| Hotline: 0983.970.780

Viện khoa học trụ vững trong cơ chế thị trường

Bí quyết phá rào cản của VAFS

Thứ Năm 11/05/2023 , 09:15 (GMT+7)

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam nhiều trăn trở trong bối cảnh viện nghiên cứu công lập phải tự chủ.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập vừa qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ trao tặng. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập vừa qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ trao tặng. Ảnh: Bảo Thắng.

Hai rào cản chính

Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hơn 10 năm qua việc nghiên cứu trong lâm nghiệp đã tạo ra rất nhiều giống mới và tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào thực tế là các tiến bộ và giống này đi vào thực tiễn chưa nhiều. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, là công tác quảng bá, giới thiệu kết quả nghiên cứu đến doanh nghiệp, người sử dụng chưa được tốt. Vấn đề này có hai lý do. Một là, khi ra quyết định công nhận các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới, Bộ NN-PTNT giao cho các đơn vị sở hữu chịu trách nhiệm quảng bá và chuyển giao ra thực tiễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay các tổ chức khoa học công nghệ công lập đang đi vào tự chủ, khả năng, tiềm lực về mặt kinh tế để tổ chức triển khai chuyển giao còn hạn chế.

Hai là, sự kết nối giữa tổ chức khoa học và doanh nghiệp, người sử dụng chưa thật sự chặt chẽ. Chính vì vậy, thông tin từ nhà nghiên cứu đến nhà sản xuất chưa được kết nối thông suốt nhau.

Rào cản còn lại, là các sản phẩm khoa học phải có chất lượng thực sự tốt, nếu không khả năng ứng dụng trong thực tiễn sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Trong chỉ đạo của Bộ NN-PTNT giai đoạn hiện nay và sắp tới, các sản phẩm khoa học đều cần được nâng lên một bước. Ví dụ, các giống mới bên cạnh năng suất, chất lượng còn có tính chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu... Sản phẩm khoa học cũng nên đáp ứng được nhiều mục tiêu, nhiều đòi hỏi trong thực tiễn sản xuất, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan thường nói là "tích hợp đa giá trị".

GS.TS Võ Đại Hải tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

GS.TS Võ Đại Hải tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ động liên kết với địa phương

Những người làm khoa học giờ cần nằm lòng phương châm "Nghiên cứu gắn với thị trường". Đây là yêu cầu và đòi hỏi tất yếu trong thực tiễn sản xuất, bởi suy cho cùng các nhiệm vụ khoa học đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và phục vụ được cho thực tiễn sản xuất. Muốn vậy, các nhà khoa học phải nắm sát yêu cầu của thị trường, làm việc theo "đơn đặt hàng" của thị trường.

Có hai vấn đề chúng ta cùng chung tay xử lý ở đây. Một là, các cơ quan quản lý như Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Lâm nghiệp... phải đặt hàng các nhiệm vụ từ đòi hỏi của thị trường. Hai là, các nhà khoa học tăng cường, chủ động tìm tòi, đón đầu những xu hướng mới của thực tiễn sản xuất. Để kết hợp được cả hai, rõ ràng quan hệ giữa các bên cần hết sức chặt chẽ.

Trong bối cảnh cơ chế tự chủ hiện nay ở các tổ chức khoa học công nghệ công lập, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ để vừa tạo được công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên, vừa nhanh chóng chuyển giao được các tiến bộ kỹ thuật, kết quả khoa học vào thực tiễn.

Đầu tiên, chúng tôi ký kết hợp tác với nhiều địa phương như UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, đồng thời kết nối với các tập đoàn lớn như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam... Thông qua các hoạt động này, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu của địa phương, của đối tác và kế hợp triển khai các công tác về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. 

GS.TS Võ Đại Hải cùng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng Bùi Duy Ngọc quan sát tiêu bản gỗ tại phòng giám định. Ảnh: Bảo Thắng.

GS.TS Võ Đại Hải cùng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng Bùi Duy Ngọc quan sát tiêu bản gỗ tại phòng giám định. Ảnh: Bảo Thắng.

Đồng thời, Viện cũng chủ động, lập sẵn kế hoạch giới thiệu các kết quả nghiên cứu về giống và tiến bộ về kỹ thuật trong các buổi làm việc với địa phương. Bằng cách làm này, chúng tôi thực sự thấy như mình đang được động viên, truyền thêm cảm hứng bởi địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức đang thiếu nhiều thông tin khoa học, cũng như các chính sách phát triển cho lâm nghiệp. Sự phối hợp dần đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả rất rõ nét. 

Trong quá trình xây dựng các chính sách phục vụ phát triển về lâm nghiệp, các cán bộ khoa học của viện được trực tiếp tham gia thảo luận và hỗ trợ địa phương. Bằng sự trao đi đổi lại như thế, hai bên hiểu nhau hơn, tạo được sự gắn kết. Minh chứng là rất nhiều mô hình rừng trồng, đặc biệt là trồng cây bản địa ở địa phương đã được Viện chuyển giao và thực hiện tốt. Các mô hình về rừng đa dụng, rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ cũng được triển khai.

Ngoài ra, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng lắng nghe những trăn trở của địa phương, nhất là trong việc phát triển kinh tế rừng, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ. Trên cơ sở đó, Viện đã kiến nghị Bộ NN-PTNT xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ rừng của Việt Nam. Từ chỗ có khoảng 200.000ha rừng có chứng chỉ, đến nay Việt Nam có xấp xỉ 400.000ha - con số vượt qua rất nhiều kỳ vọng ban đầu.

Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp mà Thủ tướng ban hành năm 2021, Việt Nam phấn đấu đạt 500.000ha rừng có chứng chỉ vào năm 2025. Như vậy, với tiến độ kể trên, mục tiêu đã đặt ra là hoàn toàn khả thi. Đồng thời, một lần nữa chứng tỏ việc nghiên cứu theo nhu cầu của thị trường là con đường không thể thay đổi để các viện nghiên cứu bước vào và đứng vững theo cơ chế tự chủ. Sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam thời gian tới chắc chắn sẽ có những đổi mới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack thăm trung tâm giám định gỗ vừa được khánh thành, đặt tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack thăm trung tâm giám định gỗ vừa được khánh thành, đặt tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Chú trọng công tác đào tạo

Bước vào cơ chế tự chủ, nhìn đâu cũng thấy vướng, thấy khó, nhưng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam luôn ý thức một cách sâu sắc rằng công tác đào tạo cán bộ phải được duy trì, phát triển. Cán bộ có tốt thì đơn vị mới mạnh và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đó không chỉ là suy nghĩ mà còn là phương châm hành động xuyên suốt của Viện. Bất chấp những thách thức về tài chính, chúng tôi không hạn chế cử cán bộ đi đào tạo ở trong và ngoài nước. Kết quả, trước số cán bộ trình độ tiến sĩ của viện loanh quanh khoảng 30 người, nhưng nhờ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của các thế hệ lãnh đạo, đến nay số lượng tiến sĩ tăng gấp 3,5 lần, lên 112 người. 

Cách làm của Viện dựa trên hai hình thức chính. Thứ nhất, đào tạo dài hạn thông qua kết nối hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để cử cán bộ đi học ở nước ngoài. Thứ hai, trao đổi cán bộ trong các hội thảo quốc tế hoặc tập huấn ngắn hạn. Song song với đó, là những chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thường xuyên ở trong nước. 

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có lịch sử lâu đời về đào tạo tiến sĩ và được Bộ giao nhiệm vụ từ năm 1982. Hơn 40 năm qua, Viện đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, từ hoàn thiện quy chế cho đến chuẩn bị đội ngũ giảng dạy, hướng dẫn. Chúng tôi cũng có cơ chế ưu đãi, thu hút và hỗ trợ nghiên cứu sinh về làm việc tại những lĩnh vực trọng yếu của ngành lâm nghiệp, giúp bổ sung trực tiếp nguồn cán bộ tại chỗ và cung cấp cán bộ nòng cốt cho toàn ngành.

Nhờ uy tín của hội đồng đánh giá tiến sĩ do Viện tổ chức, cán bộ được đào tạo ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tốt khả năng; hầu hết trở thành những cán bộ khoa học đầu ngành, cán bộ chủ chốt hoặc lãnh đạo các đơn vị và địa phương.

GS.TS Võ Đại Hải cho biết, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hiện có 17 đơn vị trực thuộc trải dài từ Bắc vào Nam, quản lý hơn 11.700ha. Đặc biệt, Viện có hệ thống phòng thí nghiệm với nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Công nghệ gỗ đạt chuẩn Vilas Quốc gia phục vụ giám định gỗ.

Trải qua 60 năm hoạt động, Viện đã thực hiện gần 1.200 công trình nghiên cứu khoa học các cấp. Đặc biệt, Viện luôn là cơ sở chọn tạo giống cây lâm nghiệp hàng đầu trong nước, chiếm trên 90% số giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.