Ẩm thực truyền thống là hơi thở cuộc sống ở Serbia
Những trái mâm xôi (hay còn gọi là phúc bồn tử) căng mọng với màu đỏ, vàng, đen hấp dẫn, từ lâu đã trở thành loại trái cây quý giá tại Serbia. Quả mâm xôi ở quốc gia này được ví như “cao lương mỹ vị” trong các bữa ăn. Chúng có thể được trộn cùng salad gà, tôm, táo hoặc làm nguyên liệu trong những chiếc bánh kem, sô cô la.
Những nông dân trồng mâm xôi ở Arilje đã truyền lại cho các thế hệ sau phương pháp trồng và thu hoạch riêng biệt để có được trái mâm xôi chất lượng nhất, giữ được vị thơm ngon đặc trưng mà không nơi nào sánh được.
Phương pháp trồng bao gồm kỹ thuật sử dụng lưới mắt cáo để hỗ trợ công tác bảo vệ thực vật, giúp việc tỉa cành dễ dàng hơn. Lưới mắt cáo cũng cho phép lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào từng quả nhiều hơn.
Trái mâm xôi được trồng nhiều nhất ở khu vực Tây Nam Serbia sau Chiến tranh thế giới thứ II và sớm trở thành một loại đặc sản bản địa. Theo thời gian, nơi đây đã trở thành thủ phủ của quả mâm xôi, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Serbia.
Không chỉ có mâm xôi Ariljska malina, quả sơ-ri Oblacinka trồng ở phía Nam Serbia cũng đã đạt được chứng nhận chỉ dẫn địa lý quốc gia, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nông nghiệp Serbia. Từ những khu vườn nhỏ cho tới các trang trại quy mô lớn, người dân trồng sơ-ri ở đây đã truyền lại cho con cháu bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng của trái sơ-ri vùng Nam Serbia.
Giá trị của chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản địa phương
Vùng trồng mâm xôi ở phía Tây Nam và vùng trồng sơ-ri ở Nam Serbia đã được cấp chỉ dẫn địa lý từ thập kỷ trước. Cả hai vùng này đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của Liên hợp quốc (FAO) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD).
Các tổ chức này đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Quản lý nguồn nước của Serbia để phát triển sản xuất và bền vững cho hai loại trái cây đạt chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Dự án nhận được nguồn tài chính từ châu Âu và Chính phủ Italy thông qua Tổ chức Sáng kiến Trung Âu, tài trợ cho các tổ chức sản xuất và nghiên cứu, giúp chia sẻ các quy định hợp pháp về chỉ dẫn địa lý.
FAO và EBRD đã phân tích 9 yếu tố sản xuất và nhận thấy rằng nguồn gốc có thể thúc đẩy giá trị của nông sản tăng cao hơn nhiều lần so với những sản phẩm chưa đạt chứng nhận. Điều này cho thấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý không chỉ bảo vệ giá trị của đặc sản địa phương mà còn góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân.
Để đạt được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nông dân phải trải qua một quá trình dài và nhiều thách thức. Tuy nhiên, thành quả này mang lại những lợi ích lớn lao, góp phần xây dựng các chiến dịch dài hơi trong việc bảo vệ thương hiệu của các loại trái cây đặc sản.
Hiệp hội sơ-ri ở Serbia đóng vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ các trang trại trồng sơ-ri xây dựng thương hiệu uy tín. Hiệp hội cũng khuyến khích họ triển khai các chiến lược quảng bá nhãn hiệu, marketing và tạo chuỗi liên kết cung ứng giữa người bán và người mua. Hiệp hội sơ-ri còn khuyến khích các nhà trồng sơ-ri Oblacinka và các công ty cung cấp sáng tạo trong sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm như sơ-ri sấy khô, sơ-ri hữu cơ đạt chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Tương tự, các thành viên của Hiệp hội Người trồng mâm xôi Ariljska malina cũng liên kết để bảo vệ, thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm từ quả mâm xôi, giúp các trang trại địa phương tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước.
Chính phủ Serbia khẳng định, thành công của chỉ dẫn địa lý cho mâm xôi và sơ-ri đã mang lại làn gió mới cho ngành nông nghiệp nông thôn, tạo thêm việc làm, đặc biệt cho giới trẻ, và đem lại sự hứng khởi cho người nông dân trong việc thực hành nông nghiệp sạch và nông nghiệp sinh thái.
Thương hiệu quả mâm xôi Ariljska malina và sơ-ri Oblacinka không chỉ nổi tiếng với chất lượng thơm ngon riêng biệt, mà còn trở thành niềm tự hào của người nông dân Serbia. Họ luôn nhắc nhở con cháu và thế hệ tương lai giữ gìn bí quyết canh tác truyền thống, đồng thời không ngừng đổi mới để khẳng định vị thế trên trường quốc tế.