| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn

Thứ Bảy 02/12/2023 , 09:58 (GMT+7)

Được cấp chỉ dẫn địa lý, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được tư thương săn đón, số lượng vịt nuôi không đủ cung cấp cho thị trường.

Giống vịt bầu cổ xanh đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Giống vịt này có đặc điểm thân bầu, chân ngắn, cổ ngắn. Con đực có đầu màu xanh, vòng cổ trắng, ngực màu xám nâu, toàn thân có màu hơi xám nhạt, lông cánh có ô vuông màu xanh. Con cái có bộ lông màu xám nhạt, cổ ngắn, thân bầu, bụng xệ.

Giống vịt bầu cổ xanh bản địa có nguy cơ mai một. Ảnh: Ngọc Tú.  

Giống vịt bầu cổ xanh bản địa có nguy cơ mai một. Ảnh: Ngọc Tú.  

Vịt bầu chủ yếu được thả tự nhiên trên sông suối có nguồn nước sạch nên thịt chắc, thơm ngon. Giống vịt này có trọng lượng từ 1,8 - 2,2 kg/con, giá bán trên thị trường khoảng 100.000 đồng/kg.

Anh La Dương Tuấn (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông) cho biết, mỗi năm gia đình nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 100 con. Thức ăn là ngô, thóc và một số loại phụ phẩm nông nghiệp.

Gia đình nuôi vịt theo hình thức vừa nuôi nhốt, vừa thả trên sông. Vịt nuôi thả sông có thịt săn chắc, thơm ngon nên rất dễ tiêu thụ, giá bán không thấp hơn 90.000 đồng/kg, thời điểm giáp tết, giá có thể lên tới 150.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giống vịt bầu cổ xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn số lượng ít, phân bố lẻ tẻ, mỗi hộ nuôi từ vài chục con đến vài trăm con, sản phẩm chủ yếu bán ở các chợ phiên, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với cách nuôi tự phát, nhỏ lẻ, đàn vịt bầu cổ xanh tại Bắc Kạn có xu hướng giảm dần về số lượng, nhiều hộ chuyển sang nuôi giống vịt lai.

Cũng do đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, việc bảo tồn và phát triển nguồn giống gốc đang bị đe doạ, nguy cơ không còn giữ được nguồn giống thuần chủng.

Trước thực trạng đó, tháng 4/2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn”.

Mục tiêu của dự án là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm để nhân giống phát triển đàn vịt bầu cổ xanh theo hướng chăn thả tự nhiên, lưu giữ được nguồn giống quý, tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng được chỉ dẫn địa lý.

Sau 3 năm triển khai, dự án đã điều tra, khảo sát, lựa chọn vịt bầu cổ xanh ở 150 hộ chăn nuôi tại 4 huyện (Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn). Xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bố, mẹ sinh sản với quy mô 350 con tại trại giống thủy sản của tỉnh.

Dự án đã tập huấn kỹ thuật cho 12 lượt hộ chăn nuôi tham gia mô hình, sau tập huấn, các hộ đã áp dụng vào thực tế tại gia đình. Kết quả đã thực hiện được mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm với quy mô 1.200 con với 12 hộ tham gia. Sau 4 tháng nuôi, vịt thương phẩm đạt từ 1,7 - 2,3 kg/con. Dự án đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn.

Ngày 5/6/2023, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Theo Giấy chứng nhận này, các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn là vùng được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh của tỉnh Bắc Kạn.

Đánh giá của Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho thấy, khi so sánh kết quả phân tích chất lượng thịt, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có những nét đặc trưng riêng, các chỉ tiêu phân tích về hàm lượng axít amin, Protein, Lipid có sự khác biệt với những loại vịt khác.

Có được những đặc điểm này là nhờ sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, vùng địa lý từ đó tạo nên tính chất đặc thù về ngoại hình, thể chất. Đây cũng là những đặc điểm quan trọng để vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý.

Chị Văn Thị Dịu (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn) cho biết, giống vịt bầu cổ xanh rất phù hợp với điều kiện khu vực miền núi, đây là giống có sức chống chịu bệnh cao, có khả năng tìm kiếm tận dụng thức ăn thiên nhiên tốt, chế độ nuôi dưỡng thấp, thích hợp với nông hộ vì vốn đầu tư không nhiều, thời gian quay vòng vốn nhanh.

Vịt bầu cổ xanh ở Bắc Kạn được thị trường ưa chuộng nhưng tổng đàn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Ngọc Tú. 

Vịt bầu cổ xanh ở Bắc Kạn được thị trường ưa chuộng nhưng tổng đàn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hiện nay, nông hộ ở Bắc Kạn không tập trụng quá nhiều về số lượng, duy trì mỗi hộ từ 100 - 200 con/lứa. Thời điểm cuối năm người dân tại một số xã duy trì, tái đàn, phục vụ thị trường dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.