Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi

Kiên Trung - Thứ Năm, 05/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Tiến sỹ Phạm Hữu Lợi - người phụ trách trường Cấp 3 Nông nghiệp (TP. Nam Định). Ảnh: Kiên Trung.

Một ông giáo già sáng nào cũng ngồi trên chiếc ghế băng dài kiểu cũ từ thập niên những năm 90 về trước, mắt hướng về dòng chữ in ngoài cửa không quá to, nhưng đủ để ai cũng nhìn thấy: “Thư viện tự giác”.

“Ông già” đó là Tiến sỹ Phạm Hữu Lợi, Phó trưởng ban Điều phối dự án Trường cấp III Nông nghiệp (phường Nam Phong, TP. Nam Định), đồng thời cũng là “chủ nhân” của thư viện tự giác dành cho các cô cậu học trò đang học tập tại một ngôi trường có cái tên rất riêng ấy.

Thư viện tự giác

Sinh năm 1956, quê xã Xuân Hồng (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), Tiến sỹ Phạm Hữu Lợi được biết đến là người truyền cảm hứng không biết mệt mỏi về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho bà con nông dân, trong đó chủ đạo là thay đổi tư duy, thói quen canh tác; sử dụng phụ phẩm của ngành nông nghiệp chế biến thành phân bón sạch, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp sạch từ khâu đầu vào, từ đó tăng giá trị cho nông sản.

Mươi năm trước, đi qua khuôn viên Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, nhìn hạ tầng trường, lớp đẹp đẽ, khang trang bị bỏ không, ông Lợi không khỏi chạnh lòng. Lúc này, đang là Hiệu trưởng Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản (TP. Nam Định), có dịp tiếp xúc với nhiều tổ chức của Nhật Bản, Tiến sỹ Phạm Hữu Lợi đề xuất lên UBND tỉnh Nam Định, Sở NN-PTNT cho phép thực hiện dự án liên kết đào tạo nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao dành cho học sinh học hết cấp 2 theo mô hình trường cấp 3 Nhật Bản, tận dụng khuôn viên của trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ làm trường lớp…

"Thư viện tự giác" của thầy Phạm Hữu Lợi. Ảnh: Kiên Trung.

Ý tưởng được chấp thuận. “Trường cấp 3 nông nghiệp” ra đời do Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định hợp tác thực hiện với Hiệp hội Giáo dục nhân lực Kirishima Sanroku Kasseika, Nhật Bản, được JICA tài trợ, Tiến sỹ Phạm Hữu Lợi được giao phụ trách.

Thấm thoắt, đã 7 thế hệ học sinh ra trường; quy mô mỗi năm được mở rộng thêm. Số lượng hiện tại trường có 230 em thuộc 3 khối (lớp 10 - 11 - 12), vượt 50 học sinh so với chỉ tiêu ban đầu là 60 học sinh/khối (tương đương 180 học sinh).

Với triết lý “học thật, làm thật”, giáo trình của trường Cấp 3 Nông nghiệp do thầy Lợi điều hành “không giống ai”: ngoài việc học văn hóa, các em sẽ tham gia các khóa học kỹ năng, làm quen với trồng trọt, cuốc đất, làm vườn, tự ủ phân chăm bón cây. Đến khi thu hoạch, có sản phẩm đậu, lạc, khoai tây…, tự tay các em sẽ được dạy các kỹ thuật chế biến thành các sản phẩm - nghĩa là tự các em tham gia vòng tuần hoàn khép kín của chu trình từ khi còn là hạt giống cho đến khi thành thực phẩm.

Một không gian rộng mở, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên...

Nó đánh thức những giác quan đối với những ai được đắm mình trong không gian ấy...

3 năm trước, thầy Lợi quyết tâm dựng một thư viện cho học sinh. Vị trí xây dựng công trình này là một khu đất đẹp đẽ, vuông vắn, hai bên có hai cây bàng cổ thụ xanh mướt; nhìn ra khoảng đất rộng trồng cỏ làm sân bóng - nơi rèn luyện thể lực cho các cô cậu học trò.

Thư viện được dựng bằng khung thép tiền chế hai tầng - mô hình giản tiện nhưng kiên cố, chắc chắn. Tầng trên là căng-tin có hai cầu thang sắt trổ hai bên; tầng dưới rộng hơn 100m2 được chia làm 2 dãy bàn ghế sạch sẽ, ngăn nắp. Phần quan trọng nhất - giá đựng sách được sắp thành một dãy dài sát tường, với hàng ngàn đầu sách khác nhau, trong đó có khá nhiều sách về kỹ thuật cung cấp các kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… Hai lối vào bên hông; cửa chính giữa có hai cánh, tất cả đều lắp kính chịu lực trong suốt.

Nhìn từ bên ngoài, khuôn viên thư viện xinh xắn như một chiếc chuồng chim câu khổng lồ đứng vững chãi trên mặt đất; xung quanh đầy ắp màu xanh, với những thảm cỏ dại mọc cũng ngay ngắn, lề lối vì có kiểm soát; khoảnh đất được chừa ra mà không trám bê-tông để có không gian cho côn trùng sinh sống…

Một nhóm học sinh tự học bên trong Thư viện tự giác.

Từ bên trong nhìn ra, cảm giác chìa tay có thể chạm tới màu xanh, hay bước một bước ra khỏi cửa, ngay lập tức sẽ chạm tới thiên nhiên.

Tôi đã vào trong thư viện của thầy Lợi, lấy một cuốn sách trên giá ngồi đọc và nhìn ra bên ngoài để cảm nhận được tất cả những cộng hưởng từ bên ngoài ùa vào bên trong không gian sáng bừng này.

Đã từ rất lâu, tôi không có thời gian cầm một cuốn sách để đọc liền mạch, và càng hiếm hoi được đọc sách trong một không gian mở như thế. Những rung động của thiên nhiên, những tiếng lao xao của nhóm học sinh tự học ngày cuối tuần…, đó thực sự là một không gian sống động làm thức dậy những giác quan tưởng như đã ngủ quên tự bao giờ…

Buổi sáng trong lành ấy, có thêm một cơn mưa mát lành đổ xuống. Mưa trùm lên thư viện nhỏ nhắn và xinh xắn, trùm lên mái tôn ở tầng 2 tạo thành một dàn hợp âm nối tiếp, liên tục. Nhìn qua lớp cửa kính, thấy rõ mưa nhảy múa bên ngoài. Không gian tràn ngập hơi nước khiến không khí trở nên mát dịu.

Khi đọc sách, hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng các giác quan để tất cả cùng ùa vào. Đấy là lý do vì sao, khi đọc sách, người ta mở thật rộng cuốn sách làm hai phần, và đặt in ắn trên mặt bàn để cảm nhận không chỉ những điều từ bên trong cuốn sách mà còn thâu nạp những thứ từ bên ngoài.

Ông Tiến sỹ… ngửi phân do học trò ngâm ủ

Giải thích về dòng chữ “Thư viện tự giác” gắn trên cửa chính, thầy Lợi từ tốn: “Tất cả, hãy để chúng thật tự nhiên, không cần gượng ép. Khi các học trò tự cảm nhận được những giá trị của việc đọc sách mang lại, các em sẽ tự hình thành cho mình thói quen mà không cần phải lên gân, nhắc nhở. Cũng giống như niềm đam mê, khi chúng ta đã thích thú điều gì, chúng ta sẽ thật hào hứng khi được thực hiện niềm đam mê ấy”.

Không gian đặt những cuốn sách do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tặng cho nhà trường.

“Tự giác", theo thầy Lợi, đó là tự giác đọc, và mỗi người tự giác góp sức, góp sách để xây dựng nên một tủ sách đa dạng, phong phú, nhiều loại sách, và được thỏa sức sáng tạo, tự tìm cách đọc cho mình.

Điều này dường như là chủ trương của “thầy giáo già” Phạm Hữu Lợi, bởi khi tôi đặt câu hỏi, “nhà trường có định hướng cho các em về cách đọc, nội dung đọc… hay không”, gần như ngay lập tức ông phản ứng thẳng thắn: “Đã là tự giác thì không có sự định hướng. Các em muốn đọc gì, đó là sở thích. Trong bối cảnh trẻ con bị hớp hồn bởi điện thoại, vi tính, mạng xã hội…, có những đứa trẻ vẫn hằng ngày lên thư viện, chọn cho mình một cuốn sách và đọc, đó đã là một sự may mắn!”.

Một tấm bảng lưu tên những cá nhân, tổ chức tặng sách cho Thư viện của nhà trường.

Mấy năm qua, tự ông cũng tạo cho mình một thói quen: đến từ rất sớm, ngồi hàng giờ trên chiếc ghế băng dài - loại ghế kiểu cũ của thập niên những năm 90 về trước, và bao giờ cũng là người cất tiếng chào trước những cô cậu học trò tuổi 16, 17 líu ríu dắt nhau lên thư viện; và gương mặt ông trở nên giãn ra, đầy hạnh phúc khi được chúng chào lại…

“Các cháu ngại tiếp xúc, ngại mở lời, vậy người lớn chúng ta hãy chủ động lên tiếng trước. Bây giờ, chào - hỏi với chúng đã thành thói quen. Chúng cởi mở với thế giới xung quanh, cởi mở với người đối diện, nghĩa là chúng đã sẵn sàng tiếp nhận, đón nhận, hấp thụ những tri thức, kiến thức từ bên ngoài vào mình”, thầy Lợi tâm sự.

Giờ lên lớp với bếp ga, xoong chảo... của học sinh trường Cấp 3 Nông nghiệp.

“Thư viện tự giác” đồng thời cũng là phòng tự học đã trở thành một không gian giao tiếp của những đứa trẻ đến từ các vùng quê khác nhau, không chỉ ở các huyện vùng biển của Nam Định mà còn có cả những học sinh ngoại tỉnh khác, từ vùng núi phía Bắc hay miệt vườn sông nước Cửu Long tìm đến theo học. Chúng như những cánh chim vừa đang tập bay đã dũng cảm rời xa gia đình, sống cuộc sống tự lập, tự lo cho mình, và mỗi ngày cứng cáp, trưởng thành hơn.

“Trường tôi không có lao công. Tại sao việc ăn ở, vệ sinh của cá nhân mà tự mình không lo được lại phải dựa dẫm, ỷ lại vào người khác? Các cháu ở đây, ăn cơm xong tự dọn dẹp, tự rửa bát của mình; nhà vệ sinh phải tự dọn dẹp, lau chùi… Vì nếu không có ý thức với chính mình thì sẽ không mong chờ chúng có ý thức với cộng đồng, xã hội”.

Rời chiếc ghế băng dài, cũ kỹ có những thanh gỗ thanh mảnh được kết nối với nhau làm vai dựa, thầy Lợi dẫn tôi đi tham quan khuôn viên của trường. Lớp của cô giáo Trần Thị Ánh Hồng (giáo viên nông nghiệp) có khoảng chục học sinh đang say mê làm dầu lạc, nguyên liệu từ chính vụ lạc mà các em thu hoạch, cộng với bơ, sữa… chế biến, nấu lên thành một thứ thơm ngậy, tinh khiết. Khi sản phẩm ra lò, chúng tự nếm để trải nghiệm sản phẩm do tự tay mình làm.

Đỗ Việt Anh, cậu bé sinh năm 2008, học sinh lớp 11 và sản phẩm dầu lạc mà mình cùng các bạn vừa chế biến thành công.

Đỗ Việt Anh, cậu bé sinh năm 2008, học sinh lớp 11 - quê huyện Xuân Trường, chìa cho tôi một hộp dầu lạc mà em vừa tự tay hoàn thành, kèm theo nửa chiếc bánh mì từ ổ bánh mà cô, trò đã chuẩn bị sẵn. Tôi bẻ từng mẩu bánh nhỏ, chấm ngập vào hộp dầu lạc, ăn một cách ngon lành. Những hương vị thơm ngậy dậy lên, cảm giác như có cả mùi hương của đất, của cỏ, mùi mồ hôi, công sức… của những đứa trẻ - học trò thầy Lợi, ẩn chứa trong đó.

Im lặng không nói, nhưng tôi hiểu ông giáo già Phạm Hữu Lợi rất hài lòng.

Trỏ tay vào khu đất trồng vừa mới được cày cuốc, chia thành các luống, ông bảo: “Đấy, món dầu lạc mà các em vừa làm là sản phẩm của vụ lạc vừa thu hoạch, do tự tay chúng trồng”.

Rồi ông dẫn tôi vào một nhà kho nhỏ ở góc vườn, có những bao tải buộc túm đầu xếp chồng lên nhau, ông Lợi mở một bao, rồi vốc một nắm đưa sát mũi: “Đây là phân hữu cơ do các cháu ủ. Nó là phụ phẩm của nông nghiệp, ủ theo công thức mà các cô dạy. Không có bất kỳ mùi hôi gì, và là dưỡng chất rất quý giá cho những vụ trồng trọt sắp tới”.

Khu đất nơi lũ trẻ thực hành gieo trồng "mùa nào thức nấy"...

Và một kho lưu giữ những bao phân hữu cơ do tay các em học sinh ngâm ủ.

Theo lời ông, tôi cũng ghé sát mũi để ngửi. Quả đúng như lời ông nói!

“Chúng tôi không muốn cho các học sinh của mình điều gì khác ngoài sự tự tin, kiến thức, làm chủ cuộc sống của chính mình. Những kiến thức học trên lớp, học từ những cuốn sách trên thư viện…, nó được hiện thực hóa bằng những kỹ năng lao động, trồng trọt, và chế biến thành những thực phẩm như thế này. Đó là một vòng tròn tuần hoàn. Chúng là những hạt giống, nhưng để thành một cái cây vững chãi, có ích, yếu tố quan trọng là phương pháp giáo dục”.

Tôi tin lời ông nói, như chính cái Thư viện tự giác nhỏ bé nhưng đầy sức sống, giữa một không gian sống động mà tôi vừa được trải nghiệm!

Một sản phẩm sáng tạo của các học sinh trường cấp 3 Nông nghiệp.

Một không gian mở từ bên trong thư viện!

Kiên Trung
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.