“Hồ Chí Minh – Người tin ở con người” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật vừa ấn hành. Cho đến lúc này, tôi có thể nói rằng, Hải Như là nhà thơ Việt Nam viết nhiều thơ nhất về Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vĩ nhân của lịch sử nhân loại.
Mở đầu cuốn sách “Hồ Chí Minh – Người tin ở con người” là bài thơ “Viết về Người” thay cho tuyên ngôn sáng tác của nhà thơ về Hồ Chí Minh và cũng chính là cách nhìn của nhà thơ Hải Như về một vĩ nhân nhưng từ góc nhìn về một con người bình dị: “Viết về Người/ Tôi không viết về một nhân vật siêu phàm/ Với những câu thơ chải chuốt/ Người không cần.../ Tôi viết về một con người/ Như mỗi - chúng - ta nhưng lại khác chúng ta”.
Bài thơ “Viết về Người” được Hải Như viết vào tháng 10 năm 1969, tức là chỉ khoảng một tháng sau khi Hồ Chí Minh đã về với “thế giới người hiền” sau một chặng đường dài đầy gian nan, hy sinh và dâng hiến cho độc lập tự do của dân tộc. Khi Hồ Chí Minh ra đi, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có biết bao những lời ngợi ca, và những câu thơ viết về Người, nhưng Hải Như đã tìm một lối đi sáng tạo của riêng mình. Thơ của ông đã dựng lên chân dung Hồ Chí Minh một cách giản dị nhất, Việt Nam nhất, vừa gần gũi lại vừa lớn lao.
Nhà thơ Hải Như đã “huyền thoại hóa” một con người bình dị và “bình dị hóa” một vĩ nhân. Đấy là thành công lớn của ông và cũng sẽ là thành công của bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào khi viết về một nhân vật vĩ đại của lịch sử, đặc biệt là Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Mayakovsky đã viết về Lênin, khi Người từ trần với những câu thơ rất ngắn gọn như một bản tin: “Hôm qua/ Sáu giờ năm mươi phút/ Đồng chí Lê Nin từ trần”. Và nhà thơ Walt Whitman thì viết về sự ra đi của Tổng thống Mỹ vĩ đại Abraham Lincoln với sự so sánh lớn lao mang tầm vũ trụ: “Nơi ngươi kết thúc chuyến đi, hỡi tinh cầu buồn thảm, ngươi rơi vào trong đêm tối rồi biến mất luôn/ Hỡi ngôi sao sáng toàn năng đã lặn xuống ở phương Tây/ Hỡi bóng đêm - Hỡi đêm đau thương đầy nước mắt/ Hỡi ngôi sao lớn đã mất đi/ Hỡi bóng đen đã che mất vì sao”.
Còn nhà thơ Hải Như viết chuyến đi xa đến với “thế giới người hiền” của Hồ Chí Minh chỉ đơn giản, nhẹ nhàng như một chút chợp mắt, và cho thấy đây không phải là sự kết thúc, không phải là bóng tối, mà ngược lại, đấy là ánh sáng và một sự khởi đầu mới của một thời đại, của một dân tộc: “Trăng vào của sổ đòi thơ”/ Bác vừa chợp mắt xin chờ trăng ơi/ Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa/ Trăng trăng ơi hãy yên lặng cúi đầu/ Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ”.
Sứ mệnh lịch sử của các vĩ nhân mà tôi đề cập đều giống nhau là đã sống trọn đời cống hiến vì tự do của nhân dân, dân tộc họ và của nhân loại. Nhưng con đường để thực hiện sứ mệnh đó ở mỗi người là khác nhau và đặc biệt, cuộc đời của mỗi nhân vật lịch sử đó rất khác nhau. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã luôn hòa cùng với nhân dân cần lao, đau khổ, cùng trải qua, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người dân và lấy khát vọng của người dân làm khát vọng của cuộc đời mình. Người đã sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Nhà thơ Hải Như đã thấu hiểu và nói với tất cả chúng ta về điều đó bằng những câu thơ của mình.
Nhà thơ Hải Như viết về Hồ Chí Minh từ hai vị thế, hai tinh thần. Thứ nhất là một người con viết về một người cha già dân tộc. Thứ hai là một nhà thơ viết về một vĩ nhân. Nhờ đó ông đã nói về Hồ Chí Minh một cách trọn vẹn nhất.
Qua thơ Hải Như, hình ảnh Hồ Chí Minh mới hiện lên với đầy đủ những phẩm chất cao đẹp nhất và tư tưởng lớn lao nhất. Từ một người "cha già" với tình yêu con người sâu sắc, dâng hiến không mệt mỏi cho con người, luôn mong muốn che chở mọi kiếp phận, với một cuộc sống bình dị lạ thường nên đã trở thành một vĩ nhân trong lòng dân tộc và nhân loại. Đồng thời vĩ nhân ấy lại đượccả dân tộc gọi là “cha già” một cách đầy gần gũi, yêu thương.
Walt Whitman viết về cái chết của Tổng thống Lincohn như là sự chấm hết của một nhân vật lịch sử, còn Hải Như lại viết về sự vĩnh hằng của Hồ Chí Minh sau cái chết. Sự vĩnh hằng của Hồ Chí Minh không phải nằm trong sự ngợi ca, trong những tượng đài mà nằm trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế và trong tư tưởng của Người, trong sự dâng hiến của Người cho dân tộc, ở lòng nhân ái của Người dành cho những người bị áp bức trên thế giới, và cũng từ cuộc sống giản dị, đơn sơ của Người. Đạo đức và tư tưởng của Hồ Chí Minh mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sỹ Việt Nam và là lẽ sống của những người Cộng sản Việt Nam.
Trong toàn bộ sáng tác của mình về Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như đã làm nổi bật điều lớn lao nhất ở Người đó là tình yêu con người vô bờ bến. Hải Như đã gọi Hồ Chí Minh là “nhà nhân ái”.
Nhà thơ Hải Như đã khám phá sự vĩ đại của Hồ Chí Minh từ những điều bình dị nhất của một con người: Một bữa ăn sáng, chiếc áo bông sờn Người mặc, đôi dép Người đi, những loài hoa Người trồng, những chuyến thăm một công trường, một gia đình, tặng ảnh các chiến sỹ thi đua cho phóng viên nước ngoài, những nỗi buồn của Người, niềm vui của Người khi gặp một người bạn cũ, nỗi nhớ của Người về một ngõ nhỏ ở Paris…
Khi viết: "Miền Nam sau hai năm sạch bóng quân thù/ Sao vẫn có người bỏ Tổ quốc ra đi”, nhà thơ đã đặt câu hỏi cho tất cả những người Việt Nam được may mắn sống trong hòa bình hôm nay. Câu hỏi đó thôi thúc những người cộng sản Việt Nam và mỗi người chúng ta phải tìm được câu trả lời. Chỉ khi trả lời được câu hỏi đó thì độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của người dân Việt Nam mới thực sự trọn vẹn và trái tim Hồ Chí Minh mới hết xót xa, trăn trở.
Trong lời tự sự của mình, nhà thơ Hải Như viết: “Làm thơ về Bác, tôi viết về một con người, như mỗi chúng ta nhưng lại khác chúng ta, tôi không muốn thần thánh hóa lãnh tụ. Bởi theo tôi, lãnh tụ trước hết cũng là một con người rất gần gũi với số đông quần chúng”. Bởi thế, khi về thăm quê Bác ở làng Sen, nhà thơ Hải Như viết: “Em hãy ngồi hẳn xuống thềm, chỗ Bác mới ngồi đây/ Thềm đất mịn xưa Người ngồi với mẹ”. Câu thơ khiến người đọc nghẹn ngào trước một điều bình dị của một con người – một vĩ nhân Hồ Chí Minh.
Viết về Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như luôn không chỉ để cảm xúc phát triển theo một chiều ca ngợi, mà còn luôn từ sự kính yêu, khâm phục Người để soi rọi lại bản thân mình, như trong bài “Không đáng sợ kẻ thù trước mặt”, nhà thơ đã cảnh tỉnh: “Ta hãy tự trả lời ta - Bạn hỡi/ Khi ta vui/ Và cả lúc ta buồn/ Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn/ Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta”.
Ngày nay, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta càng thấy sự nguy hiểm và đáng sợ của “kẻ thù ẩn náu trong ta”. Và những lúc dao động, mất niềm tin, chúng ta nên đọc những câu thơ của Hải Như viết về Hồ Chí Minh để có thêm sức mạnh, và nhìn rõ hơn “kẻ thù”. Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương sáng chói cho chúng ta đi theo. Mọi lời dạy của Người với những “đầy tớ của nhân dân” là biển chỉ đường cho lẽ sống của mỗi cán bộ, đảng viên và cả quần chúng nhân dân.
Tôi không thể và không cần thiết trích dẫn hết trong bài viết này những câu thơ, bài thơ hay, đầy sức lan tỏa của nhà thơ Hải Như. Vì vậy, tôi mong mỗi độc giả qua tập thơ “Hồ Chí Minh – Người tin ở con người”, sẽ nhận ra con người Hồ Chí Minh giản dị như một người trong gia đình chúng ta, như một người cần lao trong thế giới cần lao, và cũng lại để thấy rằng có một vĩ nhân đã sống cùng chúng ta, đi cùng chúng ta trên con đường về phía ánh sáng.