vậy, vụ đông xuân tại các tỉnh phía Bắc, từ Thừa Thiên - Huế trở ra, gồm khu vực Bắc Trung Bộ, vùng ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc với tổng diện tích 1,1 triệu ha, cần phải đạt mục tiêu ít nhất 7 triệu tấn thóc, nhằm góp phần vào mục tiêu đạt tổng sản lượng lúa đông xuân cả nước 20,5 triệu tấn.

Đây là khó khăn thách thức rất lớn, bởi đây là khu vực đất chật người đông, diện tích đất lúa chỉ chiếm chưa tới 30% cả nước, nhưng dân số lại chiếm tới 50% cả nước với trên 47 triệu người. Do đó, cân đối lương thực của các tỉnh phía Bắc đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm khoảng 80% là phục vụ cho nhu cầu tại chỗ.

Đặc biệt, vụ xuân tại các tỉnh phía Bắc lại là vụ có năng suất cao, chắc ăn, đóng góp tới trên 60% tổng sản lượng lúa/năm của các tỉnh phía Bắc. Từ đầu vụ đông xuân đến nay, tình hình sinh trưởng phát triển của lúa tại các tỉnh phía Bắc đã cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên Bộ trưởng nhấn mạnh, “ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”, năng suất lúa quyết định trong vòng 45 ngày cuối cùng của chu kỳ sinh trưởng .

Do đó trong vòng một tháng tới, sẽ là khoảng thời gian quyết định tới thắng lợi, là giai đoạn xung yếu, nhạy cảm nhất đối với tình hình sinh trưởng, do đang giai đoạn làm đòng, trỗ đòng, chắc hạt của lúa đông xuân tại phía Bắc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong vòng 1 tháng tới, là thời gian đặc biệt quan trọng để phòng chống dịch bệnh, giành thắng lợi vụ đông xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong vòng 1 tháng tới, là thời gian đặc biệt quan trọng để phòng chống dịch bệnh, giành thắng lợi vụ đông xuân. Ảnh: Thanh Nga.

Trong khi đó, diễn biến thời tiết thời gian qua, cũng như dự báo thời gian tới tại các tỉnh phía Bắc đang rất bất thường, với dự báo rét muộn, trời âm u, ít nắng, có mưa phùn, ẩm độ cao... kéo dài, đặc biệt lại là năm có nhuận hai tháng tư. Đây là những điều tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến các loại sâu bệnh trên lúa bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, bạc lá, rầy...

Bộ trưởng đề nghị các địa phương, trong bối cảnh phải triển khai phòng chống dịch Covid 19, không chủ quan lơ là đối với công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trong đó có dịch bệnh trên lúa đông xuân.

Theo đó, cần có kế hoạch chủ động dự báo, triển khai ứng phó, chỉ đạo phòng chống cho từng đối tượng sâu bệnh, trên từng trà lúa cụ thể, nhất là các trà lúa có nguy cơ cao.

UBND các tỉnh cần có chỉ thị cụ thể nhằm chỉ đạo, đôn đốc các địa phương bám sát công tác điều tra, dự thính dự báo, sớm phát hiện và xử lí đối với các loại sâu bệnh trên lúa. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, cảnh báo về dịch bệnh, khuyến cáo các giải pháp phòng chống, kể cả thông tin đại chúng, báo chí và hệ thống phát thanh xã phường. Đây là giải pháp rất quan trọng.

Bộ trưởng chỉ đạo Cục BVTV chỉ đạo các hệ thống chi cục vùng, cùng với ngành bảo vệ thực vật ở các địa phương bám sát đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra giám sát, kịp thời đưa ra các dự thính dự báo chính xác nhất để khuyến cáo, có giải pháp ứng phó, không để tình huống dịch bệnh nổ ra bất ngờ. Bởi dịch bệnh nếu nổ ra sẽ lây lan rất nhanh, nhất là bệnh đạo ôn, chỉ cần lơ là 1-2 ngày là đã có mức độ lây lan và tàn phá rất nghiêm trọng.

Không chỉ đối với sâu bệnh trên lúa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương phía Bắc cần hết sức lưu ý đối với các đối tượng sâu bệnh khác trên cây trồng như sâu keo mùa thu, châu chấu (nhất là các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ)...

Bên cạnh đó, bệnh lùn sọc đen trên lúa hiện vẫn còn nguồn bệnh lưu hành trong môi trường nên cần tiếp tục chủ động theo dõi, không được chủ quan...

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.