2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, đồng thời cũng là năm đầu tiên xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 29/10/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đan xen quá trình phối hợp hiệu quả với các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân, sự cố gắng, nỗ lực của Sở KH-CN cùng toàn ngành giúp hoạt động KH&CN đạt được nhiều bước tiến, vừa hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội, thể hiện qua 5 dự án cấp quốc gia, 57 đề tài, dự án cấp tỉnh, cùng với đó là gần 160 quy trình kỹ thuật được tiếp nhận, làm chủ và phát triển.
Những năm qua các nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp là chất xúc tác hữu hiệu, góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế, riêng giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 4,7%, giai đoạn 2021-2023 đạt 4,73%.
Từ cơ sở thực tiễn, thấy rằng ngành nông nghiệp Nghệ An được “thơm lây” từ nền tảng khoa học, công nghệ. Điều này được chứng thực qua kỹ thuật tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả và mía; thâm canh lúa nước sử dụng phân viên nén dúi sâu; bón đạm đúng liều lượng cho cây lúa (1 ha giảm 40kg đạm); luân canh, xen canh bắt buộc đối với canh tác mía, sắn giúp tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích và cải tạo đất; áp dụng quy trình bón phân cho cây chè trên nền tảng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng; xử lý tồn dư thuốc BVTV bằng chế phẩm sinh học Biogreen, quy trình sản xuất giống và trồng một số dược liệu.
Nhân giống mía 3 cấp; hoàn thiện quy trình sản xuất thử nghiệm các giống lan mokara cắt cành; nghiên cứu sâu bệnh hại cây chanh leo; nghiên cứu quy trình sản xuất giống và thâm canh gấc, cà chua trái vụ; chế biến và bảo quản quả trám đen Thanh Chương; nhân giống và trồng thâm canh cam bù Sen Anh Sơn; áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại cây cam thời kỳ kinh doanh tại các huyện Con Cuông, Tân Kỳ; mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây măng loi Tân Kỳ…
Ở khía cạnh thương mại hóa sản phẩm, ngành Khoa học & Công nghệ tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ theo chuỗi giá trị về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đến nay đã tiến hành nghiên cứu chuỗi sản phẩm liên quan đến trà hoa vàng, chanh leo, lúa japonica, cam, chè, trám đen, lạc, rau hữu cơ cùng nhiều mô hình kinh tế triển vọng khác. Nhờ nền tảng công nghệ, Nghệ An đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, điển hình như vùng trồng cỏ, cây nguyên liệu cho thức ăn gia súc của Công ty CP TP sữa TH; vùng nguyên liệu mía gần 8.000 ha mía của Nhà máy đường Nghệ An; vùng sản xuất rau, củ quả 143 ha; vùng cây ăn quả trên 1.000 ha cam…
Cùng với đó, Nghệ An cũng ứng dụng linh hoạt các thành tựu nghiên cứu giống nhằm đẩy nhanh quá tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt (lúa thuần, ngô, lạc, đậu, sắn, chè, mía, chanh leo, lúa thảo dược...). Qua kiểm chứng, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học tạo được dấu ấn như mô hình sản xuất giống và trồng nấm ở các huyện Tân Kỳ, Yên Thành; ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho trâu, bò, lợn từ cây ngô, lá sắn ở Thanh Chương, Anh Sơn.
Mô hình sản xuất chế phẩm Compost Marker, chế phẩm BOEM trong sản xuất phân bón; đệm lót sinh học trong chăn nuôi; chế phẩm Biogreen để xử lý tồn dư hóa chất trên đất trồng rau (đã được UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ)…
Từ nền tảng vững chắc tích lũy sau thời gian dàu, kết hợp với định hướng phát triển bài bản, sát sườn, ngành Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An tự tin tiếp tục hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2025.