Chuyển đổi số đang tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp trên toàn thế giới, nâng cao hiệu quả, năng suất và tính bền vững. Bỉ, một quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển cao, đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng này. Ngành nông nghiệp Bỉ có năng suất cao, tập trung vào cây trồng có giá trị cao, chăn nuôi và làm vườn. Bỉ nổi tiếng với nền nông nghiệp thâm canh với trọng tâm là đổi mới, đặc biệt là ở vùng Flanders, nơi dẫn đầu trong lĩnh vực làm vườn và nông nghiệp chính xác.
Ngành nông nghiệp Bỉ đang nổi lên với các công nghệ và đổi mới chủ chốt như nông nghiệp chính xác (precise farming), hệ thống ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu lớn (Big data), nhà kính thông minh (smart greenhouse), ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc.
Bỉ là nước dẫn đầu trong nông nghiệp chính xác, sử dụng các công nghệ như máy kéo dẫn đường GPS, cảm biến đất và máy bay không người lái. Nghiên cứu của Agoria (2023) cho thấy 70% trang trại ở Flanders sử dụng công nghệ nông nghiệp chính xác, giúp giảm chi phí đầu vào tới 20% và tăng năng suất từ 10-15%. Đồng thời, việc sử dụng phân tích dữ liệu trong canh tác đã phát triển đáng kể, được hỗ trợ bởi các nền tảng như WatchITgrow, giúp nông dân theo dõi sự phát triển của cây trồng, phân tích thời tiết và tối ưu hóa việc sử dụng phân bón (ILVO, 2022).
Nền tảng này đã giúp tăng năng suất lên tới 12% trong các dự án thí điểm. Ngành làm vườn của Bỉ được hưởng lợi từ các nhà kính thông minh được trang bị thiết bị IoT (Internet of things) giúp kiểm soát điều kiện môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng 30% và tiêu thụ nước 20% (Proefcentrum Hoogstraten, 2023). Công nghệ blockchain trong nông nghiệp Bỉ đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm, rất quan trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Chiến lược "Farm to Fork" (Từ trang trại đến bàn ăn) của Liên minh Châu Âu thúc đẩy sử dụng blockchain để minh bạch chuỗi cung ứng, tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến nhất và hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp, Chính phủ Bỉ đã đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, xây dựng nguồn nhân lực và cơ chế tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững.
Chính phủ Bỉ, kết hợp với các chính quyền vùng, cung cấp các khoản trợ cấp và tài trợ cho đổi mới nông nghiệp. Năm 2022, hơn 50 triệu euro đã được phân bổ cho các dự án chuyển đổi số trong kế hoạch "Digital Belgium" (Nước Bỉ chuyển đổi số).
Cùng với kế hoạch này, Bỉ đầu tư vào đào tạo nông dân thông qua các sáng kiến như dự án nông nghiệp thông minh, cung cấp các khóa học về kỹ năng số và đào tạo thực hành với công nghệ mới. Năm 2023, hơn 5.000 nông dân đã tham gia các chương trình này.
Các công cụ số đều được tích hợp vào các chính sách nhằm giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Bỉ đặt mục tiêu giảm 50% sử dụng thuốc trừ sâu và đạt mục tiêu nông nghiệp trung tính carbon vào năm 2050.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm thành công của Bỉ trong nông nghiệp chính xác bằng cách trợ giá thiết bị như máy móc dẫn đường GPS và cảm biến đất. Các dự án thí điểm có thể được triển khai ở ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng, những khu vực trọng điểm sản xuất lúa gạo.
Đồng thời, có thể xem xét xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia tương tự như WatchITgrow của Bỉ, giúp nông dân Việt Nam tiếp cận dữ liệu thời tiết, điều kiện đất đai và xu hướng thị trường theo thời gian thực. Đầu tư vào những nền tảng này sẽ giúp người sản xuất cải thiện quá trình ra quyết định theo tiêu chí tối ưu hóa chi phí (giảm lãng phí) và tăng năng suất cây trồng.
Đầu tư vào công nghệ blockchain có thể cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, điều này rất quan trọng cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Blockchain cũng giúp các hộ nông dân nhỏ kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, nâng cao tính minh bạch và tin cậy.
Trong thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo, cần khuyến khích hợp tác giữa các công ty công nghệ, viện nghiên cứu và nông dân nhằm xác định các nhu cầu cụ thể và tìm ra giải pháp phù hợp với Việt Nam. Các sáng kiến có thể tập trung vào các giải pháp địa phương hóa, chẳng hạn như phát triển hệ thống tưới thông minh cho các khu vực khô hạn.
Ngoài ra, cũng nên điều chỉnh các chính sách nông nghiệp theo các chiến lược chuyển đổi số rộng hơn, thiết lập các mục tiêu rõ ràng cho việc áp dụng công nghệ vào năm 2030. Điều này bao gồm việc xây dựng một khung pháp lý hỗ trợ đổi mới, khuyến khích đầu tư và tích hợp công cụ số vào các mục tiêu bền vững quốc gia
Ngành nông nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với các trường đại học trong nước và các tổ chức quốc tế để mở rộng các chương trình đào tạo kỹ năng số. Mô hình nông nghiệp của Bỉ có thể được điều chỉnh trong các chương trình đào tạo về sử dụng ứng dụng di động và phân tích dữ liệu.
Kinh nghiệm chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp của Bỉ mang lại những bài học quý giá cho Việt Nam. Bằng cách áp dụng các công nghệ và chính sách tương tự, Việt Nam có thể hiện đại hóa nông nghiệp, cải thiện tính bền vững và tăng cường an ninh lương thực. Các khoản đầu tư chiến lược, chương trình đào tạo bài bản và chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là yếu tố thiết yếu thúc đẩy sự chuyển đổi này.