Hồ Xuân Hương - người kỳ nữ (1772 - 1822), ngay từ khi xuất hiện tập "Lưu hương ký", còn có tên là "Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập", với 48 bài trong đó 26 bài chữ Nôm, 22 bài chữ Hán - thơ bà đã được định danh vào lịch sử thơ ca dân tộc và được hậu thế suy tôn là “Bà Chúa thơ Nôm”. Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ “chính hiệu”, còn trên trăm bài phổ biến rộng trong dân gian cũng được “tương truyền” là do bà sáng tác. Thực hư chưa biết thế nào, bài viết này tôi sử dụng chủ yếu dựa vào phần thơ “tương truyền” đó vì xét thấy có những điều phù hợp với ý tưởng và cảnh tình xã hội đương thời. Cho hay, dù những thi phẩm đó là của ai thì nó vẫn cứ là sản phẩm tinh thần từ hai trăm năm mà bóng chữ của nó vẫn phủ rợp, gây liên tưởng tới tận thời nay, người nay. Nó lưu truyền như một giá trị mang quy luật vận động của muôn đời trong diễn trình tâm thế xã hội con người!
Phần thơ được lan truyền rộng rãi trong dân gian có bài được xem là của Hồ Xuân Hương, bài trong diện nghi vấn là phần thơ “đố tục giảng thanh”, khôi hài giễu nhại một bộ phận thày tu bị coi là sư hổ mang, sư hoạnh dâm, ngôn ngữ ngày nay điểm thêm những danh từ hiện đại thích chuyển khoản, thích tý khí, thích đủ thứ… Ý kiến nghi vấn mảng thơ này không phải sáng tác của bà mà là sản phẩm của nhà nước thực dân Pháp do các sai nha làm ra để đả phá phong trào Phật giáo kháng Pháp những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, như các bài "Sư hoạnh dâm", "Hang Thánh Hóa", "Chùa Quán Sứ"…Chưa dễ chắc đúng sai, theo ý tôi cứ cho ý kiến này là đúng đi chăng nữa thì những vần thơ giễu nhại đám tăng ni thích đủ thứ tận thế kỷ 18 mà tới nay như vẫn y nguyên đó một tăng đoàn sư sãi giả cầy. Xét trên bình diện văn hóa xã hội, tôn giáo và lịch sử văn học, cần có sự truy nguyên và giải minh vì sao giới tu hành theo Phật pháp sau hai trăm năm thêm một lần lại sinh ra lớp tăng đoàn sư sãi phản pháp?
Thời đại nữ sỹ Hồ Xuân Hương lúc đó trong cảnh phân chia quyền lực giữa cung vua phủ chúa, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, kiêu binh, cát cứ… khỏi cần nói đã thấy dân tình trong nhiễu nhương dâu bể nhường nào. Cảnh chùa chiền sư sãi tu hành do vậy tránh sao khỏi sự xâm nhiễm tâm lý từ xã hội bên ngoài dội vào. Một nguyên tắc lịch sử: Thời đại nào có biến cố xã hội lớn thì hệ quả là giá trị xây dựng lớn, hoặc đổ vỡ lớn, hoặc cả hai thành công và đổ vỡ đều xảy ra. Trong giai đoạn xã hội thời kỳ Hồ Xuân Hương sống, về Phật giáo cũng có những ghi nhận công quả tu bổ xây dựng nhà chùa và việc nghiên cứu dịch thuật in ấn sách Phật học đã được giới nho gia chú trọng và có thành quả.
Bài "Hồ Xuân Hương và Phật giáo" - Paris, 2000, 30/10/2012, của Tiến sỹ Phan Trọng Chánh, cho biết: “…Tiến Sĩ Phạm Quý Thích, pháp danh Thảo Đường cư sĩ, trong "Lập Trai Văn Tập" đã cho rằng: “Chưa bao giờ Phật Giáo thịnh như lúc này”. Cụ thể, “Tiến sỹ Lê Quý Đôn viết "Kinh Kim Cương chú giải", trở thành quyển sách yêu chuộng của sĩ Phu Bắc Hà thời bấy giờ… Ngô Thời Nhiệm (1746 - 1803) cuối đời đã trở thành Hải Lượng Thiền Sư viết sách "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh", được xưng tụng là Trúc Lâm Đệ Tứ Tổ (sau vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Phan Huy Ích (1751 - 1822) cũng tham gia soạn và viết tựa cho "Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh"… Trong thời đại này những ngôi chùa lớn như chùa Tây Phương được xây dựng, và các ngôi chùa Trấn Quốc, Kim Liên, chùa Thầy, chùa Trăm Gian… đều được trùng tu…” (Xem Thơ văn Ngô Thời Nhậm. Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Nxb KHXH 1978).
Qua trích dẫn trên, so sánh đời sống xã hội, văn hóa tâm linh xưa - nay thấy có điểm tương đồng gần gũi. Thời nay, về đời sống tâm linh thì những khu đền chùa, thiền viện được tu bổ hay xây dựng mới to lớn như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, chùa Linh Ứng Sơn Trà, chùa Bửu Long, chùa Xiêm Cán, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Phương Nam, Trúc Lâm Đà Lạt… Các vị danh tăng Thích Tuệ Sỹ, Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Siêu… cũng có nhiều thành tựu trong việc biên soạn, dịch thuật và quảng bá rộng rãi các trước tác kinh viện Phật học. Và song song đó là cảnh nhà chùa như đang thấy không ít vị “sư - tu hú” gây điều trái đạo bị dân tình khinh ghét, đặt cho hỗn danh, khác gì nghịch cảnh từng được thơ Bà Chúa xưa bỡn cợt: “Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!”…
Hàng loại bài thơ giễu nhại giới tu phạm ngũ giới, xa rời Phật pháp có sức tố giác mạnh mẽ và dư âm của nó còn gây ảnh hưởng lâu dài trong lòng dân mộ đạo Phật. Giờ đây, trong tiết đông này người yêu thơ Bà Chúa cùng nhau lần đọc lại các thi phẩm được truyền tụng mang giọng điệu, thi pháp thơ Bà, như bài "Sư bị làng đuổi":
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Bài "Chế sư":
Chẳng phải Ngô chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc áo không tà
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
Khi cảnh khi tiu khi chũm choẹ
Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha
Tu lâu có nhẽ lên sư cụ
Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà.
Rồi nữa, bài "Chùa Quán Sứ":
Quán Sứ chùa xưa cảnh vắng teo
Thương ôi sư đã hóa ra mèo
Sáng banh vắng kẻ khua dùi mõ
Trưa trật không người quét kẽ rêu
Chí chát chầy kình ôm lại đấm
Lầm dầm tràng hạt đếm cùng đeo
Buồm Từ rắp cũng sang Tây Trúc
Gió vật cho nên phải lộn lèo.
Giới nữ tu cũng không là ngoại lệ khi bị ngọn bút chiếu yêu Bà Chúa chiếu đến. Bài "Vịnh ni cô": “Xuất thế hồng nhan kể cũng nhiều/ Lộn vòng phu phụ mấy là kiêu/ Gậy thần Địa Tạng khi chèo chống/ Tràng hạt Di Đà để đếm đeo/ Muốn dựng cột buồm sang bến giác/ Sợ cơn sóng cả lộn dây lèo/ Ví ai quả phúc mà tu được/ Cũng giốc một lòng để có theo”. Thắng cảnh cỡ chùa Trấn Bắc gặp lúc đời suy đồi cũng lâm cảnh tang thương, hưu quạnh. Nhìn lại khác nào mấy ngôi chùa Chân Quang, Ba Vàng vừa mới tấp nập dập dìu, thoắt có ngày đã: “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu/ Khách đi qua đó chạnh niềm đau./ Mấy toà sen rớt mùi hương ngự/ Năm thức mây phong nếp áo chầu/ Sóng lớp phế hưng coi đã rộn/ Chuông hồi kim cổ lắng càng mau/ Người xưa, cảnh cũ, nào đâu tá?/ Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!” (Chơi chùa Trấn Quốc).
Tôi xin tạm dừng trích dẫn phần thơ Bà Chúa giễu đám thầy tu thích cúng dường, thích văn bằng đông đàn dài lũ kia, bằng bài thơ bà "Mắng bọn dốt":
Dắt díu nhau lên đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.
Thật đa dạng và đặc sắc thơ Hồ Xuân Hương!
Là một quy luật, khi những ngôi chùa nguy nga xa hoa mọc lên để trong đó luôn mở ra những khóa tu, buổi thuyết giáo, tế lễ trái đạo pháp cho mục đích bòn rút tiền công quả cúng dường, thì tất yếu theo sau đó phải có các ma tăng hiện diện trụ trì. Trước cơ cảnh đó, các tín đồ Phật tử cùng thi nhân, chí sỹ tự nhiên được tập hợp lại để gia hộ chính pháp và viết lời bài bác vạch trần tà đạo…
Đặc biệt hiện tượng nhà sư Thích Minh Tuệ tu Hạnh Đầu Đà xuất hiện với bước chân trần cùng bộ phấn y tảo người khất sỹ Đầu Đà mang dọc đường Nam Bắc tưởng nhẹ tênh như gió như sương mà lại thành ra ngọn linh sơn có sức nặng kỳ lạ. Hành trang người khất sỹ Đầu Đà mang theo không gì ngoài nguồn lương năng từ bi và buông bỏ. Buông bỏ - một âm thanh rỗng không khi gieo xuống đường người, hay đâu đã khiến một cái có lớn thời đại lộ hình, đó là: lòng tham lam sân hận, sự giả dối và điều ngu tín.
Một hệ thống nền tảng từ nhà dân đến nhà chùa, nơi các ông thầy tu, thầy học nương thân bấy lâu tưởng vững chãi bỗng thành ra băng mỏng rạn vỡ khi bước chân trần người khất sỹ đặt lên.
Thật là:
Kiếp luân hồi mang thân cẩu báo
Thích đăng đàn thuyết giáo gió mây
Dụng tâm tà thuật thật hay
Sắc thanh hương vị… đặt bày dối gian!
(Nhà văn Phạm Lưu Vũ)
Bài mạn đàm - xin làm nén hương thơm bái vọng chân linh Bà Chúa thơ Nôm, cùng xin đảnh lễ trước bước chân trần người khất sỹ Đầu Đà!