| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội có chỉ dẫn địa lý cho bưởi đường La Tinh

Thứ Sáu 22/12/2023 , 06:57 (GMT+7)

Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, trong 12 loại bưởi của Thủ đô thì bưởi đường La Tinh là ngon nhất, bảo quản được lâu nhất.

Chỉ vài gốc bưởi là đủ dưỡng già

Cũng theo bà Hòa, dù quy mô chỉ khoảng 1.360 cây nhưng bưởi đường La Tinh đặc thù chỉ có trong làng La Tinh, độ brix (ngọt) đạt 13-14 % và đặc biệt là không he, ăn ngon, ngọt và giòn tôm. Người dân ở đây trồng bưởi rải rác, coi đó như là những cây dưỡng già, chỉ cần vài gốc cũng rất có giá trị bởi mỗi gốc cho từ 300-400 quả, với giá bán 30-35.000đ/quả thì đã đạt trên dưới 10 triệu đồng.

Tại vòng chung khảo hội thi bưởi lần thứ hai của Hà Nội sắp tổ chức ở huyện Hoài Đức, sẽ có lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho bưởi đường La Tinh. Việc làm này có ý nghĩa giúp bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao giá trị kinh tế cho loại đặc sản này. “Người dân chưa biết quảng bá thì bán 30-35.000đ/quả bưởi đường La Tinh nhưng nếu biết có thể bán được 50.000 đ/quả”.

Tự nhiên tôi lại nhớ đến mùa bưởi năm trước khi được ông Nguyễn Ngọc Giàng 80 tuổi ở thôn La Tinh, xã Đông La (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) dẫn đi quanh những gốc bưởi cổ thụ phủ kín địa y rồi được vợ ông bổ bưởi đãi ngay sân nhà. Giữa tiết trời nóng ẩm, khó chịu, những tép bưởi ngọt, thơm và mát như thạch ấy khiến cho tôi thấy sảng khoái. Chẳng thế mà có câu thơ rằng: “Bưởi đường thương hiệu La Tinh. Hương thơm, vị ngọt môi mình, môi ta. Hỡi người du khách gần xa. Có về thưởng thức bưởi La xin mời”.

Vườn bưởi nhà ông Giàng. Ảnh: Tư liệu.

Vườn bưởi nhà ông Giàng. Ảnh: Tư liệu.

Vừa đon đả mời khách ăn, ông vừa thuyết minh rằng bưởi đường La Tinh cao tuổi, quả càng nhỏ lại càng ngon. Vườn bưởi của nhà được trồng từ thời ông hãy còn là một chàng thanh niên tóc xanh mà giờ đã bạc trắng, chúng đều cỡ 50 tuổi cả rồi nhưng đến vụ vẫn cho quả rất đều. Mỗi quả bán 20.000 - 30.000 đồng, tính ra mỗi cây cho trung bình 10 triệu/vụ, kỷ lục nhất có cây cho tới 17,5 triệu nên chỉ dăm bảy cây thôi đã đủ tiền cho ông bà dưỡng già.

“Đã làm vườn thì phải yêu cây, phải để ý đến các loại sâu hại mà đặc biệt là xén tóc. Tháng hai, tháng ba xén tóc đẻ trứng, thấy cành nào héo là tôi lấy gậy kều xuống, rạch ra bao giờ cũng bắt được con ấu trùng chỉ nhỏ như cái đầu tăm. Những con nào nở mà không bị phát hiện, sau này thấy phân đùn ra phải tìm đến mà bắt chứ không để lâu nó đục vào thân sẽ gây hỏng cả cây”, ông Giàng tâm sự.

Vì là đặc sản hiếm có, khó tìm nên bưởi đường La Tinh không phải mang ra chợ để bán mà toàn người quen đặt hết ngay từ đầu vụ, phần để ăn, phần để biếu và giá của nó không bị kéo xuống theo thị trường. Những năm gần đây Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã cùng bà con sát cánh trong việc tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo quản quả cũng như quảng bá, xây dựng thương hiệu cho loại bưởi này.

Các nhà khoa học và cán bộ Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thăm vườn bưởi nhà ông Giàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các nhà khoa học và cán bộ Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thăm vườn bưởi nhà ông Giàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi lại theo chân ông Dương Đình Trường- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đông La ra vườn bưởi đường La Tinh khá rộng, tuổi còn trẻ ở ngay đầu làng. Giống đặc sản này rất khó tính, trồng ở làng La Tinh và làng bên chất lượng đã khác nhau rồi, chưa nói đến trồng ở trong đồng lại khác xa so với ngoài bãi.

Nó phù hợp nhất với vùng đất thịt mà nhất là có sỏi ruồi nhưng ngặt một nỗi những khu vườn trong làng La Tinh cứ ngày một đô thị hóa, biến thành nhà cửa hết nên ông Trường cứ ước ao: “Quỹ đất để phát triển bưởi đường La Tinh chưa phải là đã hết, thành phố nên tập trung quy hoạch giúp chúng tôi một vùng sản xuất với mỗi hộ thấp nhất phải có vài sào, bởi nếu ít quá thì không bõ gì về kinh tế. Chỉ cần có vài sào là dân tôi có thể thu mỗi vụ trên 100 triệu đồng rồi”.

Vườn bưởi La Tinh ở đầu làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn bưởi La Tinh ở đầu làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngọt nhất và bảo quản được lâu nhất

Hiện toàn huyện Hoài Đức có khoảng 360ha bưởi, trong đó tập trung chủ yếu vào các giống như Diễn, Quế Dương và La Tinh. Tuy nhiên bưởi Diễn là giống mang từ nơi khác về còn bưởi Quế Dương và bưởi La Tinh là giống địa phương, mang nhiều nét khác biệt, độc đáo nên rất cần nghiên cứu.

Kết quả phân tích nằm trong “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thực hiện trên 30 mẫu bưởi đường La Tinh trồng tại xã Đông La và 40 mẫu bưởi đối chứng.

Xét ở độ brix và đường tổng số, bưởi đường La Tinh đều cao hơn hẳn các loại bưởi đối chứng là Diễn, Quế Dương và Sửu. Ở chỉ tiêu độ brix, các loại bưởi đối chứng có giá trị trung bình từ 9,52 - 12,14%, thấp hơn bưởi đường La Tinh từ 10,83 - 30,08%. Còn với chỉ tiêu đường tổng số, bưởi đường La Tinh cao hơn các giống đối chứng từ 22,31 - 32,84%. Chính vì vậy bưởi đường La Tinh có vị ngọt mà ít loại bưởi nào sánh kịp.

Bưởi sau bảo quản 1 năm (bên trái). Ảnh: Tư liệu. 

Bưởi sau bảo quản 1 năm (bên trái). Ảnh: Tư liệu. 

Còn so với chính các loại bưởi đường khác thì sao? Dựa theo bộ cơ sở dữ liệu ADN trực tuyến của Trung tâm Tài nguyên Thực vật, các giá trị độ brix và đường tổng số của một số giống bưởi đường như bưởi Bằng Luân (độ brix 11,50%; đường tổng số 8,64%), bưởi Hoàng (độ brix 11,50%; đường tổng số 6,75%), bưởi Hiệp Thuận (độ brix 11,20%; đường tổng số 7,50%), bưởi đường Hooc Môn (độ brix 9,80%; đường tổng số 6,80%) đều thấp hơn so với bưởi đường La Tinh.

Ngoài ra, bưởi đường La Tinh còn vô địch về thời gian bảo quản. Các kết quả điều tra cho thấy giống bưởi này có thể lưu giữ được 6 - 8 tháng, thậm chí cả năm sau thu hoạch mà không bị khô tôm, vỏ ít bị héo. Ngoài do hàm lượng đường trong quả cao thì còn do cách bảo quản của người dân địa phương.

Thay vì chỉ sử dụng cách bảo quản thông thường là xếp bưởi chỗ thoáng mát hay bằng túi lưới thì người dân địa phương lại sử dụng chum vại đậy kín hoặc túi nilong bọc từng quả. Cách làm này giúp cho quả ít tiếp xúc với không khí, hạn chế thoát nước, tạo môi trường khô ráo, yếm khí tránh sự xâm nhập và sinh sôi của nấm mốc cũng như các vi sinh vật gây thối quả. Bởi thế, giữa tiết trời nóng nực của mùa hè mà dân làng La Tinh vẫn có thể đãi khách bằng những múi bưởi đặc sản. Và khi ấy, nó là vô giá bởi gần như không còn loại bưởi nào ở miền Bắc có thể cạnh tranh.

Múi đặc trưng của bưởi La Tinh. Ảnh: Tư liệu. 

Múi đặc trưng của bưởi La Tinh. Ảnh: Tư liệu. 

Về mùa vụ thu hoạch, bưởi đường La Tinh có mùa vụ khác biệt so với các giống bưởi khác do đặc tính của giống. Bưởi có thể thu hoạch sớm từ đầu tháng 11 đến tháng 12 dương lịch, sớm hơn giống bưởi Diễn và bưởi Hiệp Hòa khoảng 2 tháng, muộn hơn bưởi Sửu khoảng 1 tháng. Điều này làm tăng khả năng canh tranh của bưởi đường La Tinh trên thị trường và giúp rải vụ tốt trong cơ cấu trồng bưởi ở địa phương.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện năm 2017 huyện Hoài Đức nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, thuộc dạng địa hình cao. Trên cơ sở kết quả điều tra vùng trồng bưởi đường La Tinh, nhận thấy vùng trồng bưởi đường tập trung chủ yếu dọc theo sông Đáy, thuộc vùng đất bãi với địa hình thuộc các chân đất vàn cao và cao, có độ cao từ 7 - 15 m, cao hơn mức trung bình của toàn huyện với hướng dốc từ đê ra sông. Đây là vùng có khả năng tiêu, thoát nước tốt, rất phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây bưởi, đồng thời, gần sông Đáy nên duy trì được độ phì nhiêu đất và môi trường đất ổn định.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.