Hôm qua 31-5, ngày thứ 10 của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, thì giá điện trong dự thảo sửa đổi Luật Điện lực là nhóm đối tượng cần có nhiều văn bản liên đới nhất với 9 văn bản.
Ngay khi kết thúc bài trình bày của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về dự thảo sửa đổi Luật Điện lực, nhiều ý kiến cho rằng, giá bán điện bình quân của Việt Nam càng ngày càng thấp hơn so với giá thành, không thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào điện. Thế nhưng lãnh đạo Bộ Công thương lại lý giải: cơ chế điều chỉnh giá điện vẫn do Thủ tướng Chính phủ quy định nhưng các chi tiết về cơ cấu biểu giá sẽ giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện là Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công thương. Giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng, hiện nay chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Căn cứ giá điện sẽ được dựa trên các báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ lưu ý lộ trình của giá điện hiện nay phát triển theo 3 giai đoạn: thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn 2005 – 2014; thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2015 – 2022 và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh áp dụng từ sau năm 2022. Theo ông Dũng, chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện trong nhiều năm tới nếu như Chính phủ “thả” cho doanh nghiệp quyết định giá điện bán lẻ.
Vì vậy, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp về giá. Chủ nhiệm UB KHCN&MT đề xuất, Luật Điện lực sửa đổi phải theo hướng Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá, nhằm phù hợp với dự thảo luật Giá. Để làm rõ những lý do mà mình đề xuất, ông Dũng nêu một số kinh nghiệm quốc tế về phí điều tiết điện lực.
Như ở Hoa Kỳ, Uỷ ban điều tiết năng lượng liên bang (FERC) là cơ quan điều tiết độc lập nhiều lĩnh vực thuộc Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm điều tiết ngành điện, cấp giấy phép hoạt động cho các nhà máy thủy điện, điều tiết các hoạt động vận chuyển dầu, khí. Còn tại Singapore thì Cục điều tiết năng lượng Singapore (trực thuộc Bộ Công Thương) điều tiết giá điện và các hoạt động của thị trường năng lượng.