Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Xuân Trường - Thứ Bảy, 08/03/2025 , 11:18 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tập trung sự quan sát vào những con người bị thôi thúc phải cất bước đi, luôn ngóng về phía chân trời. Họ văng mình vào những cuộc đi, bị giằng kéo bởi quê nhà và nơi xa, đi vì những mối ràng buộc hoặc để cởi bỏ những ràng buộc. Đó là những người trẻ ở các làng quê ngày càng thưa dần bóng dáng thanh niên, đó là những đứa con xa rời mái nhà thơ ấu, vì tự do, vì tương lai.

Chằng hạn, “những thanh niên trong xóm Cầu Nâu kéo nhau ngược miền Đông từ vài năm trước. Hồi đầu thì lác đác, nghe tin đứa nhỏ nào bêm xóm đó quảy túi bỏ đi, ông già không mảy may nghĩ chuyện đó liên quan tới mình. Nhưng bữa cúng đình, thấy thanh niên thưa thớt, mấy ông già ngồi kiểm đếm coi con cháu nhà nào đang đi - ở, ra một con số không nhỏ. Nếu như con số có mùi vị, thì nó hẳn mang mùi mất mát”

Với niềm chia sẻ “luôn tồn tại những tiếng gọi đâu đó, và người ta buông bỏ mọi thứ để đi theo”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận định: Ở chiều ngược lại, đó là những người đã rời đi, bị cái mùi rau ở quê hương níu về, hoặc đã biến đất lạ thành nhà. Hay xót xa hơn, có khi chỉ được về với hình hài cát bụi. Cảm xúc đồng cảm ấy, được tác giả miêu tả: “Khi đi vô chợ, giữa mùi rau sực nức, chừng như chúng được cắt khi đang ngậm sương và đến đây chưa hoàn toàn khô nhựa. Húng lủi, húng cây mùi mạnh nên ập vào thằng nhỏ trước tiên, nhưng chúng cũng không lấn át hết mùi của những thứ hành lá, rau ngổ, cần nước, cải tùa xại. Ngay đầu chợ là những cần xé rau cải thải loại giập úng chờ xe rác mang đi, tất cả chúng phảng phất mùi mưa tháng Sáu ở vườn sau nhà. Chữ “nhà” không bao gồm phòng trọ chật cứng mà thằng nhỏ mướn từ năm trước. Nhà là ở phía quê. Tự dưng nó muốn về”

Qua trang văn Nguyễn Ngọc Tư, đi và về đã là điều tất yếu vì cuộc sống không ngừng xô đẩy và vì con người không thể thôi ngóng về nơi xa, mong tìm được một mảnh trời thuộc về mình hoặc một nơi nương náu. Có lẽ đó là bản chất của con người, dù trong hoàn cảnh nào, cũng vẫn cất bước vì biết đâu còn vệt sáng đâu đó phía chân trời.

Nhịp hiện đại, giá trị vật chất lên ngôi, con người cứ phải bôn ba, chạy theo những nhu cầu hưởng thụ. Xã hội nhộn nhạo với quá nhiều thay đổi và biến động, khiến lòng người cũng chập chùng. Vì bươn chải và kiệt quệ trong bươn chải, những chuẩn mực sống bị lung lay, những giá trị từng quan trọng cũng lơi lỏng. Điều ấy khiến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đau đáu và khắc khoải về cái mất còn của những giá trị thiết thân, cái ấm lạnh của mối quan hệ con người “trong gương kia, kẻ đơm nụ cười lên môi không dứt, ánh mắt ngọt ngào giả tạo, tuôn lên rượu thịt những lời thớ lợ êm tai, chị luôn tự hỏi phải mình không. Là mình đó sao, hay chỉ là một hình nhân nào đó được sao y? Và một khi đã thuần thục, thì đâu là bản chính?”

Họ trở nên xa lạ với chính mình, xa lạ với người thân khi bị cuốn theo dòng người xô đẩy, kèn cựa nhau trên đường đời: “Mợ nói đọc những bình luận của cậu trên đó mà rởn gáy, không biết cái người chung giường với mình đến ngáy còn hắt hiu mà độc lực ở đâu ra khiến câu nào chữ nào cũng nghiệt. Như tỉnh cơn mê thấy người nằm cạnh mình là người lạ. Như nhận ra con người nhiều bóng tối cỡ nào, làm gì có tận cùng đâu.”

Mối quan hệ giữa con người trở nên lạnh dần, trơ dần, khi lợi ích chen vào giữa họ, khi chắn giữa họ là những màn hình điện tử vô tri. Người trong gia đình lao vào nhau. Những người lạ ngày ngày “mở phiên kết án” qua màn hình, “nhào vô cào cấu” nhau bằng bàn phím: “Mắt điện tử vô tri hiển nhiên rồi, mắt thịt cũng thản nhiên không kém. Vượt qua những lằn ranh đỏ, đôi khi chỉ vài ba chữ. Đầu ngón tay, thoắt cái đã trở thành dao”.

"Tiếng gọi chân trời" với những suy tư của một phụ nữ cầm bút.

Trong “Tiếng gọi chân trời”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt lưu tâm đến thân phận người phụ nữ. Đó là những người đã từ bỏ “đôi cánh”, vùng vẫy trong mái nhà và cơ thể của mình. Họ bị ràng buộc bởi bổn phận và trách nhiệm làm vợ làm mẹ, chính những điều đó định nghĩa và đóng khung con người họ, khiến họ dường như không còn là ai cả bên ngoài bổn phận và trách nhiệm.

Người phụ nữ làm mẫu ảnh đã quen nghe các nhiếp ảnh gia nói rằng chị đẹp bởi mồ hôi, nên “cứ sợ không mồ hôi thì không ai nhận ra mình”. Người mẹ đã luôn mang dáng vẻ làm mẹ, làm bà, nên không ai biết chị ra sao nếu là “dáng vẻ của một người thanh thỏa riêng mình”, không vì ai khác. Ở miền sông nước, người ta gọi hành kinh là “mắc kẹt”, một từ như nói lên phần số của người phụ nữ, một lời nguyền.

Câu chuyện người phụ nữ không còn mới, góc nhìn của Nguyễn Ngọc Tư cũng không còn xa lạ, nhưng những dòng chữ của chị vẫn khiến lòng người run lên: “Nhiều lần lặng lẽ nhìn má, hoặc thiêm thiếp trên giường bệnh, hoặc cà nhắc bước xuống thềm, hoặc ngồi bên võng canh giấc cho thằng nhỏ cháu cố, chị bỗng nghĩ, đáng vẻ không làm mẹ làm bà của má, không biết trông ra sao. Dáng vẻ của một người thanh thỏa riêng mình, chỉ mình, tập trung vào mình, mà không mang vác trách nhiệm nào, vai trò nào, vì ai khác”.

Là nhà văn gắn liền với miền Tây sông nước, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không thôi hướng về miền Tây. Trong “Tiếng gọi chân trời”, câu chữ của Nguyễn Ngọc Tư viết về miền Tây nặng trĩu âu lo, vì những vấn đề cấp bách mà ăn sâu, khó lòng giải quyết. Đó là vấn đề của môi trường và khí hậu, khi hạn mặn, thiếu nước ngày càng đe dọa con người nghiêm trọng hơn. Đó là vấn đề của những vùng quê ngày càng thiếu người trẻ, nhiều những người già nhìn lũ trẻ trôi dạt về phương xa. Đó là cơn mê đất đai của những người dân quê, mê đến ám ảnh, đến phải giành giật.

Giữa trùng trùng chật vật và gian khó, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn không từ bỏ. Đâu đó, người ta vẫn thương nhau, vẫn chia sẻ cho nhau. Đâu đó, vẫn còn hy vọng: “Bởi đâu phải cá mương nào cũng bằng nhau, lúa nào cũng tốt gạo, bộ cột nào kích cỡ y chang nhau nhưng lòng người ta thì đều chằn chặn nghĩa tình. Chung xóm không giúp nhau lúc thắt ngặt, thì đợi lúc nào”.

Xuân Trường
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.