| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân thắng lợi toàn diện, tiếp đà hè thu, thu đông

Thứ Hai 30/03/2020 , 09:13 (GMT+7)

Tập trung mọi nguồn lực bảo vệ tốt các vụ lúa, hoa màu và vườn cây trái, không để xảy ra thiệt hại nghiệm trọng do nắng hạn, thiếu nước tưới và xâm nhập mặn.

Các công trình thủy lợi lớn do Bộ NN-PTNT đầu tư tại ĐBSCL sớm đưa vào sử dụng, đã phát huy hiệu quả cao trong bảo vệ sản xuất. Ảnh: Hoàng Vũ.

Các công trình thủy lợi lớn do Bộ NN-PTNT đầu tư tại ĐBSCL sớm đưa vào sử dụng, đã phát huy hiệu quả cao trong bảo vệ sản xuất. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đó là tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại hội nghị trực tuyến “Sơ kết sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2019 - 2020, kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, vụ mùa 2020 các tỉnh vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL”, tổ chức ngày 27/3. Hội nghị với sự tham dự của các Cục, Tổng cục, Viện trực thuộc Bộ và lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Lúa đông xuân vượt qua khô hạn khốc liệt

Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã làm mọi người phấn khởi khi khẳng định vụ lúa đông xuân (ĐX) 2019 - 2020 đã vượt qua nắng hạn, xâm nhập mặn rất khốc liệt để dành thắng lợi khá toàn diện.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ ĐX 2019-2020 đạt gần 1,62 triệu ha (giảm 68,5 nghìn ha), năng suất ước đạt 6,85 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 11 triệu tấn. Trong đó, riêng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,54 triệu ha, đóng góp tới 10,6 triệu tấn lúa.

Các giải pháp công trình đã được tỉnh Kiên Giang triển khai từ rất sớm để bảo vệ lúa ĐX và các vụ lúa tiếp theo khỏi xâm nhập nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Các giải pháp công trình đã được tỉnh Kiên Giang triển khai từ rất sớm để bảo vệ lúa ĐX và các vụ lúa tiếp theo khỏi xâm nhập nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện còn khoảng 15% diện tích lúa ĐX của khu vực này vẫn còn trên đồng ruộng, đang trong giai đoạn trổ, chín, sẽ thu hoạch dứt điểm từ nay đến tháng 4 tới. Riêng diện tích này sẽ cung cấp cho thị trường hơn 1,5 triệu tấn lúa hàng hóa. Vì vậy, các địa phương phải quyết liệt bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại xảy ra.

Hơn 1,6 triệu ha lúa ĐX đã được nông dân ĐBSCL bảo vệ tốt trước khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt, mang lại vụ mùa bội thu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Hơn 1,6 triệu ha lúa ĐX đã được nông dân ĐBSCL bảo vệ tốt trước khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt, mang lại vụ mùa bội thu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo ông Tùng, có được vụ ĐX thắng lợi toàn diện, nhờ xuống giống vụ ĐX 2019-2020 tại các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn từ 20-30 ngày so với vụ ĐX năm trước nên đã né được khô hạn, xâm nhập mặn cuối vụ.

Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, lúa lúc trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi không bị gặp mưa trái mùa, ngày nắng và đêm lạnh dẫn đến đậu hạt tốt và cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.

Vụ lúa ĐX vượt qua hạn hán, xâm nhập mặn, là một kỳ tích, mang lại sản lượng hơn 11 triệu tấn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Vụ lúa ĐX vượt qua hạn hán, xâm nhập mặn, là một kỳ tích, mang lại sản lượng hơn 11 triệu tấn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Vụ lúa ĐX thắng lợi trong khi tình hình nắng hạn, xâm nhập nặm diễn ra gay gắt, thậm chí được đánh giá còn nghiêm trọng hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, được cho là kỳ tích của ngành nông nghiệp các địa phương.

GS Tăng Đức Thắng, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đánh giá, xâm nhập mặn năm 2019-2020 nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt hạn, mặn lịch sử cách đây vài năm, thể hiện trên 2 chỉ số: “Độ mặn xâm nhập vào tất cả các cửa sông chính của ĐBSCL đều vượt ngưỡng lớn nhất và thời gian xâm nhập mặn của năm nay gấp 2 lần so với năm 2015-2016.

Vì vậy, không chỉ gây khó khăn cho sản xuất mà nhiều địa phương đang phải gồng mình lo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân”.

Lúa ĐX ở ĐBSCL thắng lợi, sản lượng lúa cho thị trường dồi dào, đảm nguồn cung cho thị trường và xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Lúa ĐX ở ĐBSCL thắng lợi, sản lượng lúa cho thị trường dồi dào, đảm nguồn cung cho thị trường và xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bảo vệ tốt lúa hè thu, thu đông

Cục Trồng trọt cũng đưa ra lịch xuống giống vụ hè thu (HT) 2020, toàn vùng Nam bộ gieo sạ gần 1,63 triệu ha, sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 9,2 triệu tấn. Trong đó, khu vực ĐBSCL gieo sạ gần 1,6 triệu ha, sản lượng 8,7 triệu tấn.

Nông dân ĐBSCL đang tích cực xuống giống vụ lúa HT, được khuyến cáo là phải tiếp tục phòng chống hạn, mặn để đảm bảo thắng lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân ĐBSCL đang tích cực xuống giống vụ lúa HT, được khuyến cáo là phải tiếp tục phòng chống hạn, mặn để đảm bảo thắng lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Lịch thời vụ khuyến cáo xuống giống trong tháng 3 và tháng 4, tập trung ở vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang).

Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa cách biển khoảng 70 km trở vào trong (thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh).

Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời, ở khu vực ven biển đến 50 km (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau).

Vụ lúa hè thu 2020 được cảnh báo là tiếp tục đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, cần có giải pháp ứng phó hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Vụ lúa hè thu 2020 được cảnh báo là tiếp tục đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, cần có giải pháp ứng phó hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Theo thống kê, tiến độ xuống giống lúa vụ HT đến ngày 20/3 ước đạt 305 ngàn ha, đạt 20% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ 40 ngàn ha, do lúa ĐX gieo sớm thu hoạch xong có thời gian xuống lại vụ HT. 

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết, để bảo vệ các vụ lúa trong năm 2020, ngành đã tiến hành đắp 195 đập ngăn mặn, giữ ngọt.

Nhờ các đập này, đã góp phần bảo vệ tốt diện tích lúa ĐX của tỉnh (chỉ có 1.598 ha bị thiệt hại, giảm năng suất). Các công trình này tiếp tục được duy trì, bảo vệ lúa HT đang xuống giống hiện nay.

Theo kế hoạch, Kiên Giang sẽ xuống giống 284 ngàn ha lúa HT, sản lượng thu hoạch dự kiến hơn 1,5 triệu tấn. Lịch gieo sạ tập trung làm 4 đợt chính, trong các tháng 3, 4, 5 và 6. Hiện các địa phương đã gieo sạ được hơn 55 ngàn ha, lúa đang phát triển tốt.

Tương tự, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ HT, TĐ và vụ mùa (trên nền đất nuôi tôm), tỉnh có kế hoạch xuống giống 155 ngàn ha.

Trong đó, cơ cấu nhóm giống lúa thơm, đặc sản chiến 40% diện tích gieo trồng. Hiện tỉnh đã có kế hoạch cho từng mùa vụ, cơ cấu giống.

Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân các biện pháp trữ nước ngọt để tưới cho lúa, rau màu, cây ăn trái.

Kế hoạch vụ thu đông (TĐ), diện tích xuống giống toàn vùng là là 750 ngàn ha, sản lượng hơn 4 triệu tấn.

Thời vụ xuống giống phân theo từng vùng ngập sâu (cuối tháng 6, đầu tháng 7), ngập nông (tháng 7, tháng 8), vùng ven biển (cuối tháng 7, đầu tháng 8), tất cả đều phải kết thúc trước 30/8.

Vụ lúa TĐ cần sử dụng những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. 

Vụ mùa và lúa - tôm, diện tích 278 ngàn ha, sản lượng 1,3 triệu tấn. Trong đó, lúa mùa một vụ gieo cấy khoảng tháng 9, lúa trên nền đất nuôi tôm xuống giống tháng 7, tháng 8.

Theo dự báo, nguồn nước cho ĐBSCL từ nay đến cuối tháng 5 vẫn hết sức khó khăn, do thiếu hụt dòng chảy. Về lũ năm 2020, dự báo là lũ nhỏ đến trung bình, thuận lợi cho sản xuất lúa TĐ.

“Vụ HT vẫn phải tiếp tục các giải pháp đối phó, né hạn mặn. Vụ TĐ cần chú ý đề phòng nước lũ trong mùa nước nổi. Vụ mùa trên nền đất nuôi tôm, đây là vụ lúa độc lập, riêng ở vùng ĐBSCL, cần tránh nước mặn xâm nhập sớm khi mùa mưa kết thúc sớm”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý các giải pháp cho các vụ lúa tiếp theo.

Chăm sóc vườn cây, rau màu

Theo Cục Trồng trọt, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ ĐX 2019-2020 ở các tỉnh Nam bộ ước đạt hơn 41 ngàn ha.

Trong đó, chuyển đổi qua cây hàng năm là hơn 30 ngàn ha, cây ăn quả gần 9 ngàn ha và nuôi trồng thủy sản là trên 700 ha. Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như: bắp, đậu phộng, đậu tương, mè, rau đậu các loại và cây ăn quả: cam, bưởi, xoài, thanh long.

Một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả như: cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng... đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều địa phương đã chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn, để giảm lượng nước tưới. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều địa phương đã chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn, để giảm lượng nước tưới. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đã chuyển đổi hơn 4.200 ha đất mía sang cây trồng khác, như rau màu, cây lâu năm và nuôi tôm. Kế hoạch tiếp tục chuyển đổi thêm hơn 9.000 ha nữa, chủ yếu qua cây trồng lâu năm và thủy sản.

Ông Huỳnh Thanh Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, địa phương đang có khoảng 10.000 ha bắp, còn lại là cây ăn quả, cây công nghiệp.

Cây ăn quả đang thu hạch rộ gồm: chuối hơn 10.000 ha, xoài 12.000 ha và diện tích bưởi, sầu riêng cũng khá lớn…

Ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước, phần lớn trái cây của tỉnh là xuất sang Trung Quốc nhưng do dịch Covid-19 kéo dài, đang gây ảnh hưởng đến đầu ra, nguy cơ dư thừa sản lượng rất lớn.

Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như: bắp, đậu phộng, đậu tương, mè và rau màu các loại. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như: bắp, đậu phộng, đậu tương, mè và rau màu các loại. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, năm nay tác động hạn, mặn đến vườn cây là rất lớn, nhất là tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới.

Đối với vườn cây sầu riêng, thiếu nước tưới sẽ làm cây bị tàn phá bộ rễ, khô cành, suy dinh dưỡng. Cây thiếu nước lâu đến khi tưới trở lại sẽ ra hoa, nông dân không nên giữ lại mà cần cắt bỏ để cứu cây.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục duy trì giải pháp để bảo vệ vườn cây ăn trái.

Cùng với các giải pháp kỹ thuật, tích nước, sử sụng biện pháp tưới tiết kiệm thì đơn giản như phủ gốc cây bằng rơm rạ, lá cây rụng để giữ ẩm cũng rất hiệu quả. ĐBSCL mỗi năm thải ra hàng chục triệu tấn rơm rạ từ sản xuất lúa, dùng để phủ gốc cây sẽ mang lợi lợi ích kép: vừa giữ ẩm vừa là phân hữu cơ khi mục nát.

Về lâu dài, phải có giải pháp tích nước cho ĐBSCL, từ tích nước tại nông hộ cho sinh hoạt và tưới cây đến tích nước cho cả vùng bằng những hồ chứa lớn.

 Chặt chẽ, linh hoạt, sát thực tế

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, đánh giá vụ lúa ĐX ở Nam bộ năm nay đã vượt qua được tình hình hạn, mặn rất khốc liệt, đạt thắng lợi khá toàn diện, bảo vệ tốt được năng suất, sản lượng.

Đó là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ và chính quyền các địa phương, sự tuân thủ khuyến cáo cơ cấu mùa vụ của bà con nông dân, với phương châm: “Chỉ đạo chặt chẽ, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế”.

Từ rất sớm, đã có sự rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời, dự đoán những vùng có nguy cơ hạn, mạn và biện pháp khắc phục, nhất là biện pháp công trình.

Điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong từng tỉnh, đẩy lên sớm nhất có thể để né hạn cuối vụ.

Khuyến cáo sử dụng các giống lúa phù hợp thực tế sản xuất, nhu cầu thị trường, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, thích ứng với hạn, mặn.

Nhận thức và kinh nghiệm của người dân về tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng giống, thâm canh trong sản xuất ngày càng cao.

Tuy nhiên, vẫn còn một tồn tại như chủ quan, xuống giống ngoài vùng quy hoạch, không theo khuyến cáo của nông dân ở một số địa phương, gây thiệt hại, với tổng diện tích khoảng 33.000 ha bị hạn, mặn, thiếu nước tưới, gây thiệt hại đến năng suất.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa ĐX, cần tập trung vệ sinh đồng ruộng kỹ, diệt mầm sâu bệnh cũng như tránh ngộ độc hữu cơ.

Sản xuất lúa HT và TĐ, hạn mặn chưa chấm dứt, cần phải phân vùng rõ ràng để có khuyến cáo cụ thể.

Vùng nào không bị ảnh hưởng hạn, mặn thì xuống giống lúa HT sớm. Còn vùng ven biển của 8 tỉnh có biển, chỉ xuống giống khi có mưa xuống và cần phải tiến hành rửa mặn trước khi gieo sạ. Phải rà soát đê bao cho diện tích lúa TĐ, sản xuất là phải ăn chắc, tránh thiệt hại do lũ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Bảng lương chi tiết viên chức năm 2025

Sau đây là bảng lương của công chức 2025 dự kiến áp dụng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Bảng lương này chưa bao gồm các phụ cấp.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.