![doveco-7-123205_458.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-7-123205_458-154845.jpg)
Thăm vùng trồng dứa nguyên liệu huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
1.
Đầu xuân Ất Tỵ, nhận lời mời của ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), chúng tôi cùng với PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN–PTNT, hiện là Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam xuất hành thăm vùng nguyên liệu dứa của DOVECO mới trồng năm rồi ở Hà Tĩnh.
Điểm đến là xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, một vùng bán sơn địa nằm bên hồ Kẻ Gỗ và sông Rào Cái, vùng đất cách mạng của quê hương Hà Tĩnh. Nhờ cao tốc Bắc Nam mà quãng đường hơn 200 cây số từ Tam Điệp vào Cẩm Xuyên giờ đây đã được rút ngắn thời gian xuống còn hơn 2 tiếng rưỡi. Đường thẳng tắp chạy qua làng mạc, ruộng đồng, đồi núi. Dọc hai bên đường, những dải đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" xưa nay gắn với sự khó nhọc xứ Thanh Nghệ Tĩnh đã và đang được cải tạo, thức dậy bằng bàn tay lao động của con người.
![doveco-11-123319_672.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-11-123319_672-154845.jpg)
Trồng dứa trên vùng đất khó. Ảnh: Tùng Đinh.
Như miền thượng của huyện Cẩm Xuyên cũng vậy. Vừa đặt chân đến đây ai nấy đều cảm thấy thực sự ngỡ ngàng. Thậm chí PGS.TS Lê Quốc Doanh còn gọi là kỳ tích. Là bởi cũng như mấy huyện ven biển Kỳ Anh, Thạch Hà hay ngược lên miền núi Hương Khê, Vũ Quang, xưa nay nông nghiệp Cẩm Xuyên luôn là vấn đề khó. Xứ sở "chảo lửa túi mưa" tự bao đời nay cứ loay hoay mãi với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì. Dù diện tích đất sản xuất đứng hàng nhất tỉnh với hơn 10.000ha trồng lúa, hơn 30.000ha đất lâm nghiệp, lại có đầy đủ cả “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, cộng thêm dân số cũng thuộc hàng nhiều nhất trong số các huyện, nguồn nhân công lao động dồi dào, nhưng để nói người dân có thể sống được với ruộng vườn vẫn là chưa.
Những năm gần đây, nhờ chính sách giao đất giao rừng, phát triển hợp tác xã, thu hút đầu tư vào nông nghiệp mà bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Cẩm Xuyên dần thay đổi. Phát huy lợi thế quỹ đất sản xuất còn rộng lớn, vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa thành phố Hà Tĩnh và Khu kinh tế Vũng Áng, lại có đường bộ cao tốc Bắc Nam chạy qua nên không ít người cho rằng Cẩm Xuyên hôm nay đang là một “tổ đại bàng” hấp dẫn của Hà Tĩnh, luôn rộng cửa đón đợi các nhà đầu tư. Và DOVECO là một trong số những "con đại bàng" đầu tiên bay đến lót ổ nơi vùng đất khó.
Trên đường đi vào Cẩm Xuyên, dù đã được ông Đinh Cao Khuê chia sẻ về lý do đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng dứa ở Hà Tĩnh, thú thật chúng tôi cũng chỉ ngỡ mọi thứ chắc mới chỉ giai đoạn khởi đầu. Vậy mà khi tận mắt thấy cả một vùng dứa bạt ngàn ở Cẩm Quan ai nấy đều hết sức kinh ngạc.
![doveco-19-123405_556.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-19-123405_556-154845.jpg)
Người dân Cẩm Xuyên làm quen với cây trồng mới. Ảnh: Tùng Đinh.
Đứng giữa vùng đất khó, nơi mà ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên chia sẻ ngày trước chủ yếu là đất hoang hóa, dân cũng canh tác nhưng kiểu được mất nhờ trời, chủ yếu là cây tạp hoặc trồng keo thì nay đã là một màu xanh bạt ngàn của dứa. Dứa mọc từ bờ khe suối, men theo triền đất mà leo đến tít tận trên đồi. Chỗ này trồng dứa Cayen, chỗ kia là Queen, kia nữa là MD2 đang được trồng thử nghiệm.
Màu xanh của dứa xen lẫn giữa màu xanh của rừng, trông xa cứ hình dung mỗi quả đồi tựa như phần lưng của một con nhím khổng lồ có màu xanh thẫm. Màu xanh của lá dứa tua tủa chông lên như ngàn vạn mũi kiếm dựng đứng giữa trời. Cây dứa cứng cáp và hiên ngang trong làn mưa mỏng bàng bạc đầu xuân.
![doveco-13-123501_672.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-13-123501_672-154846.jpg)
Một "Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh". Ảnh: Tùng Đinh.
Một "Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh", ai đó đã thốt lên như vậy khi đứng giữa đất trời Cẩm Quan, lạc tầm mắt giữa mênh mông đồi dứa xanh ngằn ngặt, nối lớp nhau chạy mãi về phía chân trời. Lẽ tất nhiên sẽ còn cần thêm thời gian để câu cảm thán ấy biến thành hiện thực. Nhưng quả thật không thể không ngỡ ngàng khi nghe ông Đinh Cao Khuê tiết lộ về hành trình của cây dứa trên đất Hà Tĩnh. Rằng “Đồng Giao” ở đây mới chỉ thành hình trong khoảng thời gian chưa đầy 12 tháng, kể từ thời điểm những mầm dứa giống đầu tiên cắm xuống miền đất khó. Và chuyện DOVECO đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cũng nhanh và bất ngờ như cái cách cây dứa bén rễ lên vùng đất vốn được gọi bằng cái tên chỉ nghe thôi đã thấy nhọc nhằn này.
Hẳn ai cũng biết, thủ phủ của DOVECO đứng chân tại vùng đất trù phú miền nông trường Đồng Giao thuở trước (Tam Điệp, Ninh Bình). Quá trình phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu, DOVECO từng đến tỉnh hàng xóm Thanh Hóa, ngược lên Tây Bắc (tỉnh Sơn La), đi vào Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai)…, những vùng đất hôm nay đã là thủ phủ cây ăn quả của cả nước. Với riêng Hà Tĩnh, Chủ tịch DOVECO chia sẻ rất thật rằng, trước đây quả chưa bao giờ nghĩ.
Cơ duyên đến vào đầu năm ngoái khi đương kim Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình là ông Đoàn Minh Huấn - một người con sinh ra ở mảnh đất Hà Tĩnh, người đã luôn đau đáu với chuyện trồng cây gì, nuôi con gì của nhân dân quê hương, đau đáu với vấn đề đất đai sản xuất của các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn dù rộng lớn nhưng bà con chủ yếu vẫn đang trồng keo, mặc dù chu kỳ dài nhưng thu nhập lại thấp. Một ha cặm cụi làm đến 6 - 7 năm trời nhưng chỉ thu về từ 50 – 70 triệu đồng, trong khi cùng diện tích người ở Đồng Giao đang thảnh thơi thu từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.
![doveco-10-123536_799.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-10-123536_799-154846.jpg)
Ông Đinh Cao Khuê chia sẻ về cơ duyên với mảnh đất Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đặt vấn đề với Chủ tịch DOVECO nghiên cứu xem có thể đưa cây dứa về trồng trên đất Hà Tĩnh được không? Ông Khuê nhận lời. Hẳn nhiên cái gật đầu ngay tắp tự ấy không hoàn toàn chỉ là tình cảm, bởi xưa nay ông Đinh Cao Khuê vốn là người cẩn trọng mọi việc. Và thực ra, còn một vấn đề khác cần phải suy nghĩ, tính toán, đó là từ nhiều năm trước cây dứa đã được trồng trên đất Hà Tĩnh rồi, chất lượng nghe bảo cũng không đến nỗi nào nhưng ngặt nỗi gặp phải nút thắt chế biến, đầu ra thị trường nên chưa thành trò trống gì cả.
Nhưng đã nhận lời ông Bí thư Tỉnh ủy rồi thì phải làm. Cũng may, sau khi trực tiếp vào làm việc và cử cán bộ kỹ thuật, các nhà khoa học vào khảo sát từ đất đai, khí hậu, giao thông và cả tập quán canh tác của bà con nông dân ở Hà Tĩnh, kết quả hoàn toàn phù hợp. Vùng đất khó không chỉ có tiềm năng trở thành một vùng nguyên liệu dứa rộng lớn, thậm chí còn có thể tính đến cả phương án xây dựng nhà máy chế biến ngay tại nơi này. Ông Đinh Cao Khuê lập tức báo lại với Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: "Ý tưởng và tâm huyết của anh xin để DOVECO biến thành hiện thực".
![doveco-16-123623_191.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-16-123623_191-154846.jpg)
Cây dứa sinh trưởng tốt trên đất Cẩm Xuyên. Ảnh: Tùng Đinh.
Đón DOVECO, cả Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng như nhiều lãnh đạo Hà Tĩnh khác đều mong mỏi, cây dứa sẽ thay đổi bộ mặt nông nghiệp Hà Tĩnh. Một sự vào cuộc quyết liệt, xuyên suốt từ tỉnh xuống huyện, xã, thôn đã tạo điều kiện tối đa giúp dự án triển khai nhanh nhất.
Tháng 7 năm 2024, những hom dứa giống đầu tiên được cắm xuống đất Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, ngay trên vùng đất mà trước đó một dự án nuôi bò thịt đã thất bại. Dứa trồng xuống đúng vào những ngày nắng nóng khốc liệt, sau đó là mùa mưa bão, ai nấy đều nín thở trông chờ. Phải một vài tháng sau, khi rễ đã bén đất, cây dần cứng cáp, nương theo tiết trời mát dịu của mùa thu mà lớn vọt lên mới có thể thở phào.
Mỗi một ngày, từ vùng nguyên liệu, anh Phạm Ngọc Thành – Phó Tổng Giám đốc DOVECO, người trực tiếp phụ trách dự án ở Hà Tĩnh đều gọi video về cho các nhà khoa học tại Tam Điệp thông báo: "Các bác nhìn xem, dứa trồng trên đất Cẩm Xuyên so với dứa Đồng Giao gần như không có bất kỳ sự khác biệt nào".
Từ những hom dứa giống đầu tiên kiên cường vượt qua cái nắng đỏ đồng của Hà Tĩnh, diện tích trồng dứa của DOVECO cứ lan rộng dần. Vừa làm vừa tổ chức tuyên truyền vận động, vừa ký liên kết vừa song song hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con. Sau Cẩm Xuyên, Kỳ Anh là Vũ Quang, Hương Khê, chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi DOVECO cùng chính quyền và người dân Hà Tĩnh đã phủ xanh hơn 400ha trồng dứa. Trong đó Cẩm Xuyên đã có khoảng 170ha, Kỳ Anh 150ha, Vũ Quang và Hương Khê mỗi huyện khoảng 50ha. Nói một cách quen thuộc là cả hệ thống chính trị ở các huyện thuộc dự án xây dựng vùng dứa nguyên liệu của DOVECO đã cùng vào cuộc. Chỗ nào đất đai rộng lớn thì đưa máy móc vào, chỗ nào còn manh mún thì dùng sức người cải tạo. Đường ô tô được mở lên tận đỉnh đồi. Ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh hay các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, chính quyền còn huy động cả lực lượng công an, bộ đội, thanh niên xung kích cùng lên đồi hỗ trợ bà con vận chuyển vật tư, mở đường, làm đất, trồng dứa...
![doveco-21-123704_84.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-21-123704_84-154846.jpg)
Luồng gió mới của nông nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Cứ mỗi một ngày trôi qua lại có thêm 2 - 3ha dứa phủ lên đồi. Một "Đồng Giao" dù chưa đủ ngày đủ tháng để thôi nôi mà đã lớn nhanh như thổi. Trong nắng lửa, những chồi dứa non xanh nõn cắm xuống đất mang theo niềm hy vọng của người Đồng Giao và người Hà Tĩnh. Niềm tin mãnh liệt cùng với nhân dân bước sang trang mới.
Một trang mới mang tính cách mạng của nông nghiệp vùng đất khó gắn liền với số phận cây dứa. Và rất có thể rồi đây cuộc cách mạng ấy sẽ thay đổi cả bộ mặt của nông nghiệp Hà Tĩnh.
2.
"Nếu trồng đủ 2.000ha dứa nguyên liệu, DOVECO sẽ xây dựng nhà máy chế biến ngay tại Hà Tĩnh", ông Đinh Cao Khuê chia sẻ nhanh cùng với lãnh đạo các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Vũ Quang ngay giữa đồi dứa xã Cẩm Quan. Tôi liếc nhanh thấy lãnh đạo các huyện vùng nguyên liệu ai cũng cười tươi, gật gù. Có lẽ là vì cột mốc diện tích 2.000ha ấy đang đến gần quá, nhanh quá. Dường như tất cả đã sẵn sàng để đón đợi một trung tâm chế biến rau quả sẽ mọc lên ngay tại mảnh đất này, giống như Ninh Bình, Gia Lai hay Sơn La.
![doveco-27-123803_31.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-27-123803_31-154847.jpg)
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, ông Lê Ngọc Hà. Ảnh: Tùng Đinh.
Quả thật, nếu theo kế hoạch mà DOVECO và các địa phương đã thống nhất, rất có thể đến hết năm 2025 này, diện tích trồng dứa mà ông Khuê yêu cầu sẽ đủ để bắt tay vào xây dựng nhà máy. Thậm chí, nói như ông Lê Ngọc Hà, chỉ riêng diện tích của huyện Cẩm Xuyên thôi đã có thể đảm bảo được rồi. Cơ sở nằm ở 30.000ha đất lâm nghiệp mà huyện đang quản lý. Ít nhất trong số đó có khoảng 5.000ha đến 7.000ha đã được nghiên cứu phù hợp với cây dứa. Chỉ cần vận động bà con chuyển đổi một phần diện tích đất đang trồng keo hiệu quả thấp sang trồng dứa thì có phải thừa tiêu chuẩn để có thể xây nhà máy rồi không?
Chưa kể, ngay khi DOVECO vào Cẩm Xuyên ký kết ghi nhớ hợp tác với UBND huyện và thuê lại đất của dự án chăn nuôi bò Bình Hà ở xã Cẩm Quan để bắt đầu thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu thì nhiều HTX, hộ dân trong huyện cũng tiên phong liên kết để cùng nhau chuyển đổi từ trồng sắn, trồng keo sang trồng dứa. Từ Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Mỹ, Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Cẩm Thành…, cây dứa đang dần phủ xanh đất trống đồi trọc, thay thế các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết, phía DOVECO sẽ cho người dân vay chồi giống và khấu trừ khi thanh toán tiền thu mua sản phẩm. Các kỹ sư, chuyên gia của DOVECO cũng sẽ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến người dân. Đồng hành cùng nhau từ lúc trồng đến khi thu hoạch, DOVECO sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo chất lượng theo giá thị trường, đảm bảo giá sàn (giá thấp nhất) từ 5.300 đồng/kg và hỗ trợ chi phí quản lý cho các HTX, tổ hợp tác với mức 300 đồng/kg. Ngoài ra, huyện Cẩm Xuyên cũng nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ người dân, HTX chi phí làm đất, phân bón với mức 15 triệu đồng/ha (sản xuất liền vùng với diện tích tối thiểu 2ha/vùng)…
![doveco-36-123854_5.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-36-123854_5-154847.jpg)
Anh Phạm Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc DOVECO. Ảnh: Tùng Đinh.
Anh Phạm Ngọc Thành – Phó Tổng Giám đốc DOVECO kỳ vọng: Năm ngoái giá dứa trên thị trường có lúc lên 15.000 đồng/kg. Theo hợp đồng liên kết giữa DOVECO và bà con, giá sàn là 5.300 đồng/kg, giá thị trường càng cao thì bà con giàu mà công ty cũng sẽ giàu.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, người nhiều năm gắn bó với nông nghiệp huyện nhà không giấu được sự hồ hởi. Sẽ là một chuỗi liên kết nông nghiệp tuần hoàn. Có mấy lý do để khẳng định, thứ nhất dứa là cây trồng chịu hạn tốt, ít vốn đầu tư, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, phù hợp để nhân rộng ở nhiều địa phương của huyện. Đối với dứa Queen và dứa Cayen, thời gian sinh trưởng theo tính toán khoảng 15 tháng. Bình quân 1ha dứa sẽ cho thu hoạch từ 60 – 80 tấn. Với giá bán ít nhất hơn 5 triệu đồng/tấn, 1ha dứa sau 15 tháng sẽ cho thu ít nhất từ trên 300 – 400 triệu đồng. Trừ đi chi phí đầu tư ban đầu khoảng 120 triệu đồng, người dân có thể lãi 300 triệu đồng/ha trở lên. Trên địa bàn Cẩm Xuyên chưa có cây trồng nào có thể cho hiệu quả kinh tế cao như vậy.
Thứ hai, dứa là cây trồng đặc thù, cứ hết một chu kỳ 15 tháng cây sẽ tự sinh chồi giống. 1ha sau thu hoạch có thể lấy giống để nhân ra thêm 3ha mà không cần phải mua giống mới. Khi diện tích được mở rộng, người dân hoàn toàn có thể tính chuyện bán giống lấy tiền. Với dứa Queen, một ha cần khoảng 60.000 chồi, dứa Cayen 40.000 chồi, nghĩa là riêng tiền bán giống người dân có thể thu trên 100 triệu đồng/ha.
![doveco-20-123949_298.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-20-123949_298-154847.jpg)
Chuỗi kinh tế nông nghiệp mới trên đất Cẩm Xuyên. Ảnh: Tùng Đinh.
Thứ ba, theo quy trình canh tác, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hết chu kỳ, cây dứa thu hoạch xong sẽ không đốt bỏ như nhiều nơi khác mà dùng máy cải tạo. Xác cây vùi vào đất có thể làm nguồn nguyên liệu để làm phân bón hữu cơ quay trở lại nuôi dưỡng, cải tạo đất. Sắp tới, nếu DOVECO xây dựng nhà máy ở đây nữa chắc chắn sẽ tạo thành một chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, đúng với chủ trương của huyện Cẩm Xuyên và của tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng như Cẩm Xuyên, các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang…, những nơi vùng nguyên liệu của DOVECO đang liên tục được mở rộng, chính quyền và người dân rất tin tưởng. Không chỉ tin tưởng số phận cây dứa mà còn là thân phận con người. Bởi tính toán hiệu quả kinh tế là một chuyện, một ha dứa doanh nghiệp sẽ cần thuê ít nhất là 1 lao động của địa phương. Nếu mục tiêu 5.000ha dứa của Hà Tĩnh thành hiện thực, sẽ có ít nhất 5.000 lao động tại chỗ không phải tha hương tìm kế sinh nhai nữa. Khi DOVECO xây dựng nhà máy, số lao động ở Hà Tĩnh được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc cũng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Một hệ sinh thái mang tên Đồng Giao quả thực đang thành hình hài trên vùng đất "chảo lửa túi mưa" Hà Tĩnh.
3.
Chúng tôi rời Cẩm Quan khi làn mưa xuân vẫn còn lất phất bay, nhẹ nhàng tưới tắm trên những đồi dứa bạt ngàn. Ngay dưới chân đồi trồng dứa, công trường cao tốc Bắc Nam tất bật, hối hả thi công. PGS.TS Lê Quốc Doanh tin tưởng: Một Đồng Giao, một vùng nguyên liệu chuyên dứa gắn với nhà máy chế biến của DOVECO chắc chắn sẽ thành công trên đất Hà Tĩnh.
![doveco-33-124103_580.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-33-124103_580-154847.jpg)
PGS.TS Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) tin tưởng cây dứa sẽ thành công trên đất Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Niềm tin ấy của người cả cuộc đời gắn với ngành trồng trọt có lẽ được đúc kết từ thực tiễn, nghiên cứu và quan sát từ khí hậu, chất đất, quy trình canh tác, tập quán của người dân và cả những thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, logicstic…
Ông Doanh phân tích: Xưa nay nông nghiệp Hà Tĩnh sợ nhất 2 thứ là nắng hạn và mưa bão. Với cây dứa, có thể sự sợ hãi ấy sẽ không còn nữa, hoặc giả sử có ảnh hưởng cũng không thể nhiều như các cây trồng khác. Cây thấp có thể tránh được gió bão và nắng hạn thậm chí còn giúp quả dứa ngọt hơn.
Thứ hai là đất đai. Quỹ đất phù hợp trồng dứa, mở rộng diện tích để xây dựng vùng nguyên liệu có thể đáp ứng công suất xây dựng nhà máy chế biến ở Hà Tĩnh hiện còn rất lớn. Quỹ đất này chủ yếu ở dạng đồi, lại đang trong thời kỳ phong hóa, đất trẻ và nhiều khoáng chất, dưỡng chất, có thể hình dung phần nào đó giống như đất ở vùng Tân Yên, Lục Ngạn của Bắc Giang hay vùng Đại Từ, Đồng Hỷ của tỉnh Thái Nguyên - những vùng không chỉ phù hợp với dứa mà có lẽ với bất cứ cây ăn quả nào cũng hết sức tuyệt vời.
Và điều tuyệt vời nhất, ông Doanh cao hứng: "Thật bất ngờ khi người dân Hà Tĩnh lại có thể làm quen với cây dứa nhanh đến như vậy". Chỉ trong vòng mấy tháng dứa đã phủ khắp núi đồi ở nhiều xã, huyện. Từ liên kết với các hộ dân đến các hợp tác xã, bà con canh tác thuần thục không thua kém gì người ở Đồng Giao. Điều đó cũng phần nào chứng minh, chỉ cần mô hình hiệu quả, người dân chắc chắn sẽ thay đổi và nhanh chóng tham gia vào chuỗi liên kết bền vững.
![doveco-31-124255_374.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/doveco-31-124255_374-154848.jpg)
Khát vọng tỷ USD từ cây dứa ở đất Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Lắng nghe tất cả những phân tích, chia sẻ của Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, ông Đinh Cao Khuê đáp từ ngắn gọn: "Từ Đồng Giao đến Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La và bây giờ là Hà Tĩnh, nếu phát triển được vùng nguyên liệu ổn định, tôi cam đoan có thể kiếm về hàng tỷ USD từ quả dứa".
Một khát vọng lớn, khát vọng tỷ đô của Chủ tịch DOVECO đang được gầy dựng từ những miền đất mới - miền "Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh".
Cần thủy lợi cho cây dứa và các vùng công nghiệp nông nghiệp của Hà Tĩnh
Để vùng nguyên liệu dứa của DOVECO phát triển, xây dựng thành chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu ở Hà Tĩnh, lãnh đạo địa phương mong mỏi sẽ có các dự án đầu tư thủy lợi cho vùng công nghiệp nông nghiệp các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang. Theo tính toán, với điều kiện thuận lợi là gần hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi, nếu có hạ tầng thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới cho cây dứa thì năng suất không dưới 80 tấn/ha.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên phân tích: Đất đồi của huyện Cẩm Xuyên chủ yếu đá non, mùa hè rất nóng, nếu không có hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu trồng dứa của Cẩm Xuyên nói riêng và các địa phương khác nói chung.