Hòa chung với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững của tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, thành phố Thái Nguyên cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, trong đó nổi bật là cây chè.
Nằm cách hồ Núi Cốc khoảng 4km, vườn chè của gia đình chị Đỗ Thị Đào tại xã Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên) thu hút rất đông nông dân tới học hỏi cách làm chè theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ tự ủ bằng các loại trái cây mà bà con hay truyền tai nhau rằng “cho chè uống siro trái cây”.
“Tôi tìm tới các tiểu thương thu mua các loại trái cây không còn sử dụng. Sau đó nghiền nát, thêm nước rồi ủ với men vi sinh trong thùng nhựa từ 2 - 3 tháng. Mỗi thùng ủ có dung tích 200 lít pha loãng với 2.000 lít nước để bón cho cây chè qua hệ thống tưới tự động”, chị Đào cho biết.
Vườn chè 4 năm tuổi, rộng hơn 2.000m2 đã được bón phân hữu cơ ủ vi sinh ngay từ khi mới trồng. Chị Đào cho hay, gia đình chị đã gắn bó với nghề nông từ nhiều đời tại Thái Nguyên. Chè là cây trồng chủ lực của Thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung, do đó chị Đào muốn phát triển cây chè theo hướng bền vững, hữu cơ để tăng tối đa giá trị.
Việc ủ phân hữu cơ bằng trái cây thải loại giúp tránh lãng phí nguồn tài nguyên phế phụ phẩm. Ngoài ra, phân hữu cơ ủ bằng phương thức này còn tiết kiệm được đáng kể chi phí cho nông dân nhờ giá thành rẻ hơn so với các loại phân tổng hợp truyền thống.
Theo chị Đào, bón phân hữu cơ ủ vi sinh giúp cây chè phát triển bộ rễ khỏe, nhờ đó chè hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng từ đất. Đất nhờ đó cũng trở nên tơi xốp, giun đất ngày càng sinh sôi.
Sức đề kháng tốt, cây chè chống chịu tốt với các loại sâu bệnh nên 4 năm qua chị Đào cùng bà con không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Bất chấp thời tiết diễn biến bất thường, cây chè vẫn sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao.
Ngoài các lợi ích về kinh tế, giảm công lao động, sử dụng phân bón hữu cơ còn bảo vệ sức khỏe của chính nông dân tham gia sản xuất.
“Gia đình tôi sống ngay cạnh đồi chè, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, gia đình tôi sẽ là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên, sau đó tới bà con thu hái, rồi người tiêu dùng. Do đó, việc canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Tôi sẵn sàng hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm với bà con có mong muốn theo đuổi phương thức canh tác chè hữu cơ để xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên an toàn, bền vững và chất lượng cao”, chị Đào chia sẻ.
Là nông dân trẻ tham gia hái chè tại xã Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), chị Nguyễn Thị Lan rất hài lòng với không khí vườn chè được bón phân hữu cơ.
“Không khí trong lành, cảm giác mình làm việc mà không phải lo nghĩ gì tới việc phải tiếp xúc với hóa chất độc hại nên quả thực rất nhẹ đầu. Mong muốn của mình là gắn bó lâu dài với nông nghiệp, nên việc bảo vệ sức khỏe là rất quan trọng” chị Lan khen ngợi.
Bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên cho biết, chủ trương của Thành phố là phát triển cây chè có giá trị kinh tế cao, theo hướng bền vững, hữu cơ, an toàn với sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã phát triển nhiều mô hình trồng chè VietGAP, hữu cơ và hướng tới việc thay đổi nhận thức của người dân, tạo ra sản phẩm giá trị cao.
Hiện thành phố Thái Nguyên có tổng diện tích chè khoảng 1.500ha, tập trung nhiều tại các xã phía của Thành phố như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng… Để nâng cao giá trị cây chè, thành phố Thái Nguyên đã ban hành, triển khai các đề án như bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, bảo tồn giống chè Trung du.
Thời gian tới, thành phố Thái Nguyên sẽ tiếp tục hỗ trợ liên kết giữa các khâu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè để bà con yên tâm canh tác bền vững.