Trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng
Thứ Ba 26/07/2022 , 10:20 (GMT+7)Nằm cách thành phố Hòa Bình chừng 50km, bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đang từng ngày thay da đổi thịt.
Đời sống của gần 80 hộ người Dao nơi đây ngày một được nâng cao, môi trường sống sạch đẹp, mà vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ của núi rừng. Sự thay đổi của bản Sưng có được là nhờ bà con người Dao tham gia vào làm du lịch cộng đồng. Theo đó, từ năm 2017, với sự trợ giúp của một số tổ chức phi chính phủ và những người yêu thiên nhiên, người Dao bản Sưng đã bắt tay vào làm du lịch, quyết tâm biến những gì thiên nhiên ban tặng thành sinh kế mới. Bản Sưng đã chọn ra 3 hộ gia đình thử nghiệm làm du lịch cộng đồng. Các hộ dân được tập huấn kỹ năng làm du lịch, từ bài trí homestay, nấu ăn, cho đến cách phục vụ du khách. (Trong ảnh: Bản Sưng nhìn từ trên cao).
Nếu như trước đây, người Dao ở bản Sưng chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ khai thác nông lâm thổ sản, nên kinh tế rất eo hẹp. Cộng thêm đường sá đi lại khó khăn, khiến cho bản Sưng nằm tách biệt với cộng đồng. Nhờ chuyển đổi sang làm du lịch, bản Sưng được biết đến nhiều hơn, đời sống của người dân cũng thay đổi. Bản Sưng ngày nay đã có điện lưới, có internet, đường sá đi lại cũng dễ dàng hơn. Có thời điểm, hàng chục đoàn khách, phần lớn là người nước ngoài tìm đến khám phá và lưu trú ở bản. Chính vì thế, các dịch vụ khác cũng theo đó mà phát triển, giúp người dân có thêm thu nhập, các giá trị văn hóa truyền thống cũng được tôn vinh, gìn giữ. (Trong ảnh: Một góc Homestay Nhất Quý – bản Sưng).
Về với bản Sưng, du khách được sống giữa thiên nhiên hoang sơ, thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng như gà đồi, cá suối, măng rừng, rượu cần, rượu hoẵng. Đồng thời, được tìm hiểu phong tục, tập quán truyền thống, kiến trúc nhà ở và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương cũng như trải nghiệm các hoạt động văn hóa bản địa như thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong trên vải, tắm thuốc lá người Dao, biểu diễn văn nghệ... (Trong ảnh: Điểm trưng bày trang phục thổ cẩm của người Dao bản Sưng).
Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn hành trình khám phá hang Sưng, nằm cách bản chừng 30 phút đi bộ. Đi bộ từ bản lên vai núi chừng 2km, du khách sẽ đến được hang Sưng có chiều sâu gần 200m hoàn toàn hoang sơ, với vòm đá nhũ muôn hình vạn trạng, có suối chảy róc rách. Khám phá hang Sưng đem đến cho du khách những giây phút hòa mình vào thiên nhiên kỳ vỹ khó quên.(Trong ảnh: Du khách khám phá hang Sưng).
Một nét đẹp văn hóa mà bản Sưng vẫn còn giữ được cho đến ngày nay chính là những căn nhà lợp bằng lá cọ. Những mái lá rêu phong, chiều chiều nghi ngút khói bếp làm cho du khách như lạc vào cõi mơ. Nếu may mắn đến bản Sưng vào ngày đang có nhà nào lợp lại mái lá, du khách sẽ được sống trong không khí cộng đồng của người Dao. Sau phần làm lễ của thầy cúng, cả bản sẽ cử người đến giúp gia chủ lợp mái nhà. Mỗi mái lá tồn tại được 5-7 năm mới phải thay lượt lá khác. (Trong ảnh: Ngày “hội” lợp mái nhà ở bản Sưng).
Người Dao bản Sưng còn đang cố gắng giữ gìn và khôi phục việc dạy chữ cho con em trong cộng đồng. Ông Lý Văn Minh (ảnh) – người trực tiếp dạy chữ cho biết, mỗi tháng lớp tổ chức học 2 - 3 buổi cho 10-15 con em, với hy vọng chữ viết của người Dao được bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngoài ra, ông Minh cũng cần mẫn sao lại các cuốn sách cổ ghi chép về nghi thức cúng lễ, hay các bài ca của người Dao với mong muốn lưu lại cho thế hệ sau.
Chị Lý Sao Mai, điều phối viên của dự án phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sưng cho biết, với sự trợ giúp của Tổ chức Action on CBT – một đơn vị chuyên hỗ trợ về phát triển du lịch cộng đồng, bà con người Dao bản Sưng đang dành nhiều công sức xây dựng các điểm tham quan. Action on CBT còn giúp kết nối với các đoàn thiện nguyện trong và ngoài nước đến thăm và tham gia cải tạo cảnh quan môi trường ở bản. Nhờ có du lịch mà cảnh quan môi trường ở bản Sưng cũng được gìn giữ theo hướng Xanh – Sạch – Đẹp. Trong thời gian tới, bản Sưng sẽ thành lập thêm tổ dệt thổ cẩm, khôi phục nghề làm giấy dó của dân tộc Dao… Đồng thời, phát triển thêm một số hộ tham gia hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng để đáp ứng như cầu của khách du đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. (Trong ảnh: Đoàn thiện nguyện đến từ Anh giúp đồng bào cải tạo môi trường).
Nhóm bạn trẻ 11 năm liền hỗ trợ đưa ông Táo lên trời
11 năm qua, các bạn trẻ của Nhóm Cá Chép luôn có mặt mỗi dịp Tết ông Táo, hỗ trợ người dân thả cá với thông điệp 'Thả cả đừng thả túi nilon'.
Làng rèn 300 năm tuổi ngày đêm đỏ lửa dịp cận Tết
Quảng Ngãi Từ sáng sớm đến tối mịt, làng rèn truyền thống ở xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) luôn đỏ lửa để kịp sản xuất ra các sản phẩm cung ứng cho thị trường Tết.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT dâng hương, thả cá tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 21/1, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn cán bộ của Bộ NN-PTNT dâng hương tưởng niệm và thả cá nhân dịp Xuân Ất Tỵ tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trại gà Móng 7.000 con, đặc sản trứ danh của Hà Nam
Gà làng Móng hay còn gọi là gà Móng cùng với cá kho làng Vũ Đại là những đặc sản trứ danh của tỉnh Hà Nam.
Bình minh trên những đầm rươi
Khi mặt trời ló rạng, nước bên trong đầm dần rút đi để lộ ra những lỗ nhỏ chi chít trên mặt bùn, đó chính là lỗ rươi.
Đào rừng cổ thụ giá hàng chục triệu đồng xuống phố
Hà Tĩnh Những gốc đào rừng tuổi đời hàng chục năm vừa được hạ sơn, đem về thành phố Hà Tĩnh phục vụ khách hàng chơi Tết. Giá bán trung bình từ 10 đến 60 triệu đồng/gốc.