Tư duy đổi mới, tư duy toàn cầu
Ngày 6/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), đoàn khách quốc tế “xông đất” Bộ NN-PTNT trong năm Ất Tỵ.
Thay mặt những người làm nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của FAO thông qua hơn 400 dự án về phát triển nông, lâm, thủy sản bền vững, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính. Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực giúp ổn định đời sống người dân sau chiến tranh và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Đáp lời Bộ trưởng, ông Khuất Đông Ngọc bày tỏ sự trân trọng trước sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong các dự án do FAO khởi xướng, không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng chuyển đổi tư duy chính là yếu tố then chốt để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Tư duy đổi mới, tư duy toàn cầu chính là lợi thế của Bộ NN-PTNT. Các bước tiếp theo cần hướng đến phát triển đồng bộ các ngành hàng, từng bước xây dựng nền kinh tế nông nghiệp xanh, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới”, lãnh đạo FAO nhận xét.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông cho rằng, mỗi nền nông nghiệp thịnh vượng đều bắt đầu từ các sản vật địa phương như OCOP, nâng cao giá trị ngành hàng, rồi tiến tới xây dựng những “đô thị xanh” tại làng quê. Đó là ba những cột mốc quan trọng giúp cải thiện an sinh xã hội cho người dân nông thôn.
Việt Nam đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với các xu hướng mới như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, kiểm soát thất thoát lương thực. Trong khuôn khổ Ngày Lương thực Thế giới 2024, 45 đối tác trong và ngoài nước đã cùng ký kết Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại Việt Nam, khẳng định cam kết chung vì một nền nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đang từng bước hình thành một vùng chuyên canh lúa đạt tiêu chuẩn cao, cải thiện thu nhập của nông dân, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Tổng giám đốc FAO đánh giá cao sáng kiến này và khuyến nghị rằng, sau bước đầu thành công chuyển đổi xanh ngành hàng lúa gạo, Việt Nam có thể nhân rộng mô hình sang các ngành hàng khác như nông sản, lâm nghiệp và thủy sản.
Ông Khuất Đông Ngọc cho biết: “Chúng tôi cũng theo dõi sát sao những thay đổi thể chế của Việt Nam và hy vọng rằng việc hợp nhất hai bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi. Trong bối cảnh kinh tế mới, môi trường và an ninh lương thực là hai yếu tố song hành, bổ trợ lẫn nhau”.
Hướng đến sự thịnh vượng chung của Nam bán cầu
Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào chương trình Hợp tác Nam - Nam. Theo Tổng Giám đốc FAO, đây chính là thời điểm để Việt Nam mở rộng vai trò, vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực an ninh lương thực, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Ấn Độ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, năm qua, Bộ NN-PTNT đã tiếp đón nhiều Bộ trưởng và Đại sứ châu Phi hơn bao giờ hết. Với nguồn lực mà FAO huy động, ông kỳ vọng hoạt động hợp tác này sẽ ngày càng được đẩy mạnh.
“Tuy nhiên, các dự án hiện tại vẫn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung vào các gói hỗ trợ kỹ thuật như lai tạo giống lúa, canh tác và thủy lợi. Trong thời gian tới, Bộ kỳ vọng sẽ nâng quy mô của hợp tác quốc tế thông qua cơ chế Nam Nam và ba bên, không chỉ dừng lại ở từng dự án riêng lẻ”, Bộ trưởng đề xuất.
Người đứng đầu ngành NN-PTNT cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ chuyên gia Việt Nam - những người am hiểu sâu sắc về châu Phi, từ văn hóa, kinh tế đến những khó khăn thực tế tại khu vực này. Đây chính là lực lượng nòng cốt giúp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác Nam - Nam hiệu quả và bền vững.
“FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào Hợp tác Nam - Nam, bởi điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cả các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu”, ông Khuất Đông Ngọc khẳng định.
Nhân dịp này, Bộ NN-PTNT và FAO đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy các mục tiêu chung trong cơ chế hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên.
Một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác chính giữa FAO và Bộ NN-PTNT là hỗ trợ kỹ thuật trong nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng, công nghệ quản lý tài nguyên, Một sức khỏe, an toàn thực phẩm, nông nghiệp sinh thái, hành động khí hậu.