Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và sửa đổi, bổ sung 4 lần nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới đã xuất hiện từ thực tiễn như yêu cầu giảm phát thải, tăng cường phân cấp, phân quyền về địa phương, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước...
Tại họp báo thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, quan điểm xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là càng chi tiết càng tốt.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, tại dự thảo luật, vai trò của địa phương tiếp tục được nâng cao. Những nội dung kỹ thuật, nội dung mới sẽ được luật định một cách chi tiết, cụ thể.
Đồng thời, Bộ cam kết họp bàn với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan tới Luật Điện lực (sửa đổi). Trong thời gian này, Bộ Công thương cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch triển khai trình Chính phủ cùng các văn bản hướng dẫn để các cấp, các ngành có thể triển khai đồng bộ ngay khi Luật được Quốc hội thông qua.
Nhấn mạnh việc sửa Luật Điện lực là cần thiết, cấp bách, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho rằng đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất toàn hệ thống vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Luật còn thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện trong toàn hệ thống, góp phần giúp Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân.
6 mục tiêu chính của Luật Điện lực (sửa đổi) theo ông Hòa gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Cùng với đó, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả, đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Điểm nổi bật tại dự thảo lần này là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Trên tinh thần Nhà nước độc quyền xây dựng những dự án điện này, Bộ Công Thương cho biết việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động cũng như bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử cùng các quy định liên quan.
Tùy thuộc tình hình kinh tế - xã hội, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định Thủ tướng sẽ cho phép cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm bảo đảm an toàn cao nhất.
"Nhiều quốc gia phát triển, sử dụng điện hạt nhân là nguồn năng lượng chính", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ. Ông khẳng định việc triển khai dự án điện hạt nhân phải "đưa mức rủi ro về 0" và hứa ngay khi cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, quy trình cụ thể về đầu tư nguồn điện hạt nhân sẽ được đưa ra.
Trong Quy hoạch điện VIII, điện hạt nhân không được nhắc đến. Vào đầu tháng 9/2024, Bộ Công thương đã gửi văn bản đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch, trong đó đề cập việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (khoảng 300MW mỗi tổ máy). Ưu điểm của nhà máy loại này là thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24 - 36 tháng).
Tương tự như việc hấp thụ carbon của rừng, sử dụng điện hạt nhân, năng lượng tái tạo được tính vào hoạt động giảm phát thải của mỗi quốc gia.