Bài học từ vụ đông xuân
Ngay từ đầu vụ ĐX 2019 – 2020, xác định nước trong các hồ chứa trên địa bàn Nam Trung bộ giảm 20% so với cùng kỳ, nên các tỉnh trong khu vực đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu là thay đổi lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tưới tiết kiệm nên đã tiết kiệm được nước tưới và đạt được thắng lợi lớn, năng suất lúa thậm chí còn đạt cao hơn vụ ĐX năm trước.
Có thể đơn cử ví dụ tại Bình Định. Trước khi bước vào vụ ĐX 2019 – 2020, ngành nông nghiệp tỉnh này đã đề ra lịch thời vụ là ngày 25/12, nhưng trước dự báo năm nay hạn sẽ đến sớm, nên lịch thời vụ được kéo sớm hơn 15 ngày, mới ngày 10/12 ngành nông nghiệp tỉnh này đã vận động nông dân gieo sạ đồng loạt.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, gieo sạ sớm tại thời điểm nhiệt độ chưa cao, lượng bốc thoát hơi nước không lớn nên tiết kiệm được nước trong các hồ chứa. Do đó, trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn tích lũy được lượng nước kha khá để tưới cho vụ hè thu.
“Vụ ĐX năm nay, chúng tôi khẳng định năng suất cao nhất từ trước tới nay, có nhiều vùng năng suất đạt đến 80 tạ/ha”, ông Hổ khẳng định.
Dự báo vụ hè thu năm nay trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ sẽ vắng mưa, thêm vào đó các tỉnh Tây Nguyên cũng đang hạn, nên lượng nước bổ sung cho các sông ở đồng bằng ắt phải giảm, dự kiến mực nước các sông trong khu vực sẽ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 30 – 40%. Nguy cơ trong năm nay vụ hè thu ở các tỉnh Nam Trung bộ sẽ bị hạn gay gắt.
Rút kinh nghiệm từ giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả của vụ đông xuân nhờ kéo lịch thời vụ sớm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiên quyết chỉ đạo ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để làm giảm áp lực về nước tưới cho vụ hè thu.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, các giải pháp né hạn mà các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ cần áp dụng trong vụ HT này là: Trước tiên, vụ ĐX thu hoạch đến đâu cần tổ chức gieo sạ vụ HT đến đó, để tận dụng độ ẩm còn trong ruộng từ vụ ĐX để làm đất, như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng 1 lứa nước.
Song song, ngành nông nghiệp các tỉnh cần khuyến cáo nông dân sạ các giống lúa ngắn ngày, đồng thời tiếp tục áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm mà nông dân các tỉnh đã áp dụng mấy năm nay rất hiệu quả, như tưới ướt khô xen kẽ, tưới nông - lộ - phơi.
“Còn một giải pháp né hạn khác mà các địa phương cần lưu ý là: Ở những diện tích lúa ăn nước vùng tưới của những hồ chứa nhỏ, chắc chắn sẽ bị hạn vào thời điểm cuối vụ HT, cần tập trung máy móc thu hoạch nhanh vụ ĐX và tổ chức làm đất gieo sạ ngay, sau đó mới tập trung thu hoạch và gieo sạ những vùng ít có nguy cơ thiếu nước.
Như vậy, đến thời điểm hạn gắt, thì những diện tích ở vùng thiếu nước được gieo sạ trước lúa đã bắt đầu chín, giảm được thiệt hại do thiếu nước. Những diện tích sạ sau ở những vùng chủ động nước thì không lo, vì nước được đảm bảo tưới đến cuối vụ”, TS Hồ Huy Cường cho hay.
Giải pháp căn cơ
Theo TS Hồ Huy Cường, tổng diện tích gieo trồng vụ HT hàng năm của các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ vào khoảng 750.000ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng hơn 300.000ha.
Vào những vụ HT hàng năm, trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Thuận ra đến Đà Nẵng có khoảng gần 30.000ha là luôn bị hạn hán hoành hành, năng suất bấp bênh.
Chỉ gần 30.000ha lúa bị hạn mà năm nào Bộ NN-PTNT cũng hao tốn nhiều thời gian đến từng địa phương để chỉ đạo chống hạn, chính quyền và ngành chức năng các địa phương thì chạy “vắt giò lên cổ” để tìm giải pháp cứu lúa. Ấy vậy mà năm nào thiệt hại cũng rất lớn, cả hàng trăm tỷ đồng trên toàn khu vực.
Ví như ở Bình Định, trong vụ HT năm 2019, tỉnh này gieo sạ 42.500ha lúa và hơn 10.200ha cây trồng cạn. Đến thời điểm hạn gắt thì có 11.445ha lúa thiếu nước tưới; trong đó có 4.545ha phải áp dụng nhiều giải pháp để chống hạn và 6.900ha phải bơm tưới vượt định mức. Ấy vậy mà vẫn có trên 1.000ha lúa bị chết khô trên đồng, 4.064ha khác bị thiếu nước vào cuối vụ làm mất năng suất.
“Năm ngoái chúng tôi đã phải đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ khoản kinh phí là gần 56 tỷ đồng. Trong đó hơn 27,1 tỷ dùng vào việc mở mạng cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, còn kinh phí chống hạn cho những diện tích lúa là gần 29 tỷ đồng”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.
Trước thực trạng trên, theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, những vùng sản xuất lúa chỉ chủ động được từ 40 – 60% nước tưới so với nhu cầu, chủ yếu trên chân cao và chân vàn trong khu vực Nam Trung bộ cần kíp phải chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn.
Đối tượng cây trồng cạn để chuyển đổi thì các địa phương đã xác định, chủ yếu là cây đậu phộng (lạc), vừng (mè), ngô (bắp) và đậu xanh.
Trao đổi về giải pháp né hạn trong vụ hè thu vùng Nam Trung Bộ với ngành chức năng các tỉnh trong khu vực, chúng tôi được nghe nhiều ý kiến thiết thực.
Trong đó giải pháp căn cơ nhất là đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ, chỉ đạo đơn vị nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, “điểm mặt” những vùng thường xuyên bị hạn gây hại.
Nghiên cứu khi mực nước trong các hồ chứa ở mức nào thì cấp độ hạn sẽ ra sao, tất cả những thông số trên được thể hiện trên bản đồ hạn hán của toàn vùng.
Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động trong việc bố trí sản xuất trong những vụ hè thu, vùng nào nên tiếp tục sản xuất lúa, vùng nào cần phải chuyển đổi sang cây trồng cạn.
Vật liệu để phục vụ công cuộc chuyển đổi là giống và biện pháp canh tác trong chuyển đổi thì các địa phương sẽ trông cậy vào đơn vị nghiên cứu khoa học nông nghiệp đóng trên địa bàn.
"Đèn xanh" đã bật
Theo TS Hồ Huy Cường, hiện Luật Trồng trọt đã có hiệu lực, trong đó cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang các cây trồng khác mà không thay đổi kết cấu.
Như vậy là “đèn xanh” đã bật, đã đến lúc các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Trong đó, TS Cường lưu ý các địa phương nên chuyển những vùng đang sản xuất lúa trên chân đất cao thường bị hạn sang trồng các loại cây ăn quả.