| Hotline: 0983.970.780

Những đồi dứa hi vọng

Thứ Bảy 07/12/2024 , 15:26 (GMT+7)

Hà Tĩnh Sau cây cam chanh, cây dứa Cayen được huyện Vũ Quang định hướng phát triển thành cây chủ lực thay thế cho những rừng keo hiệu quả kinh tế thấp.

Mạnh dạn bứt phá

Cách đây hơn 4 năm, Đại hội Đảng bộ huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 37 chỉ tiêu phát triển kinh tế với 3 mũi đột phá gồm: Phát huy tiềm năng, lợi thế rừng và đất rừng; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững.

Lãnh đạo huyện Vũ Quang động viên người dân tích cực chuyển đổi diện tích đất đồi, đất màu kém hiệu quả sang trồng dứa Cayen. 

Lãnh đạo huyện Vũ Quang động viên người dân tích cực chuyển đổi diện tích đất đồi, đất màu kém hiệu quả sang trồng dứa Cayen. 

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngoài xây dựng các chính sách trợ lực, huyện Vũ Quang làm tốt vai trò điều phối, kết nối “4 nhà” cùng vào cuộc hoạch định chiến lược, lựa chọn cây trồng phù hợp với đặc thù thời tiết, thổ nhưỡng địa phương. Và quan trọng nhất, cây trồng đó trong tương lai hứa hẹn sẽ là cây trồng chủ lực, đảm bảo được cả 3 yếu tố đột phá.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, bao đời nay người dân trên địa bàn sinh sống chủ yếu dựa vào trồng rừng, cụ thể là cây keo. Tuy nhiên, giá trị kinh tế cây trồng này đem lại cho người dân chỉ giao động ở mức 70 - 80 triệu đồng/ha, với chu kỳ khai thác 5 năm. Chưa kể, do khai thác quá mức, việc xói mòn, gây bạc màu đất cũng khó tránh khỏi.

“Để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, ngoài cây cam chanh, hiện chúng tôi đã và đang vận động người dân chuyển đổi các đồi keo, đất màu kém hiệu quả sang liên kết trồng dứa Cayen với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Doveco (Ninh Bình). Mục tiêu sớm đưa cây trồng này thành cây chủ lực song hành cùng cây cam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Người dân được hỗ trợ trả chậm giống, phân bón trong quá trình sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân được hỗ trợ trả chậm giống, phân bón trong quá trình sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Theo đó, ký kết hợp tác giữa huyện Vũ Quang và Doveco được xác lập theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Địa phương có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đăng ký trồng dứa Cayen đạt hơn 2.000ha vào năm 2025. Phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện các mô hình sản xuất, tổ chức tập huấn, kiểm tra, đảm bảo tuân thủ các quy trình sản xuất theo yêu cầu của Doveco và đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, khuyến cáo của ngành nông nghiệp…

Đối với Doveco, cam kết đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến nước ép dứa và các sản phẩm khác từ quả dứa tại huyện Vũ Quang khi diện tích đăng ký trồng dứa đạt từ 2.000ha trở lên. Chịu trách nhiệm tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dứa cho bà con. Đặc biệt, khi dứa đến kỳ thu hoạch, Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng ký kết. Cụ thể, loại 1kg/quả sẽ được mua với giá 5.000 đồng/kg; loại 0,5 - 1kg/quả có giá 3.500 đồng/kg; loại 0,3 - 0,5kg có giá 2.500 đồng/kg.

Sản phẩm sau thu hoạch sẽ được Doveco cam kết thu mua 100%. Ảnh: Thanh Nga.

Sản phẩm sau thu hoạch sẽ được Doveco cam kết thu mua 100%. Ảnh: Thanh Nga.

“Dứa là cây trồng chịu hạn tốt, ít vốn đầu tư, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, phù hợp để nhân rộng ở nhiều địa phương của huyện. Bình quân 1ha sẽ cho thu hoạch từ 60 – 80 tấn. Với giá bán khoảng 5 triệu đồng/tấn, 1ha dứa sau 18 tháng sẽ đem lại thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây keo hay cây màu khác” lãnh đạo huyện Vũ Quang tính toán.

Đảng viên đi trước

Đưa dự án từ trên giấy ra đồng những tưởng rất khó, song thực tế ghi nhận đến thời điểm này hoàn toàn ngược lại. Từ diện tích trồng thử nghiệm 2ha tại xã Đức Bồng và Đức Hương, đến nay, tổng diện tích dứa đã trồng trên địa bàn Vũ Quang đạt gần 10ha/tổng diện tích đăng ký năm 2024 là gần 20ha, tập trung tại các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương, Thọ Điền, thị trấn Vũ Quang…

“Cái hay và đặc biệt chúng tôi làm được ở dự án này chính là huy động sự tham gia tích cực của người dân. Điều này khác với những huyện khác là doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp trồng dứa, quản lý nhà nước làm trung gian giám sát quá trình hợp tác đó. Lúc này, người dân hưởng lợi chủ yếu là ngày công lao động, còn ở Vũ Quang, người dân tự sử dụng đất của mình liên kết với doanh nghiệp sản xuất nên vừa có việc làm vừa thu lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng nếu họ sản xuất, chăm bón tốt”, ông Trương Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang nhìn nhận.

Chị Lê Thị Thanh Bình (bên trái), Bí thư Chi bộ 4, thị trấn Vũ Quang tiên phong phát triển giống dứa Cayen trên đất màu. Ảnh: Thanh Nga.

Chị Lê Thị Thanh Bình (bên trái), Bí thư Chi bộ 4, thị trấn Vũ Quang tiên phong phát triển giống dứa Cayen trên đất màu. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Hà, quá trình giám sát, hướng dẫn về mặt kỹ thuật cho thấy, cây dứa Cayen không chỉ thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng đất đồi núi trên địa bàn huyện mà còn phù hợp phát triển trên đất màu. Trước mắt, phát huy tinh thần “đảng viên đi trước”, từ ngày 12/11, Bí thư Chi bộ và Tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Vũ Quang đã xuống đồng huy động máy móc cày xới 0,4ha đất màu để trồng dứa.

Anh Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng tổ dân phố 4 chia sẻ, gia đình anh có 4 sào đất màu trước đây trồng ngô và các loại đậu, lạc ngắn ngày phục vụ chăn nuôi, thu nhập không đáng kể. Sau khi tham quan mô hình trồng dứa tại Ninh Bình của Doveco và tiếp nhận tinh thần vận động của Đảng bộ, chính quyền huyện, thị trấn Vũ Quang, anh tiên phong trồng mở rộng giống dứa Cayen trên đất màu.

“Tôi hi vọng và cũng tin khi thu hoạch dứa gia đình sẽ thu được một khoản ra tấm ra món để trang trải cuộc sống. Tất nhiên, cái này đang bước đầu chưa thể khẳng định được điều gì nhưng lâu nay trồng màu hiệu quả thấp nên tôi nghĩ mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác biết đâu lại có cơ hội nâng cao thu nhập”, anh Cường nói.

Đến nay huyện Vũ Quang đã trồng được gần 10ha dứa với hàng chục hộ dân tham gia. Ảnh: Thanh Nga.

Đến nay huyện Vũ Quang đã trồng được gần 10ha dứa với hàng chục hộ dân tham gia. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ 4, thị trấn Vũ Quang cho rằng, việc “cố đấm ăn xôi” với những cây trồng tuyền thống hiệu quả thấp là không cần thiết. Trong điều kiện chính quyền huyện, thị trấn đang đồng hành về mặt chủ trương, kêu gọi được doanh nghiệp hỗ trợ bà con trả chậm giống, phân bón để sản xuất thì không có lý do gì không mạnh dạn chuyển đổi.

Ngoài 6 xã đã tổ chức trồng, hiện có 3 xã Quang Thọ, Ân Phú, Đức Giang đã đăng ký sản xuất khoảng 8ha dứa trong năm nay. Về lâu dài, huyện Vũ Quang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi khoảng 2.000ha đất đồi và đất màu kém hiệu quả sang trồng dứa. Đồng thời, theo dõi, hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong công tác chăm sóc, đánh giá hiệu quả của cây dứa trên địa bàn để làm tiền đề nhân rộng.

Xem thêm
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần xây dựng NTM ở Phúc Lâm

HÀ NỘI Phúc Lâm là 'thủ phủ' của nghề nuôi gà đẻ của huyện Mỹ Đức nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.