Vua tiêu Việt Phan Minh Thông không còn xa lạ với công chúng, vì những đóng góp của ông trên thương trường cũng như nhiều hoạt động cộng đồng khác.
Vua tiêu Việt sáng lập và điều hành Tập đoàn Phúc Sinh trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp suốt hai thập niên qua. Thế nhưng, vua tiêu Việt không chỉ có tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu hạt hay tiêu xay gói để xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, mà còn có cà phê đặc sản Arabica Blue Sơn La, trà Cascara Blue Sơn La và chuỗi quán cà phê K-Coffee thu hút đông đảo khách hàng sành điệu. Đặc biệt, ngoài vai trò một nhà sưu tập tranh tầm cỡ hiện nay, vua tiêu Việt có niềm hứng thú đọc sách và viết sách.
Sau khi xuất bản hai cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” và “Vượt lên những con đường kinh doanh”, vua tiêu Việt đã làm cú đột phá bất ngờ khi có cuốn sách “Overcoming Business Journeys” được Nhà xuất bản Novum của Anh ký hợp đồng in ấn và phát hành tại hơn 20 quốc gia.
Từ xuất khẩu nông sản đến xuất khẩu sách, thực sự là một bước chuyển ngoạn mục của doanh nhân Phan Minh Thông. Cho nên, cuộc trò chuyện với vua tiêu Việt 49 tuổi về văn hóa đọc cũng hé lộ nhiều câu chuyện hấp dẫn khác.
- Thưa doanh nhân Phan Minh Thông! Cái danh xưng “vua tiêu Việt” của ông đã đủ yếu tố gây tò mò cho công chúng ghé mắt vào bài phỏng vấn này. Thế nhưng, ở đây, chúng ta tạm thời không đề cập về quy mô sản xuất và kinh doanh của Phúc Sinh, cũng như sự tín nhiệm của các quỹ đầu tư quốc tế đối với chiến lược phát triển bền vững mà ông bền bỉ xây dựng cho doanh nghiệp mình. Chúng tôi muốn được nghe ông chia sẻ, với tư cách một tác giả truyền cảm hứng cho văn hóa đọc.
Phan Minh Thông: Rất sẵn sàng! Tôi có thể nói về sách một cách say sưa, như nói về tiêu, nói về cà phê, nói về nông sản. Đối với tôi, đối với cuộc sống và sự nghiệp của tôi, sách cũng là một nhu cầu, như cơm ăn áo mặc.
- Xin bắt đầu ngay với cuốn sách “Overcoming Business Journeys” của ông đã xuất bản ở Anh. Theo tôi, đó là một điểm nhấn tương đối thú vị trong làng sách Việt năm 2023 vừa qua. Bởi lẽ, lâu nay, chủ yếu sách của tác giả nước ngoài được dịch và in ở nước ta, rất hiếm hoi sách của tác giả nước ta được dịch và in ở nước ngoài, nhất là loại sách liên quan tài chính và thương mại. Dòng chảy ngược ấy, dường như không đơn giản?
Phan Minh Thông: Tôi thấy bình thường. Đời sống văn hóa Việt có nhiều nét đẹp riêng biệt, môi trường kinh doanh Việt càng có những đặc thù mà thế giới đang quan tâm. Cuốn sách “Overcoming Business Journeys” của tôi giống như một gợi ý để các doanh nghiệp quốc tế có thể hình dung tương đối về con người và thị trường Việt Nam, trước khi quyết định bỏ vốn hợp tác. Thực tế chứng minh, cuốn sách “Overcoming Business Journeys” giúp tôi có thêm nhiều bạn bè và Phúc Sinh có thêm nhiều đối tác ở khắp nơi.
- Doanh nhân thường rất bận rộn. Nếu có chút thời gian rảnh rỗi thì doanh nhân nghỉ ngơi thư giãn, hoặc tranh thủ gặp gỡ xã giao để củng cố thêm vài mối quan hệ mang đến lợi ích cụ thể. Viết sách là công việc nhọc nhằn. Vậy mà, ông in cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” vào năm 2017 rồi in tiếp cuốn sách “Vượt lên những con đường kinh doanh” vào năm 2021, làm sôi động cả thị trường sách. Chưa bàn đến năng khiếu viết lách, ngay cả việc ngồi xuống một mình một bóng cặm cụi với câu chữ cũng đầy ái ngại nhỉ?
Phan Minh Thông: Nếu có đam mê thì không còn thấy vất vả. Tôi viết, vì không muốn lãng phí những trải nghiệm bản thân. Tôi đã đi hầu hết các châu lục trên thế giới và chứng kiến rất nhiều những điều khác biệt về văn hóa, về ứng xử, về nhọc nhằn mưu sinh, về khát vọng giàu sang. Những điều ấy đặt trong sự so sánh với bối cảnh quê hương, luôn mang lại cho tôi sự thú vị và thúc giục tôi ghi lại những khoảnh khắc đánh động tâm trí mình. Mỗi ngày, dù đang ở Việt Nam hay ở một quốc gia xa lạ nào đó, tôi cũng cố gắng dành ra mười lăm hoặc hai mươi phút để tóm tắt lại những câu chuyện vừa xảy ra chung quanh, rồi mới lên giường đi ngủ.
Viết sách rất thách thức, không dễ chút nào. Thương trường căng thẳng, sau đó ngồi vào bàn viết là một sự nỗ lực lớn. Và viết gì khi ngồi vào bàn? Sau mệt mỏi kinh doanh, thường đầu óc trống rỗng, khó kết nối. Viết, trước hết mình phải thấy tâm đắc thì mới tiếp tục được, vì mình không phải dân cầm bút chuyên nghiệp cho nên mình rất cần nhiều cảm xúc. Tôi ý thức nuôi dưỡng cảm xúc viết sách, tương đương thái độ ân cần đối đãi với từng khách hàng.
- Nghe đồn, trừ vài người rất gần gũi và quý mến, thì ông không tặng sách cho ai. Mỗi cuốn sách, ông đã bán hàng vạn bản. Xin hỏi thật, ông có áp dụng kỹ nghệ bán nông sản để bán sách không?
Phan Minh Thông: Anh hỏi thật thì tôi cũng thú thật. Khi xuất bản cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh”, tôi khá lo lắng. Tôi không ngừng truy vấn, không biết người ta có thích một doanh nhân viết không, không biết người ta có thích đọc của mình không? Thế nhưng, khi đã in sách thì tôi nghĩ rằng nhất định phải bán sách.
Cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” khi kết thúc chiến dịch bán sách, tôi đã bán được 15 nghìn bản. Thành công với vai trò kinh doanh cũng có nhiều niềm vui, nhưng việc viết sách và bán sách lại cho tôi những hứng khởi rất đặc biệt.
Thực sự là một giấc mơ, khi tôi thu được một tỷ đồng từ cuốn sách đầu tay. Cuốn sách thứ hai “Vượt lên những con đường kinh doanh” cũng bán rất tốt. Thị trường sách bây giờ không thuận lợi gì, và những tác giả chuyên nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà, tôi có thể trang trải toàn bộ chi phí in ấn, chi phí quảng bá mà còn dư ra một khoản tiền nữa. Tôi hay nói đùa với vợ tôi và nhân viên, rằng: Cứ đà này, khi mình nhiều tuổi hơn thì mình có thêm nhiều đầu sách, không khéo mỗi tháng mình có nguồn thu nhập thụ động còn cao hơn tiền lương.
Khái niệm “chiến dịch bán sách” của ông, nghe có vẻ ẩn chứa nhiều thủ thuật khéo léo?
Phan Minh Thông: Chẳng có gì phải giấu giếm. Ở Tập đoàn Phúc Sinh, tôi không chỉ khuyến khích nhân viên đọc sách mà còn tổ chức “Ngày hội bán sách”. Muốn bán món hàng gì thì dĩ nhiên cần am tường về nó. Vì vậy, nhân viên Phúc Sinh đã đọc sách của tôi và bán sách dùm tôi. Với một “Ngày hội bán sách”, không phải tôi có hàng trăm đại lý phát hành à?
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, thị trường sách Việt Nam chưa sôi động vì nhiều người chưa biết cách bán sách, cách xây dựng hệ thống phân phối đến đúng đối tượng đọc sách. Một cuốn sách muốn bán chạy, theo tôi, có ba yêu cầu. Thứ nhất, viết phải dễ hiểu và giản dị, hóm hỉnh và có câu chuyện lôi cuốn. Thứ hai, tình tiết thực tế, cốt truyện rõ ràng và làm người đọc ghi nhớ. Thứ ba, sách không nên quá dày.
Doanh nhân viết sách và sách viết về doanh nhân, phần lớn là kiểu người tốt việc tốt, chứ không phải người thật việc thật. Chúng tôi không vuốt ve lấy lòng ông làm gì, nhưng vẫn phải thừa nhận, sách của ông không bị rơi vào xu hướng phổ biến kia.
Phan Minh Thông: Nhiều doanh nhân viết sách về chính cuộc đời họ, dưới dạng tự truyện có cân nhắc thiệt hơn. Tôi không thích thế. Tôi không hào hứng với việc tô vẽ bản thân. Tôi viết những câu chuyện ấn tượng với mình. Tốt có, xấu có, nhưng tôi viết bằng sự chân thành.
Tôi viết về cả những thất bại của tôi. Người ta lắm lúc chỉ thấy vẻ đẹp của sự thành công, còn tôi thấy sự thất bại cũng có vẻ đẹp riêng. Bởi lẽ, sự thất bại giúp con người tự nắn chỉnh bản thân và độ lượng hơn với người khác.
Độc giả thông qua những cuốn sách của tôi, cũng có thể nhận ra tôi không phải xuất thân giàu có gì. Tôi đã nỗ lực để vươn lên và tôi muốn truyền cảm hứng lập thân, lập nghiệp cho những ai có niềm tin, có ý chí hướng đến ngày mai. Tôi làm được, thì chắc chắn nhiều người cũng làm được.
Thời thơ ấu ở thành phố cảng Hải Phòng “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, ông là con nhà nghèo à, không có tiền mua sách để đọc à?
Phan Minh Thông: Đúng, nhà tôi nghèo, lại đông con. Thế nhưng, bố tôi là một người rất yêu chữ nghĩa. Bố tôi chắt chiu khoản thu nhập ít ỏi để có một tủ sách, và tôi đọc ké sách của bố tôi. Có cuốn sách tôi đọc vài chục lần, đọc muốn nát cả sách ra. Có những cuốn sách không dành cho lứa tuổi của tôi, nên đọc mà chả hiểu gì, nhưng vẫn đọc vì thích cảm giác khám phá từng trang sách. Tôi hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ, nhờ ảnh hưởng của bố tôi.
Khi lên Hà Nội học đại học, mỗi tối tôi đều đạp xe đi làm gia sư để trang trải cuộc sống. Tôi chia thu nhập từ nghề dạy thêm thành hai khoản, một khoản để ăn cơm bụi, còn một khoản để mua sách đọc.
- Bây giờ thì sao, ông đã có rất nhiều tiền, có thể mua mấy cái thư viện…
Phan Minh Thông: Khi đã có chút thành đạt trong kinh doanh, tôi xây dựng được nhiều ngôi nhà, mà ngôi nhà nào cũng có tủ sách. Nhà lớn thì không gian đọc sách lớn, nhà nhỏ thì không gian đọc sách nhỏ, nhưng nhất định phải có chỗ đọc sách.
Tôi xem tủ sách là một điểm nhấn quan trọng trong cấu trúc mỗi ngôi nhà, mang lại vẻ đẹp đích thực cho mỗi ngôi nhà. Nhìn lên tủ sách, tôi thấy giá trị của tri thức, giá trị của sự chịu thương chịu khó và cả giá trị của sự tôn trọng truyền thống tổ tiên.
Công việc một doanh nhân điều hành tập đoàn nghìn tỷ có làm hao mòn ham muốn đọc sách của ông chăng?
Phan Minh Thông: Tôi đọc sách lúc nào có thể, thậm chí cố gắng sắp xếp công việc sao cho khoa học nhất để có thêm vài chục phút mà đọc sách. Ở trụ sở chính doanh nghiệp của tôi tại TP.HCM, tầng nào cũng có tủ sách, nên giữa những cuộc họp cũng là cơ hội cho tôi đọc sách. Còn đi nước ngoài thì lúc nào trong va li của tôi cũng có sách, để đọc khi bị hoãn chuyến bay, để đọc khi ngồi trên máy bay. Giải trí với các ứng dụng điện thoại di dộng không quyến rũ tôi bằng đọc sách. Đọc hết sách mang theo, thì tôi mua sách tại xứ sở vừa đặt chân đến để đọc.
Dù hơi buồn, tôi vẫn phải nói ra điều này. Người Việt hiện nay vẫn ít đọc sách quá. Ở Mỹ hay ở Nhật, người nào cũng cầm cuốn sách trên tay để đọc lúc đón xe buýt hay trong ga tàu điện ngầm. Ở những nước phát triển, tôi quan sát ở đâu cũng có các quầy bán sách, phải kinh doanh được thì người ta mới mở nhiều như thế chứ.
Hình như một bộ phận người Việt chúng ta vẫn dùng đầu óc thực dụng để phán đoán rằng, đọc sách không thể ra tiền. Dùng thời gian đọc sách để làm công việc gì đó, như thổi bong bóng bán cho trẻ con chẳng hạn, cũng có thể ra tiền…
Phan Minh Thông: Tôi tâm đắc quan niệm “Người đọc sách chưa chắc thành công, nhưng người thành công thì không thể không đọc sách”. Đọc sách với tôi là một cách trang bị kỹ năng sống, bản lĩnh sống. Khi thành lập Phúc Sinh với mong muốn đưa nông sản Việt ra thế giới, thì sách thực sự là người thầy của tôi, dạy cho tôi cách vượt qua thử thách, dạy cho tôi cách đương đầu khó khăn, và dạy cho tôi cả cách sẵn sàng đón nhận những điều không suôn sẻ.
Ông đã đưa nông sản Việt ra thế giới, ông đã đưa sách của mình ra thế giới, ông có tính một hành trình có vẻ trái chiều là đưa tri thức về nông thôn không? Chẳng hạn, bên cạnh những đợt tập huấn đã tổ chức liên tục về kỹ thuật chăm sóc và thu hái cà phê cho nông dân, Tập đoàn Phúc Sinh sẽ hỗ trợ những tủ sách nông thôn?
Phan Minh Thông: Đó là một ý tưởng rất hay mà tôi đang ấp ủ. Thế nhưng, theo tôi, đưa sách đến nông thôn vẫn chưa đủ mà cần tạo ra không khí ham muốn đọc sách ở nông thôn. Có phải giá sách quá đắt với nông dân không? Không, một ngày công hái cà phê khoảng 250 nghìn đồng, nếu thích sách thì họ vẫn có thể mua để đọc. Cho nên, muốn phát triển văn hóa đọc ở nông thôn, thì phải có hành động cụ thể để khơi mở lợi ích của việc đọc sách cho nông dân. Lợi ích cả về tinh thần và vật chất.
Nông dân Việt có sẵn đức tính hiếu học, dù nghèo khó đến đâu thì họ cũng co kéo dành dụm để cho con đi học. Đó là nền tảng cơ bản rồi, hành động tiếp theo là phải làm sao để nông dân hiểu rằng người đọc sách thì vào đời thuận lợi hơn người không chịu đọc sách. Ngay khi cùng một xuất phát điểm, thì người đọc sách cũng sẽ bật cao hơn người không chịu đọc sách.
Kêu gọi doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội để tài trợ tủ sách nông thôn thì không khó, nhưng sẽ không mấy tác dụng, nếu ý thức đọc sách không len lỏi vào từng bản làng, từng ngôi nhà ở nông thôn. Tôi tin, mang một tủ sách đến nông thôn không có hiệu quả tích cực bằng giới thiệu một gương mặt đổi đời nhờ đọc sách ở nông thôn. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nên có nhiều chương trình thiết thực hơn, đa dạng hơn và phong phú hơn.
Trong một tương lai gần, ông dự định làm gì cho văn hóa đọc ở nông thôn?
Phan Minh Thông: Tôi viết một cuốn sách về nông sản Việt và vai trò của nông dân tham gia nâng cao chất lượng nông sản Việt. Tôi tránh xa sự giáo điều lý thuyết, tôi dùng chính thực tế canh tác của nông dân mà tôi được chứng kiến với nhiều ưu điểm lẫn hạn chế, để kể những câu chuyện nông sản. Tôi lạc quan về bức tranh nông nghiệp và nông thôn. Từ đòn bẩy tri thức hóa nông dân, những con người ở nương rẫy, ở ruộng đồng bằng sự lao động và sự sáng tạo của họ, sẽ không còn thụ động để làm chủ số phận họ và tự hào về cuộc đời họ.
- Xin cảm ơn những lời bộc bạch cởi mở và thẳng thắn của ông!