Sản xuất cây có múi ở Việt Nam đã và đang đối mặt với tình trạng suy thoái khá nặng nề, nhiều vườn cây có múi, trước hết là cam chanh (Citrus sinensis Osbeck) và cam sành (Citrus nobilis Loureiro) ở không ít vùng trồng, kể cả một số địa phương truyền thống đang đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ do sự tụt giảm nghiêm trọng cả về tình trạng sinh trưởng, năng suất và chất lượng cho dù đang trong thời kỳ đỉnh cao của chu trình kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, báo Nông nghiệp Việt Nam với sự tập hợp những cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các nhà khoa học tổ chức một chuyên đề mở, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan nhằm góp thêm những gợi ý, khuyến cáo các biện pháp khắc phục các sự cố cây có múi đang gặp phải.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được đề cập đến một vấn đề nhỏ nhưng cũng là một trong những khâu kỹ thuật khá quan trọng, ảnh hưởng đến suốt cả chu trình sống của cây có múi: vấn đề đào hố hoặc đắp ụ (mô) trồng cây con trên đồng ruộng.
Cũng như các cây trồng lâu năm khác, đặc biệt với cây thân gỗ có bộ rễ phát triển sâu và rộng trong môi trường đất, việc đào hố hoặc đắp ụ trồng cây có múi phải đảm bảo được hai yêu cầu cơ bản: Tạo không gian xung quanh phù hợp cho bộ rễ vốn còn mong manh, dễ chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi phát triển thuận lợi và tạo môi trường tối ưu cho quá trình trao đổi các khoáng chất cần thiết cho cây giữa phức hệ keo đất với nguồn dinh dưỡng bổ sung từ bên ngoài.
Theo logic đó, việc trồng mới cây có múi, dù theo kiểu đào hố hay đắp ụ đều phải đi theo hướng tạo nên nền đất xung quanh bộ rễ tơi xốp, dung tích hấp phụ cao, khả năng giữ và thoát nước tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các vi sinh vật có lợi, hạn chế các vi sinh vật gây hại, thường tồn tại và lây lan nhanh trong môi trường yếm khí, thiếu ô xy và dư thừa độ ẩm.
Với cây có múi nói chung và cây cam chanh nói riêng, bên cạnh các bệnh virut và vi khuẩn nguy hiểm như greening (huang long bing), tristeza, exorcortis… một số bệnh nấm phát sinh từ đất (soil - born diseases) như bệnh chảy gôm (xì mủ) do nấm phythophthora gây nên, bệnh vàng lá, thối rễ có nguyên nhân từ nấm fusarium… cũng gây nên những tổn thất không nhỏ cho người trồng. Do có nguồn gốc phát sinh từ đất nên các nấm bệnh này liên quan rất chặt chẽ đến phương pháp chuẩn bị đất trồng cây con, hoặc bằng cách đắp ụ nổi hoặc bằng cách đào hố dưới mặt đất và đây cũng chính là điểm tôi thấy cần phải được trao đổi kỹ càng hơn.
Tôi đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Minh Châu trong bài trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam, rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc trồng mới cây có múi trên luống hoặc đắp mô có tác dụng tốt trong việc hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ngay tại miền Bắc, người dân ở những vùng thấp cũng đã từng áp dụng mô hình trồng cây ăn quả lâu năm trên ụ đất được đắp cao, cả trên những cánh đồng còn ngập nước, hiệu quả thu được là khá tốt và đang có xu hướng nhân rộng trong những năm gần đây. Có thể kể đến một số địa phương tiêu biểu như huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, ngoại ô thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng…
Còn trên một góc nhìn khác, việc trồng mới cây ăn quả trong đó có cây có múi trên luống hoặc đắp ụ (mô) đối với nhiều địa phương ở miền Bắc sẽ gặp một số trở ngại và tính khả thi chắc chắn không cao, nhất là với các vùng trung du, miền núi, nơi dư địa cho cây ăn quả còn khá lớn với địa hình dạng gò, đồi là chủ yếu, quá trình xói mòn đất rất dễ xảy ra. Giải pháp hợp lý trong bối cảnh đó chắc vẫn phải nghiêng về phương pháp đào hố trồng cây con. Vấn đề là, chuẩn bị hố trồng như thế nào và phải có những tác động cần thiết nào khi trồng mới để môi trường đất xung quanh bộ rễ cây con đảm bảo được các tiêu chí như đã trình bày ở trên.
Cá nhân tôi vẫn cho rằng: cách thức đào hố và kỹ thuật trồng mới cây con, nếu tuân thủ một cách nghiêm túc các khuyến cáo trong quy trình đã được ban hành vẫn không ảnh hưởng đáng kể đến sự phát sinh và phát triển nấm bệnh gây hại có nguồn gốc từ đất như phythophthora, fusarium… Các yêu cầu cơ bản và gần như bắt buộc là: kích thước hố phải đủ lớn (khối lập phương hoặc hình hộp chữ nhật, chiều dài cạnh trên dưới 80cm tùy thuộc địa hình và loại đất), bỏ tách các lớp đất (trên và dưới) riêng nhau, tiến hành trước khi trồng ít nhất 15 ngày… Lúc trồng cây con, sau khi đưa phân bón lót vào hố, cho lớp đất mặt xuống trước và lớp đất ở dưới cho vào sau cùng. Chi tiết kỹ thuật quan trọng khác là khi lấp đất, một mặt phải phá các thành hố đào từ trước, tạo không gian tơi xốp quanh vùng rễ, mặt khác phải đảm bảo mặt hố cao hơn mặt đất một khoảng vừa phải và có rãnh thoát nước xung quanh.
Trong một lần trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi cũng đã nhắc đến bài học trồng cam theo kiểu đào rãnh sâu ở tại vùng cam truyền thống Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An không lưu ý đến sự thoát nước quanh vùng rễ cây con, hậu quả là chỉ vài năm sau đó phải hủy bỏ toàn bộ vườn cây do bị nghẹt rễ và sự tấn công của các loại nấm bệnh phát sinh từ đất.
Nói như vậy để thấy, việc đào hố trồng cây con với cây có múi không tự nó làm nên “tội”, đáng phải bị “lên án” bởi nếu thực hiện đúng như sách vở đã khuyến cáo, môi trường đất quanh bộ rễ vẫn đáp ứng trọn vẹn các yêu cầu cần thiết cho sự phát triển của cây con trong suốt chu trình sống. Đó là chưa kể đến, với những vùng đất cao, địa hình đồi gò, thậm chí cả những sườn núi thấp, vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong phát triển cây có múi ở miền Bắc Việt Nam, việc đào hố trồng cây con gần như là một biện pháp bắt buộc và không khó thực hiện. Cá nhân tôi cũng từng được chứng kiến, người dân vùng Sicin vốn khá nổi tiếng về sản xuất cam quýt ở Italia trồng cây có múi trên những sườn núi lẫn nhiều đá sỏi với phương thức đào hố bằng cơ giới trong đó có cả máy khoan cỡ nhỏ.
Để tóm lại, xin được thể hiện ý kiến của cá nhân là: trồng mới cây có múi có thể sử dụng một trong hai cách: hoặc đắp mô (ụ) hoặc đào hố tùy thuộc vào điều kiện đất đai cụ thể, trước hết là kiểu địa hình nơi trồng với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về kỹ thuật đã được khuyến cáo trong quy trình sản xuất.
Về một bài học đắt giá
Cuối những năm bảy mươi và đầu tám mươi của thế kỷ trước, Trung tâm Cây ăn quả Phủ Quỳ (bây giờ thuộc Viện KHKTNN Bắc Trung bộ) đã có một bài học rất đắt giá và nhớ đời về biện pháp trồng cây.
Đó là sáng kiến: dùng cày máy (Tractor của Liên Xô cũ) bỏ bớt lưỡi, chỉ để lại một lưỡi giữa, rạch hàng sâu, sau đó trồng cây con (cam) theo đúng khoảng cách (tạm gọi là "trồng âm"), các khoảng giữa được lấp đất lại. Tôi có tham gia như một lao động thực thụ nhân khi vào đấy công tác (từ Viện Công nghiệp và Cây ăn quả Phú Hộ).
Năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Mấy năm đầu, không có vấn đề gì, cây con sinh trưởng tốt (chăm sóc đảm bảo như là một mô hình mẫu). Nhưng khoảng từ năm thứ 3 trở về sau, một loạt sự cố xảy ra, trong đó nặng nề nhất là sự xuất hiện và tàn phá của bệnh nấm phát sinh từ đất. Kết quả: trở về con số không!